Ấn Độ: Số ca mắc mới và tử vong liên tục tăng cao chưa từng thấy

30/04/2021 11:27 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang worldometers.info, tính đến 8h sáng 30/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 151.110.317 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.178.549 ca tử vong. Hơn 128,44 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 19,48 triệu bệnh nhân đang được điều trị.   

Dịch Covid-19: Thế giới có tuần lây lan kỷ lục, Ấn Độ gần 300.000 ca/ngày

Dịch Covid-19: Thế giới có tuần lây lan kỷ lục, Ấn Độ gần 300.000 ca/ngày

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 12.500 ca tử vong và trên 780.000 ca nhiễm mới. Tình hình Ấn Độ nguy cấp khi số ca nhiễm mới liên tiếp phá kỷ lục, gần cán mức 300.000 ca/ngày.

Hiện Ấn Độ đang là điểm nóng dịch bệnh của thế giới, với số ca mắc mới và tử vong liên tục tăng lên những mức cao chưa từng thấy. Riêng thủ đô Delhi tối 29/4 đã ghi nhận mức cao kỷ lục 395 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong tại thành phố này lên 15.772 người.

Đây là ngày thứ 8 liên tiếp Delhi ghi nhận hơn 300 trường hợp tử vong do COVID-19. Thành phố này cũng ghi nhận 24.235 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ, tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở mức gần 33%, nâng tổng số ca nhiễm tại Delhi lên 1,12 triệu ca. Số khu vực phong tỏa trong thành phố tăng từ 33.749 khu từ ngày 28/4 lên 35.924 khu vực trong ngày 29/4.   

Trong tổng số 21.152 giường bệnh tại các bệnh viện của thành phố, chỉ có 1.628 giường còn trống. Tổng cộng 53.440 bệnh nhân COVID-19 đang được cách ly tại nhà. Hiện các bệnh viện ở Delhi đang đối mặt với tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng và thậm chí nhiều người phải lên mạng xã hội để tìm kiếm nguồn cung oxy y tế.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Magdeburg, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều bệnh nhân đã tử vong trong thời gian qua sau khi oxy cạn kiệt ở một số bệnh viện. Số ca tử vong gia tăng hàng ngày đã gây ra tình trạng quá tải các cơ sở hỏa táng trên khắp thành phố. Cảnh sát Delhi đã yêu cầu cơ quan dịch vụ công ích tìm thêm các địa điểm để làm nơi hỏa táng.   

Theo trang thống kê worldometers.info, hiện Ấn Độ ghi nhận tổng cộng hơn 18,75 triệu ca mắc, trong đó hơn 208.300 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới về số ca mắc, chỉ sau Mỹ và đứng thứ 3 thế giới về số ca tử vong, sau Mỹ và Brazil.   

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tối 29/4 đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ đối với các quốc gia châu Âu rằng việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 có thể kích hoạt một "cơn bão lớn" khiến số ca nhiễm gia tăng "chóng mặt" như đang xảy ra tại Ấn Độ mà theo các chuyên gia thì nguyên nhân một phần là do các hoạt động tập trung đông người tại đất nước 1,3 tỷ dân này.

Người đứng đầu WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge cho rằng các nước không nên nới lỏng các biện pháp hạn chế quá sớm để tránh các làn sóng lây nhiễm mới. Ông lưu ý rằng trong khi số ca mắc mới trong khu vực giảm "đáng kể" vào tuần trước - lần đầu tiên sau 2 tháng, nhưng "tỷ lệ lây nhiễm trên toàn khu vực vẫn rất cao".   

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh châu Phi cũng cảnh báo các chính phủ và người dân trong châu lục không được lơ là cảnh giác trước dịch bệnh để tránh xảy ra tình trạng tương tự ở Ấn Độ. Phát biểu với báo giới, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh châu Phi John Nkengasong nhấn mạnh rằng nhìn chung, "Lục địa Đen" không có đủ nhân lực, giường bệnh và oxy.

Do đó, nếu số ca nhiễm mới tại châu lục này tăng như mức độ hiện nay tại Ấn Độ, tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa. Ông kêu gọi người dân đeo khẩu trang và tránh tụ tập.   

Biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ, có ký hiệu B.1.617, hiện đang càn quét đất nước này, nhưng WHO chưa xác nhận biến thể này có khả năng lây truyền cao hơn hoặc gây tử vong nhiều hơn các biển thể khác hay không.     

Nhằm hỗ trợ Ấn Độ vượt qua những khó khăn hiện nay, cùng ngày, nhiều quốc gia đã cam kết hỗ trợ vật tư y tế và thuốc men. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 29/4 cho biết nước này sẽ chuyển số dược phẩm và thiết bị y tế trị giá khoảng 50 triệu euro (60,5 triệu USD) tới Ấn Độ. Trong số này có 120 máy thở, khẩu trang và thuốc men, bao gồm thuốc điều trị COVID-19 Remdesivir.   

Tại châu Mỹ, Cuba thông báo số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ tại nước này là 1.149 ca và thêm 18 ca tử vong, con số cao nhất kể từ đầu dịch. Trong tổng số ca mắc mới có tới 172 trường hợp dưới 18 tuổi và 11 trong số đó là trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Tình hình dịch COVID-19 tới nay được đánh giá là vẫn đang rất căng thẳng tại Cuba, theo đó tháng 4 được xác định là tháng có nhiều ca lây nhiễm nhất tại nước này từ khi dịch bùng phát, với trung bình hơn 1.000 ca nhiễm mỗi ngày, theo thống kê chính thức của cơ quan y tế Cuba. Đảo quốc Caribe này đã ghi nhận tổng số 105.661 ca mắc COVID-19, trong đó 632 bệnh nhân không qua khỏi.   

Tại Mỹ, thành phố New York sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 1/7 sau hơn một năm áp dụng các biện pháp hạn chế hoạt động vì đại dịch COVID-19. Thị trưởng Bill de Blasio ngày 29/4 cho biết thành phố đã tiêm chủng cho khoảng 6,3 triệu người trong tổng số hơn 8 triệu dân và giờ đây New York đã sẵn sàng mở lại tất cả các hoạt động, kể cả các văn phòng làm việc và nhà hát, rạp chiếu phim. 

Thị trưởng Blasio cũng cho biết thành phố sẽ vẫn tiếp tục nỗ lực để có thể tiêm phòng cho toàn bộ người dân đang sinh sống tại New York. Hiện một số không gian nổi tiếng của New York như bảo tàng Metropolitan hay sân vận động Yankees đều yêu cầu những người tới đó xem biểu diễn hay tham quan phải xét nghiệm nhanh COVID-19 hoặc có chứng nhận đã được tiêm phòng và những địa điểm này chỉ được đón số lượng khách ở mức 20% tổng sức chứa.   

Lê Ánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm