Chữ và nghĩa: Ba năm vua vời và 'Ba năm giặt váy...'

24/06/2020 06:55 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Câu thành ngữ này viết đầy đủ là “Ba năm được bận vua vời phải ngày kinh nguyệt”.

Chữ và nghĩa: Chửa con so 'làm lo' hay 'làm cho' láng giềng?

Chữ và nghĩa: Chửa con so 'làm lo' hay 'làm cho' láng giềng?

“Chửa con so làm lo láng giềng”, không hiểu sao tác giả Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển Tục ngữ Việt Nam, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) lại thống kê tục ngữ có chữ “lo” này. Vì căn cứ vào câu chữ, ta sẽ hiểu là: Cô gái nào đẻ con so sẽ đem lại nỗi lo cho hàng xóm, láng giềng (của cô ấy).

Kinh nguyệt là gì nhỉ? Chả cần hỏi các cô gái, đa số mọi người (nhất là những người ở độ tuổi trưởng thành" đều biết từ này. Đây là một từ Hán Việt 2 thành tố (“kinh”: mạch máu, kinh mạch; “nguyệt”: tháng). Kinh nguyệt là “hiện tượng ra máu có chu kỳ hàng tháng từ tử cung qua âm đạo ra ngoài (của người phụ nữ), do bong niêm mạc tử cung dưới sự ảnh hưởng của sự thay đổi có chu kỳ của hormon buồng trứng. Kinh nguyệt bắt đầu từ tuổi dậy thì và chấm dứt vào tuổi mãn kinh” (Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 2, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2007). Đó là hiện tượng sinh lý bình thường của mọi phụ nữ trên thế gian này.

Cái không bình thường nằm trong sự tình phản ánh qua câu thành ngữ. Bởi câu này gắn với cuộc đời các cung phi hay các phi tần (vợ lẽ của vua). Do không phải hoàng hậu chính danh nên các cung phi này không được nhà vua sủng ái (theo các phép tắc hoàng gia), tức là hưởng các chế độ chỉ hoàng hậu mới có (được cung phụng mọi thứ và đặc biệt là được ngủ chung với vua trong một phòng riêng).

Còn các vợ lẽ kia chỉ là "cầu thủ dự bị" hay "diễn viên đóng thế". Lúc nào vua quan tâm, "để mắt" đến thì mới được hưởng ân huệ chung chăn chung gối một đêm nào đó. Họ mong mỏi, khát khao có cơ hội được nhà vua ân ái, hơn cả "trời hạn mong mưa". Vậy mà...

Cái "vậy mà" oái oăm đó nằm trong câu tục ngữ được Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010) giải thích là "(Mong suốt) ba năm mới được vua vời; (thế mà khi được vời tới) lại bị kinh nguyệt (nên vẫn chẳng được vua động tới). Hay dùng để than phiền về tình cảnh ít gặp may tới độ đã để lỡ cả cơ may khi nó xuất hiện".

"Cơ may" như vậy có thể nói là vô cùng hiếm hoi. Bởi vua chúa ngày xưa có không biết bao nhiêu thê thiếp. Muốn được vua ân ái không đơn giản là "xếp hàng đến lượt". Vì dù vua có tới cả trăm cung tần mỹ nữ (như vua Minh Mạng có một đội ngũ ái phi lên tới 500, 600 người) thì rồi cũng đến lúc các nàng được "lên giường" cho trọn ý nguyện.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhưng vua đâu có tuân thủ luật chơi "xếp gạch", chẳng hạn lần lượt gọi các ái phi theo trật tự chữ cái hay trật tự bình thường của dãy số tự nhiên. Vua có cách ứng xử của vua. Nghĩa là nổi hứng "thích thì chơi", không thích thì cho ra rìa. Có vua lại uỷ thác việc này cho "hội đồng" quan thị (hoạn quan, thái giám). Quan thị cũng "đồng bóng" chẳng kém. Họ có cách lựa chọn theo sở thích của họ. Có khi ngẫu nhiên. Có khi vì được các phi tần chiều chuộng, đút lót quà cáp, tiền bạc nên thiên vị. Vậy là chuyện cung phi mỹ nữ được vua vời có khi hiếm hoi như trúng số độc đắc. Ba năm được gọi vào hầu vua cũng là may đấy.

Nhưng hỡi ôi! Ba năm mòn mỏi đợi chờ. Thế mà đến lượt thế nào nàng lại gặp đúng kỳ kinh nguyệt. Ai cũng biết, phụ nữ gặp ngày "thấy tháng" phải giữ gìn, kiêng tránh đủ thứ: Không lao động quá sức, tránh dầm mưa dãi nắng, cẩn thận trước sự thay đổi bất thường của thời tiết, không ăn các thức ăn như cay nóng, không dùng chất kích thích như uống bia rượu, cà phê, thuốc lá... Và đặc biệt, trong những ngày "đèn đỏ" này, phải tuyệt đối không được quan hệ tình dục.

Oái oăm quá đỗi. Thật là thất vọng tràn trề. Bao nhiêu tháng ngày chăm chút, sửa sang dung nhan sắc đẹp. Bao nhiêu đêm vò võ, trằn trọc mong chờ một lần được chung chăn chung gối với thiên tử. Rồi ngày ấy bất ngờ đến thật. Nhưng... Cái "nhưng" này sao mà đau, mà tủi đến thế!... Nỗi buồn này biết ngỏ cùng ai?

Cũng hoàn cảnh tương tự, dân gian còn có câu Ba năm giặt váy phải ngày trời mưa: Mong suốt ba năm đằng đẵng để được giặt váy đem phơi. Ấy vậy mà đúng hôm đó trời lại đổ mưa. Tuy nhiên, đọc câu này người ta sẽ có câu hỏi, là "Tại sao phải đợi tới ba năm mới được giặt váy? Lúc nào giặt chả được?".

Phải chăng câu này ám chỉ các cô gái trẻ không may chồng mất, phải chịu tang chồng ít nhất ba năm. Qua thời gian thủ tiết này, cô mới được tự do. Lúc ấy, cô có thể giặt giũ, sắm sửa váy áo, ăn diện, trang điểm để tìm cho mình một cơ hội "đi bước nữa"?

Dù thế nào, cốt lõi ngữ nghĩa của câu thành ngữ trên là hướng tới thông điệp: Ở đời, nhiều khi người ta mất rất nhiều thời gian, công sức, mong mỏi để có một cơ hội nào đó, nhằm thực hiện một ý nguyện, một khát vọng. Nhưng thật tiếc, khi cơ hội đến thì bất ngờ xuất hiện một sự tình ngẫu nhiên, làm cho điều mong ước kia không có điều kiện thực hiện. Tình huống thật trớ trêu!

Bao năm mong mỏi đợi chờ

Vậy mà tan nát ước mơ, cũng vì...

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm