Huyền Chip: Cứ việc truyền cảm hứng, nhưng sao phải dựng nên thần tượng?

25/09/2013 08:55 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi tin chắc rằng lẫn trong ồn ào nghi vấn về cuốn sách (Xách ba lô lên và đi – Tập 1: Châu Á là nhà, đừng khóc) của Huyền Chip, nhiều người sẽ quên đi một “nhân vật chính” khác: tập 2 – Đừng chết ở châu Phi.

Tôi cũng tin chắc rằng đọc tiếp tập 2 là cần thiết, không phải chỉ để cảm nhận, mà để được kích thích suy nghĩ và phản biện (nếu thấy có những điều phi lý), ngoài thứ mà người ta nói quá nhiều mấy ngày nay: được truyền cảm hứng.

Sự thật không phải để “cảm nhận”

Thật vô lý khi nói “hãy đọc và cảm nhận sự thật”. Sự thật, hay dùng đúng từ hơn là “thực tế” (fact) không phải là thứ để cảm nhận, mà là thứ để xác nhận. Bộ phim kinh điển của Nhật Rashomon (1950) từng để lại một triết lý nổi tiếng mà các fan điện ảnh đều thuộc nằm lòng: một câu chuyện đã xảy ra, khi được kể lại, có nhiều phiên bản từ nhiều góc nhìn khác nhau. Triết lý đó chẳng khác gì câu chuyện “thầy bói xem voi” của Việt Nam

Nhưng vấn đề là, các “thầy bói” có thể tùy ý cảm nhận bất cứ thứ gì với con mắt mù của họ, còn sự thật vẫn là con voi, chỉ có một và toàn diện, và không phụ thuộc vào “cảm nhận” của riêng ai.


Bìa cuốn Đừng chết ở châu Phi

Công bằng mà nói, trong cuốn sách của Huyền Chip, có cả những chi tiết thuộc cảm nhận riêng tư và những chi tiết thuộc vào thực tế khách quan.

Cảm nhận riêng bao gồm: về cách cư xử của những người mà cô gặp trên đường, rung động giữa cô và một vài chàng trai, lòng thương dành cho những người châu Phi nghèo khổ hoặc sự khó chịu của Huyền đối với những kẻ lừa đảo hay lực lượng cảnh sát khi bị họ tra hỏi… Còn thực tế khách quan, đó là những thông tin về các đất nước cô đã đến, từ chung chung như nước đó ở cạnh nước nào cho đến cụ thể như mua visa hết bao nhiêu tiền.

Bởi vậy, không thể đánh đồng cả hai theo kiểu: hãy tự đọc và cảm nhận. Độc giả cảm nhận tình người và văn hóa (nếu có) trong cuốn sách, còn những điều nghi ngờ thì họ nên tìm kiếm sự xác nhận, hoặc, phủ nhận.

Đi thật xa và thật nhiều mới là hay?

Tại sao nhiều độc giả đọc sách nhầm tưởng“đi xa và đi nhiều” là dũng cảm, biết theo đuổi đam mê của mình, và tự coi bản thân là kém cỏi vì không làm được như thế? Trong khi, có thật đi xa cũng chính là đam mê của bạn? Bạn mê việc đi nhiều và khám phá hay bạn mê việc xuất bản sách, nổi tiếng và có nhiều người hâm mộ sau khi trở về – những biểu hiện hình thức vốn quá hấp dẫn?

Vẫn có những người tự tin tuyên bố họ không thích “phượt” vì thiếu thốn và thiếu an toàn, tự tin tuyên bố chỉ thích đi du lịch thông thường bởi điều đó phù hợp với tính cách của họ. Như vậy có gì sai? Hay không “phượt” là hèn nhát và không có máu phiêu lưu? Hình như tự gắn vào bản thân những tính cách mà mình chưa chắc đã có mới là hèn nhát.

Bất chấp những trào lưu mới của giới trẻ là gì, việc “cập nhật và kịp thời chạy theo trào lưu” chưa bao giờ là thứ đáng cổ vũ, mà là “biết mình ở đâu trong trào lưu đó, có muốn và có thể chạy theo hay không”.

Trong chuyện này, người ta lại đi vào vết xe đổ: tuyệt đối hóa một thứ đang là trào lưu. Ở đây là đi “phượt”. Cứ “phượt” là tuyệt đối tốt, mới là đích thực can đảm và dấn thân? Vậy tại sao kiểu người “du lịch ba lô” không phải bao giờ cũng gây thiện cảm ở các nước? Thậm chí như Trần Hùng John, một Việt kiều Mỹ, từng nói anh không thích Tây ba lô ở Việt Nam vì họ chẳng mang đến thứ gì tốt đẹp, đi lại nhếch nhác và... tiêu ít tiền.

Vậy còn chuyện cô gái Huyền Chip đi ra nước ngoài? Cũng là “Ta ba lô”, và cũng khá nhếch nhác, theo một phần nội dung Huyền kể: ngồi trong xe chở phân bò, nhiều ngày không tắm, ăn uống tạm bợ, ngủ qua đêm ở nhà trọ vắng tanh…

Trong sách, cô nhiều lần nhắc đến những người bạn chưa từng gặp nhưng đã liên lạc qua mạng trước đó, nhờ sự kết nối của mạng lưới CouchSurfing – một trang web dành cho dân du lịch bụi xuyên quốc gia hiện có hơn 6 triệu thành viên ở 100.000 thành phố trên khắp thế giới. Trang web này cung cấp địa chỉ các thành viên cho nhau để ở nhờ và được hướng dẫn khi đến các vùng miền xa lạ.

Huyền Chip, cũng là một trong số hàng triệu “couchsurfer” (thành viên của CouchSurfing) đó. Ở Việt Nam, không thiếu “couchsurfer”, chỉ là không phải ai cũng viết sách và nổi tiếng. Như Huyền nhắc trong sách, có Lan Anh – một người chị mà theo cô là đang làm việc cho Viettel ở Mozambique và là “huyền thoại trong giới phượt” ở Việt Nam. Nhưng với công chúng thì Lan Anh không nổi tiếng bằng Huyền, không/chưa viết sách và không có một chiến lược lăng xê.

Cũng nhờ chiến lược lăng xê đó, Huyền Chip trở thành một thần tượng – trong vô vàn kiểu “thần tượng” mà truyền thông dựng nên cho giới trẻ hiện nay. Không phải không có những điểm tích cực: Huyền Chip giỏi, có nhiều kỹ năng đáng có của người trẻ hiện đại (đi, viết, tìm kiếm thông tin và liên hệ, giao tiếp với người nước ngoài…), đó là chưa kể những kỹ năng chuyên môn. Nhưng như vậy đã đủ cho một thần tượng?

Đó là chưa kể, việc trở thành thần tượng, khi không đủ tầm, lại là một bi kịch cho chính “thần tượng” đó.

“Cưỡi ngựa xem hoa” có gì xấu?

Bài bình luận trên Facebook của Trần Ngọc Thịnh, một cựu du học sinh Việt Nam theo học bổng Fullbright (Mỹ), nói trúng về mục đích chuyến đi của Huyền, đó là “thỏa mãn sự tò mò và trải nghiệm cá nhân”. Cũng như rất nhiều người du lịch bụi khác, Huyền đi cho chính mình.

Những gì cô chia sẻ trong sách cũng không vượt ra ngoài chuyện đó. Việc đi qua 25 nước trong vòng chưa đầy 2 năm (từ giữa 2010 đến 2012) khó giúp bất cứ ai biết về một nơi nào đó sâu hơn sự quan sát bề mặt.

Câu chuyện ấn tượng nhất mà Huyền Chip kể trong sách Đừng chết ở châu Phi, mà cô khẳng định là trải nghiệm của chính mình, là chuyện về ngôi làng Mursi ở phía Tây Nam Ethiopia. Đó là nơi ở của tộc người có tập tục kỳ dị: phụ nữ phải rạch môi để đeo đĩa môi, đường kính đến 20cm, khiến ai cũng có đôi môi khổng lồ sệ xuống tận cổ.

Nhưng câu chuyện này chẳng có gì độc đáo, mà đã được phổ biến khắp thế giới, có thể tìm thấy bằng từ khóa “Mursi” trên Google với hàng trăm hình ảnh.
Huyền Chip kể hành trình tới ngôi làng đầy khó khăn cách trở, có lẽ đúng, nhưng đây không phải một ngôi làng ít ai biết đến mà trái lại, cũng như những địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, khách du lịch ở Mursi đông hơn người bản địa. Và người bản địa thì, già trẻ lớn bé đều biết đòi tiền du khách khi “làm mẫu” chụp ảnh. Tóm lại, đây là ngôi làng đã được du lịch hóa triệt để chứ cũng chẳng còn “hồng hoang” gì.

Ở đây tôi chỉ nói nội dung được kể trong sách. Ngoài đời Huyền Chip có nhiều trải nghiệm sâu lắng đến đâu thì không rõ, nhưng trong sách tác giả chỉ trình bày đến đó. Chẳng hiểu “cưỡi ngựa xem hoa” là gì mà người ta kiêng kị thế? Huyền Chip đi nhiều nước, gặp hầu hết đều là thành viên CouchSurfing, tình nguyện viên các tổ chức phi chính phủ, các lái xe đường dài…, chỉ thỉnh thoảng mới sống cùng nhà dân hoặc ở trọ – tóm lại đều được đối xử như một người khách, được thết đãi nếu gặp những người thân thiện hoặc bị đề phòng vì xa lạ.

Vài điều trong Đừng chết ở châu Phi:

1. Là nhật ký nhưng sách không hề ghi rõ ngày tháng qua từng nước (chỉ ghi chung chung như “ăn Tết ở biên giới Tanzania”, “ngày dài nhất cuộc đời”, “sáng nay”…), cũng không phác họa bản đồ di chuyển nên khó hình dung cuộc hành trình. Hiếm hoi ghi rõ thời gian có: “đến Nairobi (thủ đô Kenya) trước ngày 19 tháng 9” (trang 108), “Bảy giờ ba mươi tối, thứ tư, ngày 8 tháng 2 năm 2012” là ở Zambia (trang 236).

2. Về thành phố Iringa (Tanzania): “Iringa là một thành phố xinh đẹp với những con người nồng ấm” (trang 197) và đây là thành phố yêu thích nhất của tác giả ở Tanzania. Mặc dù vậy, những người cô gặp ở đây đều là “người Nhật hoặc người Hàn đến Iringa theo chương trình tình nguyện của chính phủ hai nước”. Không khác gì một người Mỹ đến Hà Nội gặp gỡ toàn người Canada nhưng khen “con người ở Hà Nội rất nồng ấm”.

3. Vượt biên vào Malawi để tiết kiệm 100 USD visa, quyết định ở đó 2 tuần, với suy nghĩ “quay lại bây giờ hay quay lại 2 tuần nữa có gì khác nhau đâu?” (trang 203).

4. Lẻn vào khu tham quan Great Zimbabwe mà không trả vé vào cổng 15 USD vì “tôi lúc đấy đã quá nghèo”. Ấn tượng của Huyền về “công trình đồ sộ nhất của châu Phi cổ đại” này là: “Nói chung khu di tích nhìn rất hoàng tráng, rất nhiều huyền thoại kỳ bí, rất nhiều ý nghĩa thú vị, ai muốn tìm hiểu thêm có thể Google” (trang 294).


Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm