Quyết liệt để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng

09/08/2021 21:58 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 9/8, cả nước ghi nhận 9.340 ca mắc COVID-19; trong đó có 17 ca nhập cảnh; 9.323 ca trong nước.

Cập nhật dịch Covid-19 ngày 9/8: Cả nước 9.340 ca mới, TP HCM 3.991 ca, Bình Dương 2.887 ca, Hà Nội 78 ca

Cập nhật dịch Covid-19 ngày 9/8: Cả nước 9.340 ca mới, TP HCM 3.991 ca, Bình Dương 2.887 ca, Hà Nội 78 ca

Báo Thể thao và Văn hóa liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương có số ca mắc cao nhất (3.991 ca); tiếp đó là Bình Dương (2.887 ca); Đồng Nai (538 ca); Tây Ninh (290 ca); Long An (287 ca); Tiền Giang (251 ca); Bà Rịa - Vũng Tàu (242 ca)... ; trong số này có 1.556 ca trong cộng đồng.

Tính đến chiều 9/8, Việt Nam có 219.745 ca nhiễm; trong đó 75.920 ca được điều trị khỏi. Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 9.405.819 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 8.460.013 liều, tiêm mũi 2 là 945.806 liều.

Đẩy nhanh tiến độ cấp phép, thử nghiệm các loại vaccine "made in Vietnam"

Văn phòng Chính phủ nhận được văn bản ngày 1/8/2021 của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng chuyên môn Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, kiến nghị về việc cấp phép sử dụng vaccine trong tình huống khẩn cấp. Về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, chỉ đạo việc cấp phép và sử dụng vaccine Nanocovax theo hướng giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính nhưng phải đảm bảo chặt chẽ theo quy định và thẩm quyền.

Ngày 10/8, vaccine COVID-19 "made in Vietnam" Covivac bắt đầu được thử nghiệm giai đoạn 2 và sẽ triển khai tại huyện Vũ Thư (Thái Bình) với 375 tình nguyện viên, 2 nhóm được tiêm liều 3mcg và 6 mcg, 1 nhóm được tiêm giả dược. 

Chú thích ảnh
Bác sĩ căn dặn các bệnh nhân được xuất viện trước khi về địa phương

Trước đó, Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế đã họp đánh giá giai đoạn 1 của vaccine COVID-19 "made in Vietnam" Covivac, kết luận vaccine an toàn, dung nạp tốt, có tính sinh miễn dịch, đủ điều kiện chuyển sang giai đoạn 2.

Nếu giai đoạn 2 diễn ra suôn sẻ, đến cuối tháng 9 nhóm nghiên cứu sẽ thu được mẫu máu của các tình nguyện viên ở thời điểm ngày thứ 42 sau mũi đầu tiên để đánh giá tính sinh miễn dịch và hiệu giá kháng thể trung hòa của vaccine.

Vào ngày thứ 57 các tình nguyện viên sẽ tiếp tục được khám sức khoẻ, lấy mẫu máu để đánh giá, phân tích trước khi nhóm nghiên cứu đề xuất thử nghiệm giai đoạn 3a trên 1.000 tình nguyện viên. 

Covivac là vaccine phòng COVID-19 thứ hai của Việt Nam đang được thử nghiệm lâm sàng. Vaccine Covivac bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 từ ngày 15/3 trên 120 tình nguyện viên. Công trình nghiên cứu do Đại học Y Hà Nội phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện.

Vaccine Covivac sử dụng công nghệ vector virus, tương tự như vaccine AstraZeneca nhưng sử dụng giá thể khác nhau. Trong đó, Covivac sử dụng vector NewCastle trên phôi trứng gà theo dây chuyền sản xuất vaccine cúm mùa, còn AstraZeneca sử dụng vector adenovirus tinh tinh tái tổ hợp. 

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho thành viên Tổ phòng, chống COVID cộng đồng phường Nghĩa Đô, Hà Nội

Bảo đảm công tác xét nghiệm SARS-CoV-2

Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm công tác xét nghiệm SARS-CoV-2.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế đôn đốc các phòng xét nghiệm trên địa bàn quản lý, bao gồm cả các phòng xét nghiệm tuyến Trung ương trên địa bàn, phòng xét nghiệm thuộc các ngành khác báo cáo kết quả xét nghiệm, số mẫu lấy trong ngày, số lượng xét nghiệm Realtime RT-PCR, số lượng xét nghiệm nhanh kháng nguyên hàng ngày... và số liệu cộng dồn từ khi bắt đầu thực hiện đến thời điểm báo cáo để tổng hợp, báo cáo Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur đôn đốc, tổng hợp số liệu xét nghiệm báo cáo hàng ngày và số liệu cộng dồn của các tỉnh theo phân vùng quản lý, báo cáo hàng ngày; tiếp tục rà soát, nâng cao năng lực xét nghiệm tại địa phương trên cơ sở sẵn sàng nguồn lực theo nguyên tắc "4 tại chỗ" để chủ động triển khai xét nghiệm; chỉ đạo các phòng xét nghiệm thường xuyên đánh giá việc thực hiện hoạt động xét nghiệm tại đơn vị theo các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo chất lượng xét nghiệm, kịp thời phục vụ công tác phòng chống dịch.

Cung cấp 8 dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người lao động khó khăn

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) và các đơn vị liên quan cung cấp 8 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (tại địa chỉ ttps://ncovi.dichvucong.gov.vn) để hỗ trợ các đối tượng.

Đó là các dịch vụ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động ngừng việc; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuế cho doanh nghiệp; đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuế đất cho cá nhân; gửi phản ánh, kiến nghị.

Chú thích ảnh
Các bệnh nhân sau khi xuất viện sẽ tiếp tục tiếp tục cách ly tại nhà dưới sự giám sát của y tế cơ sở

 Trong số này, có 3 dịch vụ công có sự tham gia của các cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện là: hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. 

Tổ chức đợt cao điểm lấy mẫu xét nghiệm cho khu vực và người có nguy cơ cao

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, đợt cao điểm lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho khu vực và nhóm người nguy cơ cao sẽ thực hiện trong 7 ngày, từ ngày 10-17/8. 

Đối tượng lấy mẫu bao gồm: Người đang sinh sống tại các khu vực nguy cơ cao (thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân phố), nơi có nhiều bệnh nhân, nhiều ổ dịch, mật độ dân cư lớn, giao lưu đi lại nhiều có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh và làm lây lan dịch bệnh như: Người làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, bán hàng ở chợ, siêu thị, vận chuyển phân phối các mặt hàng thiết yếu, người làm dịch vụ vệ sinh công cộng, lái xe taxi, công nhân các khu công nghiệp…

Dự kiến số lượng người được lấy mẫu là khoảng 300.000 người tại 30 quận, huyện, thị xã căn cứ theo tình hình dịch bệnh. Trong đó số lượng mẫu khu vực nguy cơ là 186.000, số lượng người nguy cơ là 114.000 người.

Việc lựa chọn đối tượng đối với khu vực nguy cơ, lấy mẫu gọn theo khu vực địa lí, theo thôn xóm, tổ dân phố, hộ gia đình, cửa hàng, nhà trọ liền kề, phòng trọ, công ty, cơ quan, xí nghiệp… Cụ thể sẽ chọn 2 người có mật độ tiếp xúc, đi lại nhiều để lấy mẫu đại diện cho mỗi hộ, cửa hàng, phòng trọ. Đối với nhóm người nguy cơ sẽ lập danh sách để lấy mẫu đại diện hoặc toàn bộ tuỳ thuộc vào số lượng cụ thể từng đơn vị. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đề nghị  UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức xây dựng kế hoạch và chỉ đạo lấy mẫu đúng đối tượng, đảm bảo an toàn, không lây lan dịch bệnh.

Theo Công an thành phố Hà Nội, tính từ 11 giờ ngày 8/8 đến 11 giờ ngày 9/8, tại 23 chốt kiểm soát các cửa ngõ ra vào Thủ đô, lực lượng chức năng kiểm soát tại các chốt đã phát hiện, lập hồ sơ tham mưu chính quyền các cấp xử phạt 804 trường hợp vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19 với tổng số tiền phạt trên 1,2 tỷ đồng.

Kịp thời bổ sung vaccine đảm bảo tiến độ tiêm chủng

Sáng 9/8, Bộ Y tế đã bổ sung về cho Thành phố Hồ Chí Minh 600.000 liều vaccine AstraZeneca. Thành phố đang tiếp tục duy trì tốc độ tiêm chủng để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Theo đó, với 600.000 liều vaccine AstraZeneca vừa được bổ sung, ngay sau khi nhận được, Sở Y tế Thành phố sẽ nhanh chóng phân bổ đến các quận, huyện và thành phố Thủ Đức để đảm bảo tiến độ tiêm chủng tại các điểm tiêm cố định trong cộng đồng, tại bệnh viện và lưu động.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi các bệnh viện trực thuộc bộ, ngành; bệnh viện công lập, ngoài công lập; phòng khám đa khoa, chuyên khoa; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức và quận, huyện, yêu cầu các điểm tiêm chủng giải thích, lên lịch hẹn và chuyển tuyến cho những người buộc phải trì hoãn tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo Sở Y tế, trong quá trình tổ chức tiêm chủng, Sở ghi nhận nhiều trường hợp bị trì hoãn tiêm chủng hoặc cần chuyển vào bệnh viện nhưng không được hướng dẫn, theo dõi và hẹn lịch tiêm tiếp theo. Nhằm hỗ trợ người dân được tiêm vaccine đầy đủ, đảm bảo những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng được theo dõi và sắp xếp tiêm chủng khi có đủ điều kiện, Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở tiêm chủng chỉ đạo các đội tiêm, nhân viên y tế phụ trách khám sàng lọc xác định đúng nhóm trì hoãn tiêm chủng, giải thích rõ cho người đi tiêm về nguyên nhân trì hoãn tiêm.

Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tích cực tiếp nhận người được chuyển tuyến và thực hiện tiêm vaccine. Nếu ghi nhận việc chuyển tuyến không hợp lý thì bệnh viện vẫn cần tiêm vaccine cho người dân, đồng thời chủ động phản hồi với trung tâm y tế, nơi đề nghị  chuyển tuyến để rút kinh nghiệm với đội tiêm.

Theo số liệu của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 22/7 (ngày bắt đầu triển khai đợt tiêm chủng thứ 5 trên địa bàn thành phố) đến hết 8/8 Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được cho 2.295.773 người, trong đó có 336.331 mũi cho người trên 65 tuổi, bệnh nền.

Thi hành kỷ luật đối với cán bộ vi phạm

Chiều 9/8, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đã gửi tới các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin liên quan đến sự việc ông Trần Vinh "xô xát với nhân viên y tế" trong lúc xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cộng đồng. Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng đã quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Trần Vinh - Phó Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố bằng hình thức giáng chức.

Trên cơ sở các quy định hiện hành, nhất là các quy định về trách nhiệm nêu gương của đảng viên và xử lý kỷ luật đảng viên, cán bộ, công chức, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật ông Trần Vinh. Công an quận Sơn Trà đã ban hành Quyết định số 132/QĐ-XPHC ngày 6/8/2021 về xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Vinh do đã “xâm hại sức khỏe của người đang thi hành công vụ” theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 34/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Vinh do vi phạm trong việc cung cấp thông tin báo chí theo Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Theo thẩm quyền được phân cấp, căn cứ Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; xét tính chất và mức độ vi phạm của đảng viên Trần Vinh, Chi bộ Công tác Quốc hội thuộc Đảng ủy cơ quan Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 11-QĐ/CB ngày 6/8/2021 về thi hành kỷ luật đối với Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ Trần Vinh bằng hình thức cảnh cáo.

Về xử lý kỷ luật công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, theo thẩm quyền, căn cứ Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 17/QĐ-HĐND ngày 9/8/2021 về thi hành kỷ luật đối với ông Trần Vinh - Phó Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố bằng hình thức giáng chức.

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan liên quan chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về một số vấn đề có liên quan khác.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm