Chữ và nghĩa: Giải cứu

10/03/2021 07:23 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, cả nước đã hăng hái vào chiến dịch "Giải cứu nông sản Hải Dương".

Góc nhìn 365: Điệp khúc 'giải cứu nông sản'

Góc nhìn 365: Điệp khúc 'giải cứu nông sản'

Cụm từ “giải cứu” nông sản đang liên tục được nhắc tới trong dòng thời sự chủ lưu vài ngày qua. Kèm theo đó, trên mặt báo hoặc không gian mạng cũng tràn ngập những hình ảnh về từng đoàn người xếp hàng dài dằng dặc trước tấm bảng đỏ có dòng chữ “Điểm bán nông sản ủng hộ bà con vùng dịch”.

Từ "giải cứu" đột nhiên trở nên "hot" trong đời sống và trên mọi phương tiện truyền thông. Vào Google gõ thử đã có ngay 162 triệu kết quả trong 0,55 giây. Những ngày đó, ra ngoài đường (nhất là trên phố Hà Nội) cũng thấy la liệt các điểm bán hàng giải cứu với tấp nập người bán, người mua. Quả là một hiện tượng đặc biệt trên thị trường sau Tết Tân Sửu.

“Giải cứu” là một động từ Hán Việt gồm 2 thành tố: Giải (解) có nghĩa "gỡ ra, tách ra, cởi ra"; cứu (救) là "cứu vớt". “Từ điển tiếng Việt” bản mới nhất (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) giải nghĩa từ này là "cứu thoát khỏi tai nạn".

Chú thích ảnh
Sinh viên tình nguyện tại điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp bà con nông dân Hải Dương. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Trong cuộc sống, không hiếm ai đó (hoặc tập thể nào đó) vướng vào một tai nạn, một sự cố rủi ro rất cần sự giúp đỡ nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả của cộng đồng.

Trước đây (1998), khán giả Việt Nam (và thế giới) có điều kiện được xem bộ phim “Giải cứu Binh nhì Ryan” (Saving Private Ryan) của điện ảnh Mỹ, kể chuyện viên đại úy John H.Miller, nhận nhiệm vụ quan trọng của tướng Marshall cùng đồng đội bằng mọi giá phải tìm và giải cứu bằng được anh binh nhì Ryan tại mặt trận chống quân Đức ở chiến trường Normandy (Pháp) trong Thế chiến II.

Miller đã quyết tâm thực hiện bằng được mệnh lệnh "kiên quyết" của vị tướng chỉ huy (Marshall không muốn Ryan tiếp tục tham chiến và hy sinh, do anh là người duy nhất trong gia đình có 4 người con còn sống sót, 3 người anh của Ryan đã tử trận trong trận chiến trước đó. Mẹ và gia đình Ryan mong mỏi anh được trở về). Đó không chỉ là một nhiệm vụ mà người lính phải thực thi mà còn là một hành động xuất phát từ nghĩa cử thiêng liêng.

Việc toàn dân chúng ta tham gia "giải cứu nông sản Hải Dương" cũng là một hành động cần thiết. Hơn thế nữa, còn là hành động cao cả và nhân văn. Rằng trong khó khăn, hoạn nạn, chúng ta càng phải đề cao tình tương thân tương ái, nghĩa cử cần thiết, để cứu giúp đồng bào ta đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, tổn thất.

Giải cứu cho người khác, người có hành động này cũng "giải cứu" cho mình khỏi những đắn đo cân nhắc, những tính toán thiệt hơn. Ở các điểm bán hàng giải cứu bây giờ, người dân sẵn sàng mua các túi rau, củ, quả (hay con gà con vịt nuôi từ trang trại) mà không hề mặc cả, chê bai.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước thì thương nhau cùng”.

Câu ca dao thấm đượm tình nhân ái đó của dân gian lại vang lên và đặc biệt có ý nghĩa với chúng ta khi cả nước đã phải vượt qua bao nhiêu hoạn nạn những ngày qua. Điều này đã làm nên sức mạnh to lớn của dân tộc. Từ chuyện "giải cứu", mọi người thêm hiểu nhau, biết cảm thông và chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm