Đạo diễn Phillip Noyce: "Chỉ đường đến... đại lộ Hollywood"

29/05/2011 10:56 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Điều dễ nhận thấy nhất trong lịch trình làm việc dày đặc của Phillip Noyce tại TP.HCM lần này là sự mệt nhoài, vì vài cuộc gặp gỡ chỉ mang tính “gặp gỡ”, không có tính chia sẻ. Thế nhưng, len lỏi qua các buổi giao lưu này, đặc biệt ở ĐH Hoa Sen và BHD Star Cinema (ngày 28/5), những bạn trẻ có mơ ước làm phim đã được khích lệ bằng câu chuyện đời thật, với cách chia sẻ dí dỏm, chân thành của vị đạo diễn Từ đường làng tới đại lộ Hollywood.

Phillip Noyce (sinh 1950) nói rằng ông chẳng có nghề ngỗng hay kỹ năng gì đặc biệt, nếu thiếu may mắn với phim, chắc ông đã về quê làm nông trại, giữ bò, vắt sữa rồi.

Người vô dụng

Mà quả thật, từ nhỏ tới 18 tuổi, ông gần như sống một cuộc đời nông dân truyền thống, hàng ngày phụ cha đi tìm bò lạc rồi dắt về nhà để cha vắt sữa. Gia đình ông không có ti vi, quanh vùng cũng chẳng có gì liên quan đến điện ảnh, nên chẳng biết phim là gì. Ngay cả trên thủ đô hay các thành phố lớn, phim chỉ do người Mỹ thống lĩnh, rạp của họ xây, nên đa số chỉ chiếu phim của họ.



Phillip Noyce và Đỗ Hải Yến

Sau khi tốt nghiệp trung học, Phillip Noyce nhanh chóng trở thành công nhân đào ống cống, nhưng ước mơ làm phim thì đã có trước đó vài năm. Số là, khi đi xem các đoàn biểu diễn kiểu “Sơn Đông mãi võ”, một lần làm diễn viên tình nguyện cho một pha nguy hiểm, có thể bị kiếm chém đứt lưỡi, để có vé vào xem phim, chính lúc ấy Phillip đã cảm nhận sức hút của một người vì đại chúng. Khi vào trong rạp, lần đầu xem được 3 phim ngắn do người Australia thực hiện, Phillip mới ngộ rằng mình cũng có thể làm phim, vì mình cũng là người Australia.

4 bí kíp cho một đạo diễn

Rất nhiều đạo diễn và người làm phim trẻ tại hai buổi giao lưu luôn thắc mắc, tựu trung một điều, là làm sao để kiếm được cơ hội làm việc, khi mà việc ít, người đông.

Phillip Noyce nói bạn hãy biết ước mơ và luôn luôn thử vận may với các ước mơ đó, dù thất bại và khó khăn chồng chất. Đơn cử như việc ông từng hỏi MegaStar và Đất Việt ở Sài Gòn xem có bạn nào gửi ý tưởng phim ảnh đến đây để xin kinh phí thực hiện không? Cả hai công ty này đều trả lời là không, như vậy việc tìm kiếm có vẻ bị lệch, hoặc còn khá lơ là.

Phillip Noyce kể trong lúc đi đào đường, ông đã nghĩ ra cách tìm tài trợ cho bộ phim đầu tay, đó là bán các vai diễn trong phim cho những ai muốn đóng nó. Thế là con một vị bác sĩ chịu trả 300 USD để đóng vai chính, mà cậu này đóng quá tệ, nên đạo diễn muốn “điên tiết” luôn. Nên bí kíp thứ ba của một đạo diễn là bạn không nên nhận tiền của diễn viên, mà nên tìm cách trả tiền để họ diễn xuất.

Bí kíp thứ nhất là bạn đừng bao giờ trưởng thành hoặc già đi, mà hãy luôn giữ mình là một đứa trẻ mơ mộng, vì khi già, bạn sẽ rất khó thích nghi và bảo thủ. Đó là chưa nói, nền công nghiệp điện ảnh vốn luôn luôn non trẻ, ví dụ như phim 3D mới ra đời vài năm, bạn già rồi thì chơi với ai?

Bí kíp thứ hai là luôn giữ cho “cái bụng” mềm mại để ai tiếp xúc cũng thấy dễ chịu, muốn gần gũi, nhưng cùng lúc phải giữ cho “cái lưng” vững chãi, vì làm phim cũng cần cái tôi mạnh mẽ, biết kiên định.

Bí kíp cuối cùng là bạn phải biết chọn những ý tưởng dễ thu hút hoặc có thể gây sốc, nhất là với giới truyền thông, để các nhà sản xuất và ngay cả công chúng sẽ để ý đến bạn, khi bạn còn chưa là gì cả. Thậm chí, nếu bạn chỉ có 100 USD để làm phim, ngay từ đầu, bạn phải nghĩ đến việc bỏ ra 15-20% trong số ấy cho người chuyên quảng bá, giới thiệu phim.

Tiết lộ thêm về diễn viên Đỗ Hải Yến

Trong cuốn sách được xem như là tự truyện của Phillip Noyce, có tên Từ đường làng tới đại lộ Hollywood của Ingo Petzke (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2011), dành nguyên chương 16 (từ trang 432 đến 466) để nói về kinh nghiệm làm phim ở Việt Nam.

Bộ phim The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng, 2002) đã cộng tác với đạo diễn Đặng Nhật Minh cho ê-kíp quay số 2 và gần 400 người Việt Nam khác, theo thông tin từ nhà sản xuất Bill Horberg, tổng kinh phí sản xuất hơn 25 triệu USD.

Ở trang 444, tài tử gạo cội Michael Caine đã kể lại cảm giác khi lần đầu gặp diễn viên Đỗ Hải Yến: “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cô ấy trong buổi đóng thử, vào buổi sáng. Cô ấy bé xíu, không trang điểm, hơi rụt rè, rất căng thẳng. Tôi nói với Phillip: Chúng ta phải tìm một người nào khác thôi. Anh ấy nói: Không, cô ấy có thể làm được. Tôi hỏi lại: Anh chắc chứ? Anh ấy trả lời: Đúng vậy, cô ấy có tính chất Việt Nam. Cô ấy chính là kiểu người của nhân vật. Tôi nói tiếp: Đi tìm một cô gái người Mỹ gốc Việt đi, cô này ngây thơ quá. Và anh ấy đáp: Không, đừng lo lắng về chuyện đó”.

Và tất nhiên, qua đoạn đối thoại này, chúng ta cũng thấy được tính cách mềm mỏng và kiên định của Phillip Noyce. Phillip Noyce tâm sự: “Tôi tìm thấy nhiều người Việt sống tại nước ngoài trông có vẻ phù hợp nhưng ngôn ngữ hình thể và quan điểm sống có vẻ hơi quá mức Âu hóa. Hải Yến đã là người có đời thực giống kiểu nhận vật - một phụ nữ Việt Nam cổ điển của những năm 1950. Cô ấy sống khép kín trong một trường ballet tại Sài Gòn, sau nhiều năm lớn lên tại một làng quê nhỏ ở miền Bắc. Cha cô là người yêu thích quan họ, vì thế cô đã thấm nhuần các giá trị truyền thống và chưa bị đầu độc bởi sức mạnh của văn hóa phương Tây”.

Clip đạo diễn Phillip Noyce giao lưu tại BHD Star Cinema



Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm