Xem trận gặp Việt Nam, người Iraq có thể bị giết

29/03/2016 09:09 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Vụ đánh bom tại một trận bóng đá làng Al-Asriya phía Nam Baghdad khiến ít nhất 30 người thiệt mạng hôm 26/3 là bức tranh thu nhỏ của nền bóng đá Iraq.

Phiến quân IS nhận trách nhiệm gây ra thảm kịch, và trước đó tuyên bố coi bóng đá là giáo phái quỷ dữ của phương Tây.

Cổ vũ Iraq sẽ bị IS giết

Khi đội tuyển Iraq đánh bại kình địch Iran ở Tứ kết Asian Cup 2015, trên đất Australia, bệnh viện Baghdad đã tiếp nhận 1.000 người bị thương do súng đạn vì… ăn mừng chiến thắng của đội tuyển.

Vùng đất của phần lớn người Hồi giáo dòng Sunni ấy đã bùng nổ niềm vui, nhưng thật không may, phiến quân IS đã kiểm soát khu vực này từ Hè 2014.

Bọn chúng coi bóng đá là “Môn thể thao quỷ dữ được phương Tây tạo ra, để lung lạc những người Hồi giáo trẻ tuổi”.

13 thiếu niên của vùng Al Yarmouk quận Mosul, sau khi xem trực tiếp trận Iraq-Jordan ở Asian Cup 2015, đã phải xếp hàng vòng tròn quanh nhà rồi bị IS xử bắn công khai.

“Thể thao trong khu vực của người Sunni coi như đã chết lâm sàng”, thông tin từ nhà báo người Iraq Maher Hameed. “Nếu ủng hộ đội tuyển Iraq, thì bạn có thể bị IS trừng phạt. Bóng đá đã trở thành một dạng giáo phái nơi đây, và nếu cổ vũ đội tuyển quốc gia Iraq thì bạn bị kết tội ủng hộ chính phủ và đội bóng của người Shiite”.

Người Iraq rất yêu bóng đá và đối với đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, tham nhũng, bất ổn chính trị và sắc tộc, thì đây là môn thể thao gắn kết họ lại với nhau. Một blogger mô tả rằng khi đội tuyển quốc gia vô địch Asian Cup 2007, người Iraq bất kể sắc tộc đã ôm nhau khóc như chưa từng hạnh phúc đến thế.

Người Iraq đấu tranh cho quyền được chơi và xem bóng đá của họ nhưng cũng gần như chỉ dám công khai trên các mạng xã hội. Năm 2015, điều phối viên của Liên đoàn bóng đá quốc gia Yousif Saeed viết trên Twitter: “Hãy nhớ rằng đây là đội bóng của tất cả mọi người dân Iraq, từ người Ả Rập đến Assyrian, từ người Kurd tới Turkoman”.

Theo một thống kê, 97% dân số Iraq theo đạo Hồi, trong đó có khoảng 65% theo dòng Shiite và 35% theo dòng Sunni. Khoảng 75% dân số Iraq là người Ả Rập, người Kurd chiếm khoảng 15%.

Mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo không chỉ khiến người Iraq mất quyền thưởng thức bóng đá mà còn khiến chính phủ gặp khó khăn trong việc chống phiến quân IS. Chính phủ là cánh tay của người Shiite, bị cáo buộc đối xử bất công với những công dân Sunni. Đến mức khi các tay súng IS tràn vào phía Tây và Bắc Iraq năm 2014, rất đông người Sunni đã… hoan nghênh chúng.

21h00 sân PAS, Iraq – Việt Nam : Thả hồn theo bóng!

21h00 sân PAS, Iraq – Việt Nam : Thả hồn theo bóng!

Sức ép sinh ra từ sự kỳ vọng đến sau trận ra mắt “đại thắng” 4-1 trước Đài Loan (TQ) cần được thày trò Hữu Thắng giải toả để có thể chơi trước một đối thủ có nhiều lợi thế hơn như Iraq.


Những bước chạy hiểm nguy

Younis Mahmoud, cầu thủ ghi bàn thắng ở trận chung kết Asian Cup 2007 và là người khoác áo đội tuyển quốc gia Iraq nhiều lần nhất, là một người Turkoman theo dòng Sunni.

Hoàn cảnh của Mahmoud rất phổ biến trong giới cầu thủ Iraq. Khi rời đội bóng Al Ahly của Saudi Arabia 2 năm trước, anh không có CLB nào để đầu quân. Nhưng HLV Radhi Shenaishil vẫn phải gọi anh vào đội tuyển vì thiếu người, bất chấp anh nghỉ suốt 2 tháng vì chấn thương.

Giải vô địch quốc gia Iraq năm ngoái phải hoãn lại 1 tháng vì những vụ đánh bom của phiến quân IS. Khi trở lại, các đội phải thi đấu dưới cái nóng 45 độ C. Các đội phải lén lút tập luyện vào ban đêm ở những sân bóng tồi tàn. Không phải sân bóng nào của Iraq cũng có hệ thống chiếu sáng hoàn chỉnh, nên có khi trong một buổi tối, nhiều đội phải luân phiên tập với nhau.

Trong hoàn cảnh ấy, sự tồn tại của giải VĐQG như một tuyên ngôn chống lại chiến tranh và tội ác. Mỗi bước chạy của cầu thủ Iraq có thể phải trả giá bằng mạng sống của ai đó ở quê nhà.

51 Huyền thoại bóng đá số 1 Iraq là Ammo Baba. Ông hoạt động bóng đá 51 năm, từ những năm 1950 tới tận những năm 2000 (mất năm 2009). Trong thời gian dẫn dắt đội tuyển quốc gia, ông giúp Iraq dự Olympic 1984 và 1988.

12 Năm 2015, lần đầu tiên sau 12 năm, Younis Mahmoud trở về nước chơi bóng cho CLB Al Talaba. Hiện, anh đã thi đấu 147 trận và ghi 57 bàn cho tuyển quốc gia.

Đá bóng vì mạng sống của người thân

Đó là khi bóng đá Iraq bị chi phối dưới quyền Uday Hussein, con trai của Saddam Hussein từ năm 1984. Huyền thoại Ammo Baba khi ấy dẫn dắt đội tuyển Iraq tới chức vô địch cúp Vùng vịnh từ các năm 1974, 1984 và 1988; vô địch cúp Ả Rập năm 1988. Đây là một kì tích trong bối cảnh đất nước chìm trong chiến tranh với Iran từ năm 1980 tới năm 1988.

Khi Uday lạm quyền tới mức thường đe dọa cầu thủ trước các trận đấu, Baba đã bất chấp nguy hiểm mà nói thẳng “Ông xuống địa ngục đi”. Baba nói rằng Uday chẳng biết gì về bóng đá và bảo lý do ông làm thế mà không bị giết bởi “người dân Iraq yêu tôi”.

Trong giai đoạn nắm quyền, Uday thậm chí cấm cầu thủ Iraq ra nước ngoài thi đấu. Từ năm 1993, cầu thủ còn phải nộp một phần lương cho Uday để người thân trong gia đình họ được sống sót.


Gia Hưng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm