200 ngàn đồng và 'ông Hiếu phường Văn Miếu'

27/07/2017 08:05 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về vụ xin giấy chứng tử ở phường Văn Miếu tưởng như đã khép lại chỉ sau 24 giờ nhưng lại bất ngờ tăng nhiệt theo một hướng khác.

Bởi, dù có lời xin lỗi của lãnh đạo phường, dư luận vẫn không thể dừng lại trước thông tin: chỉ khi "lót tay" 200 ngàn đồng, những thủ tục giấy tờ (mà ở đây là xin giấy chứng tử) của người dân tại đây mới có thể tiến hành nhanh.

Và, cũng từ những bức xúc lẫn thắc mắc ấy, lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo làm rõ thêm những thông tin về dấu hiệu tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương này. Kết quả xác minh được yêu cầu báo cáo trong 3 ngày tới.

***

Trước đó, ngày 25/7, mạng xã hội liên tục chia sẻ câu chuyện của một người phụ nữ sống tại đây. Hoa, tên chị, trước đó vài ngày tới ủy ban phường để xin giấy chứng tử cho cụ thân sinh vừa qua đời.

Như lời kể, dù đã khẩn khoản xin được cấp giấy sớm (để kịp tổ chức tang lễ và hôm sau), chị Hoa vẫn phải mất 6 lần cả đi cả về để ra phường từ sáng tới chiều.Và, trong những lần tiếp xúc với chị, ông cán bộ tên Nguyễn Lê Hiếu vẫn có thái độ thờ ơ và cho biết: giấy chưa có, bởi bà Phó chủ tịch Phường chuyên trách ký giấy khai tử Nguyễn Thị Thúy Hà đang đi vắng.

Chú thích ảnh
Ủy ban phường Văn Miếu, nơi xảy ra vụ việc

Lần cuối, trong ngày, sau khi bức xúc to tiếng, chị được một nữ cán bộ ký, bố trí đóng dấu và... đuổi ra ngoài, kèm theo lời mắng "vô văn hóa".

Giấy chứng tử lấy chậm, nên việc tổ chức đám ma phải đổi ngày so với dự kiện. Gia đình trách chị sao không biết kẹp lá đơn 200 ngàn đồng vào giấy xin chứng tử, như thông lệ từng có ở đây.

Tối 25/7, ông Hiếu và lãnh đạo phường đã tới nhà xin lỗi chị Hoa và đề nghị chị xóa những chia sẻ trên mạng xã hội của mình. Trả lời báo giới sau đó, lãnh đạo phường cho rằng cách xử lý này không sai về quy trình – khi thời gian giải quyết hồ sơ này theo quy định là 1 ngày. Tuy nhiên, sự thiếu linh hoạt, thiếu nhạy cảm của họ đã khiến gia đình chị Hoa không được như ý.

***

Tất nhiên, lãnh đạo phường Văn Miếu kiên quyết phủ định việc người dân phải "lót tay" để giải quyết thủ tục hành chính được nhanh. Còn, khi kết quả xác minh chưa diễn ra, dư luận tất nhiên vẫn đặt ra nghi vấn.

Nghi vấn ấy có thể đúng, có thể sai.

Sai ở chỗ, tôi chưa tin lắm về việc bắt buộc phải có 200 ngàn đồng, những cán bộ ở Văn Miếu mới tạo điều kiện cho người dân giải quyết thủ tục hiếu hỉ - như cách nghĩ đang tồn tại của một số người

Thủ tục hành chính - Tranh của họa sĩ Mai Sơn

Thủ tục hành chính - Tranh của họa sĩ Mai Sơn

Góc biếm họa xuất hiện vào thứ Hai và thứ Bảy hàng tuần trên Thể thao & Văn hóa. Trân trọng kính mời quý độc giả đón xem.

 

 

Câu chuyện ấy có thể đúng trong quá khứ, ở nhiều địa phương. Nhưng, với thời điểm hiện tại, khi mạng xã hội đang làm rất tốt chức năng phản biện và giám sát của mình, có lẽ ít cán bộ nào thiếu thông minh tới mức "vòi" số tiền ít ỏi 200 ngàn đồng cho một việc nhạy cảm như việc hiếu.

Đúng ở chỗ, trong bối cảnh bây giờ, chúng ta thường rất sẵn sàng bỏ ra thêm một vài trăm ngàn để được giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho mình.

Số tiền ấy, có thể không phải đến từ sự "gợi ý" của các cán bộ, nhưng lại bắt nguồn từ sự nôn nóng, cũng như e ngại các thủ tục hành chính phức tạp của chúng ta. Để rồi, dù có là kẹp vào lá đơn, hay giằng co để ấn vào tay cán bộ sau khi xong việc, những khoản tiền, dù ít ỏi, cũng bắt đầu tạo thành một thông lệ xấu và ảnh hưởng tới sự nhiệt tình của những cán bộ công quyền.

***

Nhưng xa hơn thế, câu chuyện không phải là 200 ngàn đồng.

Đó là sự máy móc, hoặc sòng phẳng hơn, là sự thiếu trách nhiệm của những cán bộ hành chính, trước những quy định được đặt ra trên giấy.

Như lời kể của chị Hoa, khi đề nghị tìm người khác, "ông Hiếu phường Văn Miếu" đã khẳng định: chỉ có vị Phó Chủ tịch Phường (đang đi vắng) mới đủ thẩm quyền ký giấy chứng tử cho gia đình chị.

 Thủ tục hành chính - Tranh của họa sĩ Tín Nhượng

Thủ tục hành chính - Tranh của họa sĩ Tín Nhượng

Góc biếm họa xuất hiện vào thứ Hai và thứ Bảy hàng tuần trên Thể thao & Văn hóa. Trân trọng kính mời quý độc giả đón xem.

Cách ứng xử của ông Hiếu, tất nhiên, đã được rất nhiều người phân tích và so sánh với một thực tế: ở nhiều nơi khác, khi có việc hiếu, mọi cán bộ hành chính vẫn gắng tạo điều kiện, và thậm chí sẵn sàng "cho nợ" những thủ tục cần thiết, để hỗ trợ gia đình. Đó là nguyên tắc bất thành văn, cả về đạo lý, cũng như về thời điểm mà gia đình người đã mất đang khẩn trương lo hậu sự.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo phường Văn Miếu giải trình vụ việc vào sáng nay 26/7

Thế nhưng, một mình "ông Hiếu phường Văn Miếu" chưa đủ.

Cá nhân tôi vẫn thấy khó chịu, khi dù nhận lỗi thiếu nhạy cảm, lãnh đạo phường Văn Miếu vẫn phải nhắc lại rằng vụ việc đã được xử lý đúng quy trình.

Quy trình, và cả những quy định, có thể đúng trên lý thuyết. Nhưng, khi cần thiết, chúng ta có dám vượt qua những quy định cứng nhắc ấy và chịu hoàn toàn trách nhiệm, với lý do rằng mình đang làm một việc đúng về đạo lý?

Bởi thế, nút thắt của câu chuyện không phải là 200 ngàn đồng.

Đó là việc người ta luôn có thể vin vào các quy định để biện minh cho sự vô cảm và thiếu trách nhiệm của mình – mà "ông Hiếu phường Văn Miếu" chỉ là một ví dụ gần nhất trong muôn vàn ví dụ.

Tạm đình chỉ Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu Nguyễn Thị Thúy Hà

Tạm đình chỉ Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu Nguyễn Thị Thúy Hà

Chiều 26/7, ông Nguyễn Song Hào, Chủ tịch UBND quận Đống Đa ký quyết định tạm đình chỉ công tác bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu, quận Đống Đa. 

Từ phường Văn Miếu nhìn lại Quy tắc ứng xử dành cho công chức, viên chức Hà Nội

Từ phường Văn Miếu nhìn lại Quy tắc ứng xử dành cho công chức, viên chức Hà Nội

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-UBND về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội.

Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm