Chuyện thầy Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen: Quần soóc, áo vest và sự sáng tạo

25/04/2017 07:14 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Những hình ảnh về hai buổi giảng dạy của GS Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen (TP. HCM) đang là nguồn cơn của một cuộc tranh luận gay gắt trên không gian mạng.

Ở cả hai buổi giảng dạy đó, vị GS ở tuổi 56 này đều xuất hiện trong một bộ trang phục độc đáo, với “nửa dưới” là chiếc quần soóc kẻ ca rô và đôi dép xăng đan đã mòn. Còn “nửa trên”, khi thì ông mặc chiếc phông trắng, khi thì ông chơi luôn... một chiếc áo vest.

Không có gì lạ, khi trong bộ trang phục ấy, GS Thành nhận được khá nhiều “gạch đá” từ cộng đồng mạng vì lý do thiếu tôn trọng sinh viên. Bức xúc, có ý kiến nặng lời còn khẳng định: ông Thành có thể là GS về chuyên môn nào đó, nhưng chắc chắn không phải là GS về... văn hóa.

***

Ngoài đời, nếu gặp một người mặc quần cộc đi đôi với áo vest và chạy tung tăng trên đường, bạn sẽ nghĩ gì? Có thể, với một số độc giả, đó sẽ là biểu hiện của sự thiếu văn hóa tại không gian công cộng.


Giáo sư Thành từng xuất hiện trong trang phục quần đùi, áo thun khi giảng bài cho sinh viên. Ảnh: Internet

Nhưng chắc chắn, nếu suy xét kỹ, những người điềm đạm sẽ suy nghĩ: chủ nhân của bộ trang phục ấy hoặc... “có vấn đề”, hoặc có một lý do rất đặc biệt nào đó để khoác những thứ ấy lên người. Bởi, nếu đầu óc tỉnh táo, chúng ta sẽ không bao giờ “ghép” áo vest với quần cộc, dù là người cẩu thả hay xuề xòa đến mấy.

Đó cũng là lý do để bên cạnh những người đang háo hức “ném đá” GS Thành, có một bộ phận độc giả khác đề nghị họ đọc kỹ lại các thông tin, thay vì dừng ở tiêu đề và bức ảnh của vị GS trong chiếc quần cộc.

Như những gì được chia sẻ, GS Thành mặc trang phục ấy với lý do: ông muốn có những ví dụ sinh động khi giảng về sự sáng tạo của tư duy. Cụ thể, theo GS, sự sáng tạo trước hết nằm ở việc thoát khỏi những rào cản cố hữu về cách nghĩ. Điển hình, không sinh viên nào ngờ, ông có thể “sáng tạo” ra cách mặc quần soóc với áo vest.

Theo cách tiếp cận ấy, hóa ra GS Thành lại có lý do để mặc bộ trang phục khác người của mình. Và chúng ta chỉ có thể khen hoặc chê về cách “lấy ví dụ” của ông- chứ chưa thể nói rằng vị GS này thiếu tôn trọng sinh viên.

 

Quần soóc, áo choàng và di tích

Quần soóc, áo choàng và di tích

Từ ngày 7/4 vừa qua, đền Ngọc Sơn tại Hồ Gươm đã cho du khách 'mượn' áo choàng miễn phí. Tất nhiên, đó không phải là loại áo choàng chống rét, mà áo được sử dụng để khách tham quan có trang phục chưa phù hợp khoác lên người để vào đền.

 

Cần nói thêm, bênh cạnh những lời chê, nhiều sinh viên từng trực tiếp nghe giảng và... chiêm ngưỡng GS Thành trong chiếc quần soóc lại có những đánh giá vô cùng tích cực về bài dạy của ông.

***

Tôi không định nâng vấn đề thành cuộc tranh cãi về trang phục cần thiết khi lên lớp của giảng viên. Bởi, đó là một câu chuyện khác, và cần phải được ví dụ bằng những cảnh huống khác.

Điều đáng nói ở đây là câu chuyện của sự sáng tạo. Trong bài giảng, GS Thành có nói rằng phải vượt qua những định kiến xã hội, những gò bó trong ý tưởng, những gì chúng ta cho là được và không được... thì sáng tạo mới nảy sinh.

Nhưng ông nói còn thiếu. Trong bối cảnh thông tin được lan truyền với tốc độ “siêu cấp” như hiện nay, sự sáng tạo ấy còn phải vượt qua thói quen tiếp nhận vội vã thiếu phản biện - cũng như thói quen đưa ra kết luận mà không cần phân tích của độc giả. Giống như những định kiến xã hội, những trở ngại trong thế giới mạng ấy không thể là câu chuyện có thể khắc phục trong một sớm một chiều.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm