09/07/2016 10:16 GMT+7 | Euro 2020
(Thethaovanhoa.vn) - Tròn như trái đất, tròn như những bộ ngực các cô gái trẻ, tròn như mặt trăng sắp lên trên nước Pháp, tròn như trái bóng EURO sắp lăn những vòng cuối cùng, trong trận chung kết ở sân Stade de France đêm mai.
Trong niềm vui chiến thắng
Xa rồi những kí ức đau buồn của những thất bại đi theo suốt chiều dài của lịch sử bóng đá. Cú đấm của Schumacher vào mặt Battiston khiến tiền vệ ấy bất tỉnh và rồi Pháp thua Đức trong loạt đá penalty ở bán kết World Cup Espana 1982. Những cái đầu Pháp gục ngã trước Đức ở Rio de Janeiro hai năm trước. Rất nhiều nước mắt đã rơi trên mặt người Pháp sau những thất bại trước đội tuyển của một đất nước đã từng đem đến cho họ biết bao cay đắng trong chiến tranh, từ cuộc chiến năm 1870 cho đến những đoàn quân phát xít diễu binh qua Cổng khải hoàn mùa hè 1940. Mọi chuyện kết thúc rồi, và nước mắt bây giờ ướt má người Đức. Còn gì đẹp hơn thế nữa khi vào chung kết một giải EURO trên sân nhà, giữa lòng Paris hoa lệ, bằng một chiến thắng trên sân cỏ như thế, từ hai bàn thắng của Antoine Griezmann, một chàng trai mang họ Đức có xuất xứ Alsace, miếng mồi của Đức và Pháp trong các cuộc chiến tranh quá khứ.
Đêm bán kết, Paris và rất nhiều thành phố lớn của Pháp đã chìm trong một niềm vui bất tận, khi hàng vạn người, chủ yếu là thanh niên, đổ ra đường ăn mừng chiến thắng. Họ hát vang bản La Marseillaise, họ hát những bài hát có tên Griezmann, họ hôn nhau bên bờ sông Seine, họ vỗ tay và nhảy múa khi tháp Eiffel đổi màu thành màu cờ Pháp vào lúc 11 giờ đêm. Những dòng xe bóp còi inh ỏi chạy qua trung tâm Paris đến tận 3 giờ sáng, và rồi, khi ai về nhà nấy lúc trời gần sáng, các khu ngoại ô vẫn huyên náo tiếng cười nói, tiếng còi xe ô tô, tiếng nẹt bô phân khối lớn. Một bầu không khí sung sướng và hỉ hả bao trùm tất cả, khi chưa bao giờ kể từ năm 1998, nước Pháp tiến gần đến một trận chung kết như thế ở một giải đấu trên đất nước mình. Năm ấy, nước Pháp vẫn mơ mộng lắm. Những cuộc khủng bố vào tòa Tháp đôi ở New York chưa diễn ra. Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính chưa đưa lưỡi hái thần chết ra khắp Châu Âu. Những mâu thuẫn trong lòng một xã hội đang ngày càng trở nên đa sắc tộc chưa bùng nổ thành những cơn giận dữ ở các khu ngoại ô Paris như nhiều năm sau đó. Chiến thắng của đội Áo Lam trở thành biểu tượng của một đất nước đoàn kết của người Pháp “xịn” và người Pháp nhập cư.
18 năm sau, câu chuyện đã khác. Đấy là một nước Pháp bị tổn thương vì những vấn đề xã hội âm ỉ trong lòng nó, với những cái chết ập xuống với rất nhiều người trong các vụ khủng bố kinh hoàng của năm 2015, những cuộc biểu tình biến thành bạo động liên quan đến đạo luật lao động mới. Và một điều khiến cho người ta cảm thấy rúng động hơn nữa, là sự thăng tiến một cách đáng lo ngại của đảng cánh hữu Mặt trận dân tộc. Nhưng nước Pháp ấy đang chứng kiến một hiện tượng 1998 lặp lại, khi đội tuyển Pháp lại vào chung kết một giải đấu lớn trên đất nước mình. Đấy là EURO 2016, và đội Áo Lam, vẫn là một tập hợp của những người Pháp “xịn” và những người thuộc thế hệ thứ 2 và 3 nhập cư vào đất nước này, đang chiến thắng. Trong vòng một tháng, đội quân ấy đã khiến cả đất nước gạt sang bên những vấn đề lớn lao mà họ phải đối mặt trong những năm tháng đầy mâu thuẫn, tranh cãi và chìm trong nỗi lo khủng bố này để hướng về họ.
Những thanh niên nhập cư gốc Bắc Phi hòa chung vào dòng người ăn mừng chiến thắng trên đại lộ Champs-Elysees. Những người Do thái cũng chia vui với tất cả, dù vẫn còn khá dè dặt. Một tháng để quên đi tất cả và cùng hát La Marseillaise vang lên từ lồng ngực, để cùng hướng về một thực thể mà họ cùng sống trong đó, dưới cùng một bầu trời, thở cùng một bầu không khí, nói cùng một ngôn ngữ, là nước Pháp. Tại sao không?
Cơn động kinh nào chờ đợi Ronaldo?
Chàng “hoàng tử nhỏ” Griezmann mang một cái họ Đức, nhưng chỉ có thể thành danh ở Tây Ban Nha, là một người hùng mới của đội tuyển và đất nước. Không có quá nhiều chất Pháp trong mình, nhưng ít ra, anh vẫn là một người Pháp gốc và là một trong số rất ít những cầu thủ đội tuyển vẫn còn dòng máu Pháp. Đội bóng của Deschamps là một tập hợp những cầu thủ gốc Phi nhập cư, những người có gốc Catalunya hay Ba Lan. Nhưng chính họ lại có thể được coi là một câu trả lời cho một Châu Âu chìm trong các vấn đề về di dân, khủng bố và chia rẽ. Nếu những kẻ khủng bố cuồng tín của IS muốn làm tan nát nước Pháp bằng cách khiến họ chìm trong sự sợ hãi và đẩy các khối người từ các màu da và tôn giáo đang sống trong lòng nó rơi vào thế đối đầu, để rồi từ đó tạo thành một khối bom làm tan tành quốc gia của các giá trị văn minh, nhân bản này, chúng đã sai lầm.
Nước Pháp không bị những nỗi lo sợ làm cho run rẩy. Đội tuyển Pháp đã vượt qua những khó khăn ban đầu để đi tới tận trận chung kết, sau khi vượt qua người Đức trong một trận đấu không đơn giản. Paris, Marseille, Lyon và nhiều nơi khác đổ ra đường. Trên tivi, những người hùng của đội tuyển Pháp ở World Cup 1998 vinh quang nở nụ cười hạnh phúc. Họ, trong vai trò của những bình luận viên bóng đá trên các kênh truyền hình lớn, cũng là những người truyền cảm hứng cho đội tuyển tiến lên.
Người đội trưởng của họ ngày ấy, Didier Deschamps, một người thuộc xứ Basque của Pháp và do đó nói tiếng Pháp cứ như là người nước ngoài, chính là HLV của đội Áo Lam bây giờ. Một sợi dây giữa hai thế hệ đã được nối bởi những người như thế, san lấp biết bao nỗi buồn, sự thất vọng, bức bối, những nỗi lo về khủng bố, những cơn tức giận về kinh tế và việc làm trong 18 năm qua.
Nhiều trong số hàng nghìn thanh niên ăn mừng chiến thắng dưới chân tháp Eiffel và Cổng khải hoàn ở Paris đêm thắng Đức còn chưa được sinh ra vào năm đó, hoặc còn quá nhỏ vào lúc ấy, nên có lẽ chưa hiểu được những gì đã xảy ra trong lòng nước Pháp suốt gần hai thập kỉ qua, giữa hai trận chung kết. Nhưng ít ra, họ cũng đã biết đến những nỗi sợ hãi trước cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào từ những kẻ cuồng tín, đã dần dần nếm trải những cảm giác bức bối trong một xã hội nhiều vấn đề, và vì thế, họ chỉ mong chờ những chiến thắng như là một dịp để sống, hát, nhảy múa, yêu đương cho quên đời. Những người đã nằm xuống ở nhà hát Bataclan và nhiều người khác đã chết trong đêm mà bọn khủng bố xả súng vào Paris cuối năm 2015 cũng còn rất trẻ. Họ đã chết mà chưa được nếm trải hết những niềm vui của cuộc đời.
Ronaldo béo đã lên cơn động kinh trước trận chung kết 1998 mà Pháp chiến thắng. Có một Ronaldo nữa chống lại nước Pháp 18 năm sau. Sẽ có cơn động kinh nào đó chờ đợi anh cho trận chung kết, hay những người hùng đặc biệt tỏa sáng đúng lúc trong màu áo Lam như Zidane ngày đó sẽ bùng nổ, kết liễu giấc mơ của Bồ Đào Nha và đưa đội Pháp lên đỉnh vinh quang, dưới bầu trời Paris? Griezmann, hay là ai nữa, Giroud, Pogba, thậm chí Matuidi?
Trương Anh Ngọc (từ Paris, Pháp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất