15/10/2018 20:40 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Rõ ràng việc các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Quang Lê, Vũ Hà… ký tên vào bức tranh của Hứa Thanh Bình là sai. Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ ghi: “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.
Điều đáng nói ở đây là khi làm việc này, chưa chắc các ca sĩ biết mình đang làm sai. Qua việc họ đôi co, qua thái độ “ngỡ ngàng” của họ trên mạng, qua lời giải thích của ca sĩ Vũ Hà, cũng có thể thấy họ sai mà không hề hay biết.
Vũ Hà nói: “Vị doanh nhân này muốn treo tranh trong phòng làm việc, yêu mến anh chị em nghệ sĩ nên đã nói chúng tôi ký tên làm kỷ niệm. Nếu không, chúng tôi chẳng ai dại cùng ký tên như thế. Người mua tranh vui vẻ muốn điều đó thì không hiểu tại sao mọi người lại phản ứng”.
Đọc những lời này, rõ ràng Vũ Hà đang nghĩ việc ký tên lên tranh cũng giống như ký lên sách, lên đĩa nhạc, lên đàn ghi-ta, lên xe máy… vậy thôi.
Nếu thật thà nhìn nhận, thì trong đời sống, chắc còn không ít trường hợp nghĩ giống như các ca sĩ và ông doanh nhân này. Bởi họ chưa được chuẩn bị tâm thế, thông tin để tiếp nhận “tính độc bản” của một bức tranh, rất khác với “tính phiên bản” của những sản phẩm sản xuất hàng loạt khác. Hơn nữa, tranh là tác phẩm thị giác, việc ký lung tung có thể ảnh hưởng đến bố cục, màu sắc, sự toàn vẹn thẩm mỹ của nó.
Trên mạng có nhiều ý kiến cho rằng hành động của các ca sĩ này là vô văn hóa, chỉ Việt Nam mới có, thì e rằng hơi cực đoan và vội vàng. Bởi thực ra trên thế giới, ngay cả ở các nước văn minh, cũng không hiếm trường hợp giống như vậy, ngoài sự cố tình hủy hoại thì không bàn làm gì, đã có chế tài pháp luật, còn đa số do vô tình mà phạm phải.
Kiệt tác “La Reve” của Picasso từng bị chính người sở hữu vô tình làm thủng lúc say sưa giới thiệu với bạn bè, buộc nó phải giảm giá từ 139 triệu USD xuống 90 triệu USD khi mang ra bán đấu giá. Vài khách xem vào bảo tàng lớn vô tư vẽ thêm vài chi tiết lên bức tranh, viết vẽ lên tượng cổ Hy Lạp cũng không hiếm.
Tất nhiên các ví dụ vừa nêu so với việc các các sĩ ký tên là khác nhau về hiện tượng và bản chất, nhưng rốt cuộc đều ảnh hưởng không tốt đến chỉnh thể tác phẩm. Họa sĩ Hứa Thanh Bình, dù khá buồn, nhưng chọn thái độ im lặng, có lẽ ông muốn tôn trọng tinh thần từ thiện mà bức tranh đã hướng đến từ đầu.
Việc lên án chừng mực sai lầm của các ca sĩ vừa nêu cũng sẽ có tác dụng như một bài học cảnh báo những việc làm tương tự trong tương lai, của những người khác. Có những sai lầm là không thể chấp nhận được, nhưng cũng có những sai lầm trở thành bài học cho người khác. Bởi rõ ràng, có những lỗi lầm do vô ý hoặc do kém hiểu biết sinh ra. Đơn giản như việc chải răng, phức tạp như việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng…, nhiều cá nhân, nhiều quốc gia làm sai mà tưởng làm đúng trong suốt thời gian dài.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất