29/06/2015 05:12 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Trong tất cả tinh hoa của Hà Nội, có lẽ đáng kể là tính cách lịch lãm, là nếp nhà thuần hậu.
Bây giờ nhiều thứ mất chuẩn, cả văn hóa, lối sống, đạo đức… Nhưng trong nhiều gia đình Hà Nội, việc giữ “nếp nhà” (gia phong) luôn được các thế hệ tuân thủ, tự giác và coi đó là mực thước.
Hình như người Hà Nội không ai nói to, không thanh niên nào bặm trợn. Người hàng phố gặp nhau chào hỏi xã giao, lịch lãm. Có người cho đó là sự khách sáo, là nhiêu khê, nhưng đa số chúng ta đều tôn trọng nếp sống ấy của người Hà Nội. Một sự chỉn chu, nhẹ nhàng, lịch sự… Con cái dù lớn đến đâu luôn giữ lễ nghi chào hỏi, “lời chào cao hơn mâm cỗ”.
Tôi có dịp đến chơi nhà một người quen đã "bốn đời ra phố" nên tạm gọi là người “Hà Nội gốc”, thấy mọi chuyện ở đây hình như chưa mấy thay đổi. Cô con dâu đi làm về nhà là vào cung kính chào khách, sau khi lễ phép chào mẹ chồng: Thưa mẹ, con đi làm về ạ!
Người phụ nữ Hà Nội xưa e dè, khép nép, tuy chưa hẳn đã là khuôn mẫu nhưng có những nét đẹp đến bây giờ vẫn vẹn nguyên giá trị.
Những phẩm chất ấy có được là do sự giáo dục chặt chẽ trong gia đình, một nền giáo dục cần phát huy trong nếp sống mới hôm nay. Ý thức sâu sắc về danh dự và lòng tự trọng luôn nhắc nhở mọi người sống tử tế, đứng đắn, không làm điều xấu ảnh hưởng đến gia phong. Câu cảm ơn, xin lỗi được cho là khuôn phép, chuẩn mực trong cách cư xử, trong từng lời ăn tiếng nói.
2. Thời hiện đại, nền kinh tế thị trường, nhiều gia đình giàu có lên, khi đồng tiền lên ngôi, lối sống người Hà Nội cũng hình như phức tạp hơn, nhiều gia trị văn hóa, giá trị đạo đức đảo lộn, thậm chí xuống cấp. Điều đó đã làm cho những người hoài cổ bi quan lo lắng, nhiều người lại ao ước muốn quay về lối sống, với nếp sống xưa.
Có thể đó là điều không tưởng. Thời đại nào cũng có sản phẩm tinh thần phù hợp. Quan trọng là chúng ta vừa kế thừa nét đẹp truyền thống, vừa phải thích nghi với cái mới, phù hợp thời đại.
Nhiều người cho rằng, sự thay đổi về thành phần dân cư, cùng với sự quá tải của hạ tầng đô thị đã phá vỡ lối sống của người Hà Nội xưa. Chưa hẳn vậy. Bởi có nhiều người "nhà quê ra tỉnh” sống, nhưng gia đình vẫn gia phong nền nếp.
Gần đây, thành phố có chương trình xây dựng văn hóa người Hà Nội văn minh thanh lịch. Hy vọng cuộc sống người Thủ đô, bên cạnh kinh tế phát triển, là đời sống tinh thần phong phú, là gia phong, nền nếp trong mỗi gia đình được giữ vững. Mỗi người luôn hướng đến cách sống nhân hậu, bao dung, tử tế và mến khách…
Tân Linh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất