PGS - TS Trần Lê Hoa Tranh: Nữ thích ngôn tình, nam thích tiên hiệp

02/09/2016 06:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tiên hiệp có lẽ là sự pha trộn hai thể loại truyện thần tiên và truyện kiếm hiệp của Trung Quốc. Kiếm hiệp thì khỏi nói cũng biết nó mạnh thế nào trong kho tàng văn học bình dân Trung Quốc, khởi nguồn từ những câu chuyện hiệp khách đời Đường (như Cầu Nhiêm Khách truyện…), đến nghĩa hiệp thời Minh Thanh (Thủy hử, Thuyết Đường…). Còn thần tiên là những câu chuyện mang yếu tố kỳ ảo, hoang đường, bắt nguồn từ thần thoại Trung Quốc đến truyện thần ma như Tây Du ký, Phong thần diễn nghĩa...

Hai thể loại truyện này luôn là sự yêu thích của độc giả bình dân Trung Quốc. Do đó, giờ đây nó phát triển thành tiên hiệp kể cũng không có gì lạ. Tiên hiệp là thể loại truyện chương hồi khá dài, có yếu tố vừa kiếm hiệp, vừa hoang đường, thần tiên, nó kết hợp những chất liệu vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại.



PGS - TS Trần Lê Hoa Tranh

Trong ngôn tình cũng có một tiểu thể loại gọi là huyền huyễn, tức là chuyện tình mang tính chất thần tiên. Còn tôi thì thấy tiên hiệp không mấy liên quan lắm đến đam mỹ, bách hợp, nếu có chăng, thì chỉ pha tính chất tình yêu trai gái vào cho hấp dẫn mà thôi. Mối liên hệ nếu có, vì chúng nó đều là những thể loại văn xuôi của văn học đại chúng, nghĩa là phục vụ cho độc giả bình dân, phổ thông, nên có những tâm tình - tâm lý giống nhau.

Tiên hiệp có kết cấu hấp dẫn, phức tạp, nhân vật đa dạng, yếu tố hiện đại mà tiên hiệp ảnh hưởng phương Tây là tính chất fantasy (kỳ ảo), cái này giờ văn học Đông Tây đều chuộng. Thường độc giả nữ thích đọc ngôn tình, còn độc giả nam thích đọc tiên hiệp. 


Phàm nhân tu tiên – một trong những bộ tiên hiệp được cư dân mạng ca tụng

Vì đọc tiên hiệp, họ cũng có thể học hỏi được nhiều kiến thức, về địa lý, về sinh vật, về lịch sử, về thần thoại, lại dày đặc sự tưởng tượng phong phú. Nó làm cho độc giả thoát ra khỏi thế giới tầm thường hàng ngày, rơi vào một thế giới phức tạp, kỳ ảo. Hiển nhiên, các nhà văn tiên hiệp cũng biết cách khai thác những công thức ăn khách nữa.

Còn khi xuất hiện nhiều tiểu thuyết tiên hiệp thì dĩ nhiên chất lượng cũng khác nhau, văn học đại chúng mà. Ngôn tình, tân kiếm hiệp, quan trường, trinh thám, kinh dị,... nhìn chung đều là những thể loại ăn khách, thì cũng có bộ hay bộ dở.

'Bắt bài' tiên hiệp từ cơn sốt 'Tru Tiên'

'Bắt bài' tiên hiệp từ cơn sốt 'Tru Tiên'

Tiên hiệp có nguồn gốc từ thể loại kiếm hiệp thì đã rõ, nhưng nó có quan hệ thế nào với ngôn tình, đam mỹ, bách hợp... mà làm cho độc giả, đặc biệt độ tuổi 18 - 30 điêu đứng?

Xét ở khía cạnh tiếp nhận và xã hội, không nên yêu thích một thể loại văn học nhất định, vì nó làm nghèo thị hiếu của chúng ta. Thị trường có nhiều món ăn, sao mình lại chỉ chọn một món ăn hoài? Nên đọc nhiều loại. Và nói thật, tôi xếp tiên hiệp vào loại sách giải trí, sách đại chúng, nên dù hấp dẫn, cũng không nên đọc nhiều.

Nhiều bộ tiên hiệp cũng có những yếu tố tầm thường duang tục, thậm chí nguy hại về mặt tâm lý, giới tính, ví dụ pha sex khá nhiều (người ta gọi là sắc hiệp), do đó cũng cần cẩn thận. Dưới góc độ xuất bản, do nhà xuất bản cảm thấy bán tiểu thuyết tiên hiệp có lời nên in khá nhiều, chứ ít ai đánh giá cao về thương hiệu, đẳng cấp. Được cái này mất cái kia.

Như Hà (ghi)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm