Man City tung tiền "tấn" mua Kaka: Show diễn đã bắt đầu...

15/01/2009 10:20 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Không phải những show diễn trên sân cỏ, mà đó là những cuộc khuếch trương thanh thế trên thị trường chuyển nhượng của Manchester City.
 
Kaka - chỉ riêng cái tên đó thôi cũng đã đủ để châu Âu tan băng trong kỳ shopping tháng Một. Nếu như đội bóng vùng Eastlands có được chữ ký của siêu tiền vệ người Brazil, có thể xem đó là một bước nhảy vọt về tầm ảnh hưởng của “thiếu gia” Man xanh.
 
Thật vậy, trong trường hợp có được một cầu thủ cỡ Kaka, đó chắc chắn không thể chỉ được mô tả như một cuộc bổ sung lực lượng ở tầm cao của Man City. Dù chỉ về thứ 4 trong cuộc đua tới danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới của FIFA, nhưng sức hút của chàng trai có gương mặt thiên thần xứ Samba không hề kém so với những Ronaldo hay Messi. Như một thỏi nam châm thu lấy sự ngưỡng mộ và kỳ vọng, sức hút từ đôi chân của Kaka cũng chính là sức hút của đội bóng nào sở hữu anh. Nếu tuyển thủ Brazil tới Manchester, không chỉ là nước Anh, mà cả châu Âu sẽ phải dõi theo các trận đấu của Man Xanh.
 
Man City có thật sự muốn có Kaka?

Xét một cách khách quan, ngay cả khi có rất nhiều tiền, Man City vẫn chẳng khác nào một anh trọc phú, nếu như Hughes vẫn giữ khư khư những kế hoạch manh mún, nhỏ lẻ theo kiểu Wayne Bridge. Trước đó, đội bóng của Hoàng gia UAE thậm chí còn bị một phen bẽ mặt khi đổ bể các cuộc thương lượng mua Craig Bellamy của West Ham, và Roque Santa Cruz của Blackburn. Kể từ khi lên nắm quyền thay Thaksin Shinawatra, tập đoàn Abu Dhabi United đã đưa về Robinho - đó có thể xem là bước nhảy đầu tiên của Man City. Tuy nhiên, từ đó tới nay, cùng với những màn trình diễn siêu kém của thầy trò Hughes, danh vọng và tiếng tăm của CLB một nửa Manchester đang giảm sút. Tuyên bố muốn phá mọi kỷ lục chuyển nhượng để mua Kaka chính là một sự trở lại, một sự khẳng định của ADUG trong mục tiêu thống trị cựu lục địa. Vâng, phải là thống trị, chứ không phải vươn lên tầm châu lục.

Ở phương diện danh tiếng và lợi ích lâu dài (cùng phần nào là cả yếu tố thương mại), chữ ký của Kaka không hề đắt. Cho dù con số 100 triệu bảng, cùng khoản lương khủng khiếp 500.000 bảng/tuần đã gây choáng cho không ít người, nhưng theo lời Giám đốc điều hành Garry Cook thì đó chỉ là “chuyện nhỏ” với hầu bao của người Ả rập. Nhưng quan trọng hơn cả, cùng những đóng góp khổng lồ cho đội bóng, sự hiện diện của những ngôi sao như Kaka sẽ thu hút được những ngôi sao khác. Trong bối cảnh hiện tại, điều đó là hết sức cần thiết bởi Man City thậm chí còn đang đối mặt với viễn cảnh phải chiến đấu để trụ hạng. Nếu đội bóng của Hughes không tới được mặt trận châu Âu mùa tới, những sự hiện diện như Kaka sẽ tạo động lực, cũng như niềm tin cho những cầu thủ lớn tới đây.

Ngay từ những giây phút đầu tiên mua Man City, người Ả rập không ngần ngại nói rằng họ không thiếu tiền. Họ "cướp" Robinho ngay trước mặt Chelsea. Và bây giờ là Kaka, siêu sao lớn nhất của đội bóng mạnh bậc nhất châu Âu. Cứ cho là Man City dùng sức mạnh đồng tiền mới sở hữu được Kaka. Cứ cho Kaka đến Man City là vì tiền. Nhưng như thế thì đã sao? Vấn đề người Ả rập quan tâm hơn cả là hàng loạt ngôi sao lớn khác trên thế giới sẽ theo bước Kaka.

5 năm về trước, Abramovich đã lôi kéo các ngôi sao hàng đầu đến Chelsea bằng phương thức tương tự, nhưng với các vụ chuyển nhượng trị giá kịch kim là 30 triệu bảng, với mức lương 120 nghìn bảng/tuần thôi cũng đủ thu hút những Ballack, Shevchenko. Bây giờ, xét về sức mạnh tiền bạc, Man City của người Ả rập lớn gấp 4 lần Chelsea.

Yến Thanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm