Chữ và nghĩa: Cơn đằng Đông vừa trông vừa chạy...

12/08/2020 07:44 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Cơn đằng Đông vừa trông vừa chạy/ Cơn đằng Nam vừa làm vừa chơi”. Đây là một câu tục ngữ, có 2 vế, mô tả 2 sự tình. Mỗi sự tình gắn với 2 trạng thái ứng xử của con người trước hiện tượng biến đổi của thời tiết: Một sự tình đáng lo và một sự tình ung dung, chẳng lo gì.

Chữ và nghĩa: 'Cha chết không lo bằng đỏ lò Tây Bắc'

Chữ và nghĩa: 'Cha chết không lo bằng đỏ lò Tây Bắc'

Đó là một câu tục ngữ có cấu trúc so sánh quen thuộc. Dân gian thường mượn cấu trúc “A chẳng (không) bằng B”. Ví dụ: “Vợ dại không hại bằng đũa vênh”, “Chồng đánh còn hơn gánh gồng”, “Chửi cha không bằng pha tiếng”...

Có lẽ câu tục ngữ đã quá rõ ràng với mỗi người Việt Nam ta, nhất là những ai từng sống ở nông thôn (đặc biệt là nông thôn miền Bắc). Bởi đó là kinh nghiệm phán đoán thời tiết căn cứ vào hiện tượng. Giống như bác sĩ đoán bệnh căn cứ vào biểu hiện lâm sàng (lâm sàng: quan sát trực tiếp trạng thái người ốm trên giường bệnh), nhà nông "trông trời, trông đất, trông mây" mà phán đoán diễn biến thời tiết sắp xảy ra.

Đây là lời giải thích của Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển Tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010): “Cơn mưa mà hiện ra ở đằng Đông thì nên vừa trông chừng, vừa chạy đi nấp (vì đó là điểm mưa sắp ập tới); cơn mưa mà hiện ra ở đằng Nam thì cứ vừa làm, vừa chơi (vì đó là điềm mưa sẽ không ập tới)".

Tưởng giải thích như thế là ổn lắm rồi vì quá đầy đủ và rõ nghĩa. Câu nói truyền đạt một kinh nghiệm “dự báo thời tiết, hạn cực ngắn” cho bất kỳ ai đến mùa mưa này vẫn từng chứng kiến. Ấy vậy mà vẫn có mấy vấn đề cần nói thêm và nói rõ hơn. Cũng bởi vế đầu “Cơn đằng Đông vừa trông vừa chạy” hàm ẩn một loạt vấn đề.

Thứ nhất, cơn đằng Đông dứt khoát có mưa. Vào mùa Hạ (hay còn gọi là mùa viêm nhiệt) nắng nóng, rất dễ xảy ra những cơn mưa bất thường. Dấu hiệu rõ nhất, bắt buộc phải có trước khi mưa là mây đen xuất hiện. Mây thì có thể kéo lên ở 4 phương 8 hướng. Nhưng nếu mây kéo đen kịt từ phía đằng Đông thì coi chừng, chắc chắn có mưa. "Thâm Đông thì mưa, thâm dưa thì khú, thâm vú thì chửa". "Thâm" nào cũng có vấn đề ("Thâm đông, thâm dưa" thì dở, chỉ có "thâm vú" là hớn hở reo cười). Mây đằng Đông là mây kéo vào từ phía biển. Theo các nhà khí tượng học, khi trời nắng nóng, mặt đất nóng lên rất nhanh bởi hấp thụ nhiều bức xạ mặt trời. Lúc đó các luồng không khí nóng ẩm bốc cao, giao hòa với luồng không khí có nhiệt độ thấp hơn (từ đại dương). Hiện tượng đối lưu không khí rất mạnh này xảy ra làm luồng không khí có nhiệt độ thấp mang hơi ẩm tràn xuống phía dưới. Ta thấy mây đen xuất hiện ngày một nhiều và cái gì cần đến sẽ đến.

Chú thích ảnh
Thời tiết mưa dông. Nguồn: Internet

Thứ hai, khoảng thời gian có mây đến có mưa diễn ra rất nhanh. Rất nhiều hôm đang nắng Hè chói chang, trời đột nhiên xuất hiện mây đen phía Đông, ùn ùn kéo tới, nhanh đến mức không kịp trở tay. Những ai ở nông thôn, từng lao động trên đồng, thấy mây đen cuồn cuộn là vội vã chuẩn bị tinh thần mà chạy. Chạy tay không đã tốt. Đằng này phải chạy cùng phương tiện, dụng cụ lao động (cày bừa, trâu bò, gầu tát...), chạy lúa vừa gặt, chạy lạc vừa nhổ, chạy khoai vừa dỡ... Nông sản này cần phải thu gom nhanh đưa về nhà (hoặc sân hợp tác). Nhưng không ít người phải tạm bỏ những thứ này ngoài đồng, hớt hải chạy ngay về nhà. Bởi ở nhà, trên sân, ngoài ngõ còn phơi đủ thứ: lúa thóc, ngô, đỗ, lạc, rơm rạ... Cái nào cũng cần chạy. Mà ở nhà đâu có ai. Nếu có thì trẻ con, ông già bà cả khó mà lo xuể. Không ít người về đến nhà thì mưa đã ào ào rơi. Không thể chuyển ngay tất cả vào nhà. Vậy phải chọn "giải pháp tình thế": Lúa, ngô, lạc... ở sân tạm vun thành đống, rồi kiếm bất cứ thứ gì có thể che tạm (nong nia, áo cót, áo mưa, thậm chí lấy ngay rơm rạ "lợp" lên trên, cốt che cho mưa không thấm ướt). Cái gì ướt cũng nguy: Lúa, ngô, lạc ẩm mốc sẽ mọc mầm hoặc xấu mã, chất lượng kém, phơi mấy nắng cũng không lại. Không ít trường hợp mưa quá to nước ngập sân, chỉ cứu được sản phẩm phía trên ngọn, dưới đành chịu ướt, có khi phải bỏ hoặc dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Thứ ba, cơn mưa không chỉ có mưa. Kèm theo nó là giông lốc, sấm sét. Một cơn giông xuất hiện thường diễn ra theo 3 giai đoạn: Khởi phát, chín muồi, suy tàn. Giai đoạn khởi phát là đáng sợ nhất. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có bài thơ “Mưa” mô tả những chi tiết mở màn mưa rất sinh động, chân thực: Sắp mưa/Những con mối/ Bay ra/ Mối trẻ/ Bay cao/ Mối già/ Bay thấp/ Gà con/ Rối rít tìm nơi/ Ẩn nấp/ Ông trời/ Mặc áo giáp đen/ Ra trận/ Muôn nghìn cây mía/ Múa gươm/ Kiến/ Hành quân/ Đầy đường/ Lá khô/ Gió cuốn/ Bụi bay/ Cuồn cuộn... Chớp/ Rạch ngang trời/ Khô khốc /Sấm/ Ghé xuống sân/ Khanh khách cười...

Cơn giông trải rộng tới vài hoặc vài chục ki lô mét vuông, sức gió nhanh mạnh, có lúc giật lên tới 80-90 km/h, đủ sức kéo đổ cột đèn, cây cối, nhà cửa... Đây chính là khoảng thời gian nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn nhất. Vì vậy, khi bắt đầu có giông, nhiều người phải đứng im tại chỗ. Bởi di chuyển lúc đó chưa chắc đã kịp mà còn có thể hứng chịu rủi ro bất thình lình. Nhẹ thì ngã vì gió quật. Nặng thì cây đổ, hay cành cây rơi trúng người, hay mái tôn bay văng vào mặt. Nặng nữa thì “sét đánh trúng đầu về chầu ông vải”. Chớ có dại ra đường khi cơn giông đang đến nhé.

Người ta còn nói “Cơn đằng Nam vừa làm vừa chơi”, “Cơn đằng Tây vừa cày vừa ăn” (cũng có người nói “Cơn đằng Tây lo dây mà buộc”, “Cơn đằng Tây không mưa rây cũng bão giật”). Nhưng nói chung, ngoài cơn đằng Nam rất “lành” không đáng lo, cơn đằng Tây hay đằng Bắc có nguy cũng không nguy lắm. Chỉ có anh chàng “cơn đằng Đông” là thật đáng sợ.

Giông tố, sấm rền, mưa đá cũng đều xuất phát từ đây. Hình ảnh “vừa trông vừa chạy” đã đủ để nói lên tính nghiêm trọng của sự tình. Trước biến đổi khó lường của “cơn đằng Đông”, người ta không chỉ “chạy cho thoát khỏi cơn mưa to đang đến rất nhanh” mà còn vừa chạy vừa theo dõi diễn biến tình hình để đưa ra giải pháp tức thời. Cơn thịnh nộ của thiên nhiên quả không đùa được.

Mây đen kéo kín đằng Đông

Xem chừng sấm sét theo giông đến gần…

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm