Sau Arsenal sẽ là Man City?

23/01/2015 14:44 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - “Đi về phía mặt trời”, “Hoa anh đào nở trên xứ nhiệt đới” hay mộc mạc hơn một chút: “Học người Nhật làm bóng đá”…, là những tiêu đề từng đề cập, khi nền bóng đá xứ sở thuyết phục được phía đối tác Nhật Bản (cụ thể là Liên đoàn bóng đá Nhật và Ban tổ chức các giải J-League), hỗ trợ, giúp đỡ, trong gói hợp tác toàn diện. Rất nhiều các chuyến thăm viếng, qua lại học hỏi mô hình, cũng đã được tổ chức… Chưa bao giờ, bóng đá Nhật Bản gần Việt Nam đến thế.

Tưởng như mọi chuyện đã xuôi trèo mát mái, khi chúng ta đã có trưởng giải người Nhật, HLV trưởng các ĐTQG người Nhật.., thì thật bất ngờ, trong tuyên bố mới nhất của tân Phó chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam, đương kim chủ tịch VFF, Lê Hùng Dũng, lại đưa ra đề án hợp tác trị giá đế 2 tỷ USD với CLB Manchester City (Anh quốc)!

Tại sao lại là Manchester City?


Trong một tuyên bố mới nhất, ông Lê Hùng Dũng cho rằng, gói hợp tác trị giá 2 tỷ USD (tương đương với hơn 40.000 tỷ đồng theo tỷ giá hối đoái hiện tại) giữa VFF và CLB Man xanh là rất khả quan. Nhân tiện, ông Dũng cũng tiết lộ thêm về một kế hoạch khác của CLB XSKT.Cần Thơ với CLB Feyenoord (Feyenoord Academy, Hà Lan) trong tương lai gần. Một viễn cảnh đầy màu hồng sẽ được mở ra.

Xong, chúng ta hãy bình tĩnh xem Feyenoord Academy là thứ gì và Man City đã từng sản sinh được bao nhiêu cầu thủ ở kỷ nguyên giải Ngoại hạng?



Tác giả bài viết trong một lần đến thăm 2 CLB thành Manchester

Mùa hè 2012, trong đợt đến thành phố Manchester và vùng phụ cận – các thành phố vệ tinh ở vùng Đông Bắc Anh và Yokeshire, để đưa tin về hành trình rước đuốc Olympic London có sự hiện diện của 2 đại diện Việt Nam, người viết bài có dịp mục sở thị đại bản doanh CLB Manchester City, sân Etihad, tổ hợp sân tập và Học viện bóng đá của đội bóng nửa xanh thành Manchester (thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Sheikh Mansour, người được tạp chí 4–4–2 bầu là người giàu nhất thế giới bóng đá). Nó vẫn như một công trình ngổn ngang.

Sau khi tiếp quản Man City (thực ra là mua lại) từ tay nhà tài phiệt – cựu Thủ tướng Thái Lan, Thaksin Shinawatra, năm 2008, Sheikh Mansour đã biến Man City trở thành đối trọng thực sự của “Big Four” (nhóm 4 đội bóng hàng đầu giải Ngoại hạng Anh). Chính sách không ngừng mua vào giúp Man City có ngay 2 chức vô địch Premier League và bắt đầu đặt tham vọng ở UEFA Champions League.

Nhưng, ở khâu đào tạo trẻ CLB lại là con số không rất tròn: Không một cầu thủ trẻ nào từ Học viện chen chân được vào đội 1, kể từ khi Sheikh Mansour đến đây.

Không giống với Arsenal (đối tác của HA.GL), Manchester United hay Southampton Academy, những lò đào tạo trứ danh, Man xanh vẫn chỉ được biết đến như một đội bóng trọc phú.

Vậy là chúng ta sẽ hợp tác với một đội bóng trọc phú, không sở hữu bất cứ truyền thống nào về đào tạo trẻ, bằng gói 2 tỷ USD và hy vọng nền bóng đá sẽ cất cánh? Ông Lê Hùng Dũng không nói rõ con số 2 tỷ USD là do đối tác bỏ ra hay VFF phải chịu, nên mới sinh những hiểu lầm. Bởi ngay cả HA.GL cũng chỉ góp 2–4 triệu USD với Arsenal, cũng như JMG toàn cầu.

Thời Thaksin Shinawatra còn nắm cổ đông chính Man City và được xem là ông chủ tối thượng đội bóng vùng Eastland, bóng đá Thái Lan cũng đã được nhờ cậy với việc gửi qua đó ít nhất 3 cầu thủ trẻ triển vọng (trong đó có Teerasil Dangda, tiền đạo hiện đang khoác áo Almeria ở La Liga), để Man City đào tạo giúp.

Nhưng thành quả là không gì cả, sau khi đồng loạt những cầu thủ này không đáp ứng được đòi hỏi chuyên môn của bóng đá Âu châu và cũng không giúp bóng đá Thái Lan tiến một bước dài (dự VCK World Cup 2014, theo tính toán ban đầu). Thế đấy!

Chạy nhiều có ra chiến thuật?


Thực tế là, trước khi đạt được gói hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật Bản và mới đây, bản đề án trị giá 2 tỷ USD với đối tác Manchester City xuất hiện, bóng đá Việt Nam ở mọi cấp độ, cũng đã… chạy rất nhiều rồi. Sau HA.GL đến với Arsenal và JMG toàn cầu, Navibank Sài Gòn cũng hướng tới Bayern Munich và bản thân XSKT.Cần Thơ cũng từng cử phái đoàn qua Milan, tìm đến đại bản doanh CLB Inter Milan để trình dự thảo hợp tác. Giờ, N.Sài Gòn đã biến mất trên bản đồ bóng đá Việt Nam, còn XSKT.Cần Thơ sống như tồn tại, từ hạng Nhất đến V-League.

Mô hình Học viện HA.GL Arsenal JMG đã được cho là đạt chuẩn, sau khi xuất xưởng lứa cầu thủ U19 rất tiềm năng và bước đầu tạo được tiếng vang ở sân chơi trẻ.

Tuy nhiên, sau khi cân-đo-đong-đếm và “test” chất lượng đầu ra (khó đảm bảo), bầu Đức đã phải thay đổi chiến lược: Từ hợp tác đào tạo sản phẩm để bán, “những đứa trẻ của bầu Đức” hiện đang cày ải V-League và hy vọng sẽ đem về chiếc huy chương vàng SEA Games, rồi chức vô địch AFF Cup, những chỉ tiêu rất cũ. Chỉ mới V-League, "những đứa con" của bầu Đức đã thua liểng xiểng, nói gì chuyện xuất khẩu.

Trong lộ trình phát triển để đạt đến đẳng cấp như hiện tại, bóng đá Nhật Bản từng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ - giúp đỡ từ Brazil. Ngoài các Học viện được mở rộng khắp ở xứ phù tang (với tổng công trình sư Zico), Nhật Bản cũng đã cử nhiều lứa cầu thủ khác nhau (trong đó có thế hệ của Hidetoshi Nakata, Kawaguchi…) qua Brazil học việc trong nhiều năm. World Cup 1998 ở Pháp, tức chỉ 6 năm sau khi J-League ra đời, đội tuyển quốc gia Nhật Bản lần đầu tiên tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh và đấy được xem là một bước tiến kỳ vĩ của bóng đá Nhật.

Bóng đá, muốn phát triển, ngoài khí tài ra, cần phải có chiến lược dài hơi. Về mặt khí tài – tức nguồn lực tại chỗ, bóng đá Việt Nam không thiếu các lò đào tạo có tiếng, mà SLNA, Đồng Tháp, Nam Định, SHB.Đà Nẵng và thậm chí cả Hà Nội.T&T…, là những điển hình cần được hỗ trợ, nâng tầm.

Về mặt đối ngoại – hợp tác với đối tác nước ngoài, nền bóng đá cũng đã chọn Nhật Bản (và được chấp thuận) để theo đuổi mô hình chuẩn, vậy tại sao lại thay đổi hoặc điều chỉnh, khi mới chưa qua một đôi vụ?! “Chạy” khác với “di chuyển” – lấy không gian chơi bóng.

Thái Lan sau bao vụ thất thu từ nguồn lực ngoại (HLV trưởng), đã quay trở lại với phương án thầy nội: Tổng công trình sư Kiatisuk Senamuang. Chiếc HCV SEA Games 27, cùng chức vô địch AFF Suzuki Cup 2014 được xem là điểm khởi đầu, để bóng đá nước này hy vọng sẽ cất cánh trở lại. Trong khi đó, những người đứng đầu và chịu trách nhiệm trực tiếp với sự tồn vong của nền bóng đá xứ ta, lại vẫn chỉ chạy vòng quanh, bất định. Bản đề án hợp tác với Manchester City xuất hiện, cũng có nghĩa rằng, hoa anh đào sẽ bị "bức tử", khi vừa mới chớm nụ?!

Bản chất mô hình hoạt động của các CLB Âu châu là kinh doanh bóng đá, chứ không phải hỗ trợ sự phát triển cho một nền bóng đá cụ thể.

Thông qua các hệ thống Học viện vệ tinh được mở (nếu có), cũng phục vụ tiêu chí nói trên. HA.GL, Arsenal và JMG đã bắt đầu hợp tác với nhau, khi đạt được thoả thuận về nghĩa vụ (vốn) và quyền lợi (tỷ lệ ăn chia cho mỗi sản phẩm đầu ra).

Tựa như Bờ Biển Ngà (Học viện JMG Bờ Biển Ngà), bóng đá Việt Nam có thể được hưởng lợi từ nguồn lực này, chứ nền bóng đá không thể kỳ vọng tư nhân nước ngoài đào tạo hộ.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm