Những câu chuyện về thực phẩm bẩn không gây rùng rợn và ám ảnh đến mức như chuyện về thuốc thịt người. Nhưng về bản chất, chẳng phải thực phẩm bẩn chính là thứ "thuốc" giết người âm thầm hay sao.
1. Cuối tuần, nghĩ lại vẫn thấy rợn người với vụ phát hiện thuốc làm từ thịt người của Trung Quốc mới đây. Rợn đến nỗi không đủ can đảm mô tả lại cái công đoạn điều chế "thần dược" kinh hoàng mà một đài truyền hình lớn của Hàn Quốc đã phanh phui.
Với công dụng được đồn thổi là chữa bách bệnh và tăng cường sinh lực, có những kẻ đã không ngần ngại xẻ thịt đồng loại và hẳn cũng không thiếu những kẻ sử dụng loại thuốc này dù biết rõ nguồn gốc. Có lẽ, nếu Đường Tăng tồn tại trong thời đại ngày nay, thì cũng sẽ hứng chịu số phận suốt đời bị truy giết, không phải bởi bầy lũ yêu tinh, mà bởi chính những con người "văn minh". Chẳng phải các yêu tinh trong Tây Du Ký vẫn tin rằng ăn thịt Đường Tăng sẽ được trường sinh bất lão sao.
Người viết chợt nhớ đến nỗi ám ảnh "ăn thịt người" trong tác phẩm Nhật ký người điên của Lỗ Tấn. "Người điên" của nhà văn đã nói thế này: "Có lẽ xưa kia, khi con người còn man rợ, họ đã từng ăn thịt người. Nhưng rồi về sau, tâm tư thay đổi, có kẻ không ăn nữa, muốn trở nên tốt, nên họ đã trở thành người, trở thành những người chân chính. Có kẻ vẫn ăn... Cũng như sâu bọ, có thứ biến thành chim, cá, khỉ, và cuối cùng biến thành người".
Miêu tả đó dường như là trùng khớp với Thuyết tiến hóa của Darwin, cũng như khoa học đã chứng minh ăn thịt người là mức độ thấp nhất của sự tiến hóa, những người đã tiến hóa không ăn thịt người. Thế nhưng, cả khi con người đã tiến hóa, thì như "Người điên" chỉ ra, vẫn "có kẻ không muốn trở nên tốt, đến nay vẫn là sâu bọ. Kẻ ăn thịt người so với kẻ không ăn thịt người, xấu hổ biết mấy! Sợ còn xấu hổ hơn sâu bọ so với khỉ nhiều nhiều lắm"[1].
Lời của một tiền nhân viết cách đây đã gần thế kỷ, đáng sợ thay, đến nay vẫn còn là một cảnh báo ám ảnh trong xã hội hiện đại.
2. Trong khi những từ như "thất kinh", "ghê rợn", "kinh hoàng" liên tục được lặp lại trong các tin tức về thuốc thịt người, thì từ "thờ ơ" lại được một bài báo sử dụng để miêu tả thái độ của người dân trước một thông tin không phải không có tương quan với tin chấn động trên: cải thảo Trung Quốc nhiễm chất gây ung thư. Theo bài báo này, "cải thảo vẫn bày bán phổ biến và được người tiêu dùng ưa chuộng".
Theo ý kiến riêng của người viết, nên thay thế từ "thờ ơ" bằng từ "không còn đủ sức quan tâm" sẽ chính xác hơn chăng? Bởi cái câu chuyện cải thảo chứa chất ướp xác formaldehyde này cũng chỉ đủ "lóp ngóp" trong liên hồi kỳ trận những tin tức về thực phẩm bẩn. Nào là thịt lợn siêu nạc, thịt thối, mỡ thối, măng tẩm lưu huỳnh, bánh kẹo bẩn, Bột chứa Rhodamine B; nước giải khát với mì ăn liền dùng phẩm màu kiềm; bún, giò thì đầy hàn the...
Đài truyền hình SBS của Hàn Quốc đưa tin về vụ phát hiện "thuốc thịt người". Ảnh: SBS
|
Thực tế ấy khiến người viết nhớ đến câu chuyện trong chính gia đình mình. Mẹ của người viết, vốn không được đánh giá là một phụ nữ nội trợ giỏi giang, luôn "hăng hái" đi đầu trong công cuộc bảo vệ sức khỏe gia đình. Một hồi, nghe rau cải rất ngốn thuốc sâu, cụ lập tức cải tạo bữa ăn bằng su hào vì nghe nói vỏ loại củ này dày, chống thuốc sâu tốt. Vậy là hàng tuần với su hào luộc, xào, ninh xương, dưa góp...
Đến một hôm, báo đài cho biết hóa ra su hào thực ra cũng không an toàn, một loại rau khác lại được cụ cho "lên đời". Triền miên với phát hiện thực phẩm bẩn, rồi thay thế, rồi phát hiện, thay thế, cụ cũng đến ngưỡng "nản" và đành để cho gia đình thân yêu ăn uống theo... sở thích.
Người tiêu dùng bây giờ có lẽ cũng đang trải nghiệm tâm trạng tương tự. Vì đến 3 bộ cùng quản mà bữa ăn người dân vẫn chưa sạch, lại cũng không muốn mang tiếng "ỷ lại" các bộ và hứng chịu những căn "bệnh lạ mãi thành quen", nhiều người chuyển sang phương án âm thầm tự cứu mình.
Báo đài phản ánh thức ăn đường phố cực bẩn, vậy thì đành quay lại như thời bao cấp, ăn sáng tại nhà, cặp lồng lủng lẳng đến cơ quan. Mình làm mình ăn là yên tâm nhất. Nhưng tự nấu ăn thì cũng phải mua thực phẩm. Thịt lợn có chất siêu nạc, vậy cạch thịt lợn. Nội tạng bốc mùi, vậy chia tay với những bữa lolotica (lòng lợn tiết canh). Rau muống tưới nước siêu bẩn, vậy tạm biệt rau muống...
Cứ như vậy, lần lượt từng món, từng món bỏ ta ra đi. Đến một ngày ta nhận ra chẳng còn ăn được cái gì nữa, và ta quay lại trạng thái thỏa hiệp: kệ vậy.
3. Những câu chuyện về thực phẩm bẩn không gây rùng rợn và ám ảnh đến mức như chuyện về thuốc thịt người. Nhưng về bản chất, chẳng phải thực phẩm bẩn chính là thứ "thuốc" giết người âm thầm hay sao. Và những người đã tạo ra chúng chẳng phải chính là đang gây tội ác sao?
Một trường hợp mà theo người viết nghĩ không hiếm xảy ra, là hiện có những gia đình thỉnh thoảng lại được "vinh dự" nhận những loại rau, thịt an toàn mà người nuôi trồng giới thiệu là chỉ dành cho người nhà, người quen thân (phần để bán sẽ có khu và chế độ "chăm sóc" riêng!). Vậy ra, rất nhiều người hoàn toàn ý thức - chứ không phải vô tình không biết - những thứ mình làm ra là độc hại, nên chỉ để cho... người lạ ăn.
Trung Quốc từng xử tội phạm thực phẩm bẩn với mức án dành cho các tội ác nghiêm trọng nhất khi kết án tử hình những kẻ chủ mưu vụ tạo lợn siêu nạc bằng chất clenbuterol hay vụ sữa nhiễm melamine... Ngay cả các thanh tra thú y và an toàn thực phẩm liên quan cũng phải nhận án tù do tắc trách và lạm quyền.
Nhưng cái "khó" ở Việt Nam, như lời một vị quan chức từng phân trần cách đây vài năm là "Trung Quốc có trẻ chết nên xử tử hình được. Vi phạm ở ta chưa ai chết, khó xử lý hình sự". Chưa ai chết, nên chỉ có thể phạt tiền vài triệu đến vài chục triệu, rồi mọi sự lại "nguyễn y vân".
Trong các chiến dịch tuyên truyền về tai nạn giao thông, hay HIV/AIDS, người ta thường nhấn mạnh thông điệp bằng cách đưa ra hình ảnh ghê rợn về hậu quả mà nạn nhân phải gánh chịu. Có lẽ cũng nên cho những người đang tích cực góp phần tạo ra một thị trường ngập tràn thực phẩm bẩn xem những thước phim về nạn nhân của họ. Họ sẽ được chứng kiến sức khỏe, thân thể của những nạn nhân đó đang từng ngày bị bào mòn, âm thầm chết dần cho đến ngày bị bệnh tật khủng khiếp như ung thư hành hạ và lôi khỏi cõi đời.
Còn bây giờ, trong khi chờ đợi những sự thức tỉnh, những hình phạt đích đáng, chúng ta đành làm một "phép thắng lợi tinh thần": định nghĩa lại vai trò của Ăn. Ăn vốn dĩ là hoạt động cơ bản để đảm bảo sự sống, nay ta chỉ nên bằng lòng với khái niệm: Ăn để không chết... ngay.
[1] Nhật ký người điên, tác giả Lỗ Tấn, Trương Chính dịch.
Theo Vietnamnet