03/05/2023 09:19 GMT+7 | SEA Games 32
Với những điểm yếu đã bị phơi bày, các cầu thủ phòng ngự của U22 Việt Nam có lý do để phải cẩn trọng trước U22 Singapore.
Sau trận ra quân gặp Lào, thủ môn Quan Văn Chuẩn thừa nhận rằng các phương án chống bóng bổng đang là vấn đề của U22 Việt Nam: "Trận đầu tiên luôn rất khó khăn bởi rất nhiều áp lực. Chúng tôi đã cố gắng vượt qua. Chúng tôi sẽ cải thiện khả năng chống bóng bổng và các tình huống để đối thủ khai thác khoảng trống phía sau. Chúng tôi sẽ về xem lại băng hình để khắc phục sai sót".
Rõ ràng, khả năng chống bóng bổng đang là một điểm yếu với U22 Việt Nam. Ở trận ra quân, ngay cả Lào cũng không ít lần tận dụng phương án không chiến để tiếp cận và đe doạ khung thành của Phan Văn Chuẩn. Nếu các tiền đạo Lào sắc bén hơn, rất có thể U22 Việt Nam đã phải chịu bàn thua từ những tình huống như vậy.
Giống với lứa U20 vừa tham dự giải U20 châu Á cách đây không lâu thì với đội U22 hiện tại của HLV Troussier, khả năng không chiến cũng là hạn chế của các cầu thủ. Điều này đầu tiên bắt nguồn từ thể hình của U22 Việt Nam.
Thực tế, lứa cầu thủ hiện tại không sở hữu thể hình ấn tượng bằng thế hệ trước từng vô địch 2 kỳ SEA Games liên tiếp dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo. Đặc biệt là ở hàng phòng ngự, cả đội chỉ có Lương Duy Cương và thủ môn Quan Văn Chuẩn là có thể hình "tạm được" với chiều cao 1m80 và 1m81, trong khi các hậu vệ còn lại đều có thể hình khiêm tốn, trung bình chỉ là 1m74.
Nên nhớ, lứa U22 thời HLV Park có tới 9 cầu thủ cao từ 1m80 trở lên. Nhờ chiều cao ấn tượng, U22 Việt Nam không chỉ hiệu quả trong những tình huống phòng ngự, mà bóng bổng còn trở thành thứ vũ khí lợi hại khi tấn công. Văn Hậu, Tiến Linh và các đồng đội từng không ít lần ghi bàn từ những tình huống không chiến. Tuy nhiên, lứa U22 hiện tại lại gặp nhiều khó khăn mỗi khi đối phương triển khai các phương án không chiến.
Ở Doha Cup hồi cuối tháng Ba vừa qua, U22 Việt Nam hoàn toàn thua thiệt trong các tình huống tranh chấp và phòng ngự bóng bổng khi chạm trán các đối thủ to cao, giàu sức mạnh. Đây là một trong những lý do khiến các học trò của HLV Troussier để thua cả 3 trận, trong đó thủng lưới 7 lần ở 2 trận đầu tiên.
Khác với U22 Việt Nam thì Singapore là đội có lợi thế về thể hình. Singapore không mạnh về khả năng phối hợp ban bật, nhưng khả năng không chiến và những tình huống cố định có thể trở thành vũ khí lợi hại để họ khai thác hòng tiếp cận khung thành của U22 Việt Nam. Nếu không cẩn trọng, U22 Việt Nam hoàn toàn có thể phải trả giá với những tình huống không chiến của U22 Singapore.
Ngoài khả năng chống bóng bổng thì thể lực cũng bị coi là điểm yếu của U22 Việt Nam. Ở trận trước, dù Lào không được đánh giá cao nhưng đã khiến U22 Việt Nam phải "vã mồ hôi". Thời điểm cuối trận, nhiều cầu thủ của U22 Việt Nam xuống sức, thậm chí bị chuột rút phải nằm sân.
U22 Lào có một số phá bóng khá quyết liệt, nhưng độ "rát" của họ chắc chắn khó có thể so sánh với Indonesia, Malaysia… Khi đá với Lào mà U22 Việt Nam còn bị xuống sức ở thời điểm cuối thì quả thật đáng lo nếu toàn đội phải chạm trán Indonesia, Malaysia hay ứng viên vô địch có thể lực cực tốt như Thái Lan.
Về cơ bản, U22 Việt Nam vẫn được đánh giá nhỉnh hơn so với Singapore ở cuộc chiến chiều nay. Tuy nhiên, các học trò của HLV Troussier vẫn còn nhiều khiếm khuyết và nếu không giữ được sự tập trung, toàn đội sẽ vấp phải khó khăn rất lớn thậm chí phải trả giá trước Singapore.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất