07/02/2024 06:09 GMT+7 | Thể thao
Khép lại năm 2023, Thể thao Việt Nam mới có được 3 suất chính thức tới Olympic Paris 2024 gồm: Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh (bắn súng) và Nguyễn Huy Hoàng (bơi). Khi mà Thế vận hội vẫn còn hơn nửa năm nữa mới khởi tranh, thể thao nước nhà vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thêm những suất tham dự chính thức, cũng như đầu tư cho những niềm hy vọng sẽ làm nên kỳ tích mới.
Trở lại từ năm 1980 khi Thế vận hội mùa Hè được tổ chức tại Moscow (Liên Xô cũ) và tham gia đều đặn từ Seoul 1988 tới nay với tư cách thành viên chính thức của Ủy ban Olympic quốc tế IOC, không khó để nhận ra, trình độ của Thể thao Việt Nam so với đấu trường Olympic vẫn còn khoảng cách cực lớn về chuyên môn.
Nhưng cũng chính khoảng cách ấy đã khiến mỗi tấm huy chương giành được trên đỉnh Olimpia huyền thoại đã trở thành kỳ tích của thể thao nước nhà. Từ chiếc HCB mở màn của nữ võ sỹ Taekwondo Trần Hiếu Ngân tại Olympic Sydney 2000, tới ngôi á quân cử tạ của đô cử nam Hoàng Anh Tuấn ở Bắc Kinh 2008, 1 HCĐ của Trần Quốc Toàn - cử tạ nam hạng 56kg và đặc biệt là kỳ tích giành 1 HCV - 1 HCB của nam xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã ghi danh Thể thao Việt Nam vào lịch sử Thế vận hội lâu đời nhất của thể thao thế giới.
Tuy nhiên, cũng sau kỳ tích tại Olympic Rio 2016 đó, Thể thao Việt Nam lại có 1 khoảng lặng tại Olympic Tokyo 2021. Vậy, thể thao nước nhà đặt kỳ vọng vào đâu tại Olympic Paris tới?
Kỳ vọng tiếp nối Hoàng Xuân Vinh
Tiếp tục khẳng định vị thế của môn thể thao hàng đầu trên đấu trường quốc tế, bắn súng không chỉ giành 1 trong 3 suất tham dự đầu tiên mà tiếp tục là niềm hy vọng lớn của Thể thao Việt Nam tại Paris vào tháng 7 tới.
Hy vọng này là hoàn toàn có cơ sở về chuyên môn. Trong số 3 tấm HCV mà đoàn Thể thao Việt Nam giành được tại ASIAD 19 trên đất Hàng Châu (Trung Quốc) vào năm 2023, duy nhất chỉ có 1 nội dung thuộc chương trình thi đấu Olympic là 10m súng ngắn hơi nam của môn bắn súng. Cái tên Phạm Quang Huy chính thức bước ra ánh sáng để làm rạng danh người hâm mộ thể thao nước nhà. Kỳ tích của xạ thủ quê Hải Phòng cũng giải tỏa rất nhiều áp lực cho đoàn thể thao nước nhà tại một kỳ Á vận hội không thành công như chỉ tiêu ban đầu đề ra.
Nhưng với riêng Quang Huy, ở tuổi 27, chàng trai đất Cảng đã có thành tích để đời cho bắn súng Việt Nam sau 4 thập kỷ chờ đợi tấm HCV ASIAD đầu tiên. Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngay cả người thầy của Quang Huy là kỷ lục gia Olympic Hoàng Xuân Vinh cũng chưa từng một lần lên đỉnh cao ASIAD.
Xạ thủ quê Hải Phòng bắt đầu bước vào thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp và lại là con nhà nòi khi bố anh cũng là tay súng nổi danh trong nước, quốc tế Phạm Cao Sơn, Quang Huy hứa hẹn sẽ còn mang về thêm những kỳ tích mới. Có một so sánh khá thú vị là ở tuổi 42, Hoàng Xuân Vinh mới khẳng định được mình tại đấu trường lớn nhất hành tinh Olympic với 1 HCV, 1 HCB tại Rio de Janeiro năm 2016. Quang Huy vẫn còn rất trẻ và trong môn thể thao mà tuổi nghề của các VĐV kéo khá dài, xạ thủ trẻ đất Cảng này hoàn toàn có khả năng chạm tới đỉnh cao ở nội dung sở trường 10m súng ngắn hơi nam.
Vô địch ASIAD, nhưng trước mắt, Quang Huy vẫn sẽ phải nỗ lực "săn" vé dự Olympic Paris 2024 như người đồng nghiệp Trịnh Thu Vinh, trước khi mơ tái lập kỳ tích của thầy mình. Ngoài ra, bắn súng Việt Nam cũng đang đặt mục tiêu có thêm 1-2 VĐV có thể góp mặt tại Paris vào mùa Hè tới qua những giải đấu như Vòng loại Olympic khu vực châu Á diễn ra từ ngày 5 đến 18/1/2024 tại Jakarta, Indonesia, rồi vòng loại thế giới dành cho súng ngắn và súng trường hơi sẽ tổ chức tại Brazil vào tháng 4 năm tới.
Trong số này, bắn súng Việt Nam ngoài Phạm Quang Huy thì Ngô Hữu Vương cũng là một cái tên đáng để ghi nhận cho nỗ lực vươn lên. Ở tuổi 34, Hữu Vương đã là người đầu tiên có được HCB cho Thể thao Việt Nam tại ASIAD 19 ở nội dung 10m súng trường hơi mục tiêu di động.
Tới những người hùng thầm lặng
Với lực lượng, thành tích và cả trình độ chuyên môn, đương nhiên bắn súng là niềm hy vọng lớn trên đấu trường quốc tế nói chung và Olympic Paris 2024 nói riêng. Dù vậy, Thể thao Việt Nam cũng có những gương mặt xứng đáng được gửi gắm niềm tin trong tương lai gần.
Cũng tại ASIAD 19, VĐV Nguyễn Văn Khánh Phong đã xuất sắc mang về tấm HCB cho đoàn Thể thao Việt Nam ở môn Thể dục dụng cụ. Giới chuyên môn cùng chung nhận định, ngôi á quân của tuyển thủ sinh năm 2002 quý giá như vàng mười vì đã đạt tới trình độ thế giới. Cụ thể, Khánh Phong chỉ thua VĐV Lan Singyu của chủ nhà Trung Quốc ở nội dung Vòng treo nam. Thậm chí, điểm số 14.600 Khánh Phong còn cao hơn thành tích của chính anh tại hiải vô địch Thể dục dụng cụ châu Á ở Singapore năm 2023.Cùng với Khánh Phong, những VĐV khác như Đinh Phương Thành, Phạm Như Phương sẽ đặt mục tiêu có vé đến Paris mùa hè năm tới.
Bên cạnh đó, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng cũng xứng đáng nhận được nhiều sự khích lệ sau nỗ lực trên đường đua xanh. 2 tấm HCĐ nội dung 400m và 800m tại ASIAD 2023 duy trì niềm tin cho Huy Hoàng có thể tiếp tục đến tranh tài tại Olympic Paris 2024. Dù có thể rất khó với tới tấm huy chương, nhưng ít nhất "Rái cá sông Gianh" không có khái niệm bỏ cuộc.
Trường hợp của Nguyễn Thị Thật cũng khá tương tự. Dù 2 lần vô địch châu Á vào các năm 2018 và 2022 nhưng đến với Olympic là điều hoàn toàn khác cho tay đua gốc An Giang. Nữ cua-rơ sở hữu tốc độ đua nước rút hàng đầu châu lục dẫu vậy vẫn phấn đấu không ngừng. Năm nay, cô vỡ òa sung sướng sau khi có được tấm vé dự Olympic Paris 2024 sau chiến thắng ở nội dung xuất phát đồng hàng nữ của giải vô địch xe đạp đường trường châu Á 2023 diễn ra tại Thái Lan. Đây cũng là kỳ tích khi lần đầu tiên trong lịch sử, Thể thao Việt Nam có một VĐV môn xe đạp dự Olympic và Nguyễn Thị Thật là người viết nên cột mốc đó.
Năm 2024 đã tới và Thể thao Việt Nam sẽ lại tiếp tục hành trình chinh phục những chiếc vé để có mặt ở nước Pháp vào mùa Hè tới đây. Những niềm hy vọng đặt lên các đội tuyển thuyền Rowing, Boxing, Taekwondo, những môn thi đấu mang về HCĐ ASIAD 19 cho Thể thao Việt Nam. Ngoài ra, cử tạ cũng hy vọng sẽ lấy lại vị thế kể từ tấm HCB Olympic 2008 của lực sỹ Hoàng Anh Tuấn. sẽ đặt niềm tin tới Pháp năm sau với các đô cử: Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Trần Anh Tuấn (61 kg nam); Quàng Thị Tâm (59 kg nữ), Phạm Đình Thi (49 kg nữ) và Phạm Thị Hồng Thanh (71 kg nữ).
Đặc biệt, cô gái xinh đẹp Nguyễn Thùy Linh cũng đang được kỳ vọng lớn sẽ tới Pháp năm tới. Thùy Linh đã viết sử cho cầu lông Việt Nam khi lọt Top 20 thế giới trong năm 2023. Đây cũng là đích nhắm của cô gái sinh năm 1997 này.
Do hoàn cảnh của đất nước, trước năm 1975, đoàn thể thao miền Nam Việt Nam đã từng tham dự 46 kỳ Olmpic từ năm 1952 đến 1972 và không giành được huy chương. Kể từ khi Việt Nam trở lại hội nhập với thể thao quốc tế và trở thành thành viên chính thức của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thì Thế vận hội mùa hè Moscow 1980 là lần đầu tiên chúng ta góp mặt tại ngày hội thể thao lớn nhất thế giới. Hơn 4 thập kỷ trôi qua, Thể thao Việt Nam đã tham dự 10 kỳ Olympic, với 160 VĐV tham gia tranh tài và giành 5 tấm huy chương, bao gồm 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Cụ thể:
1. Olympic Moscow (Liên Xô cũ) 1980: Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự với 31 VĐV, không giành huy chương.
2. Olympic Seoul (Hàn Quốc) 1988: 10 VĐV, không giành huy chương.
3. Olympic Barcelona (Tây Ban Nha) 1992: 7 VĐV, không giành huy chương.
4. Olympic Atlanta (Mỹ) 1996: 6 VĐV, không giành huy chương.
5. Olympic Sydney (Australia) 2000: 7 VĐV, giành 1 HCB của nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân ở hạng cân 57kg.
6. Olympic Athens (Hy Lạp) 2004: 11 VĐV, không giành huy chương.
7. Olympic Bắc Kinh (Trung Quốc) 2008: 21 VĐV, giành 1 HCB của lực sỹ cử tạ Hoàng Anh Tuấn hạng 56 kg nam.
8. Olympic London (Anh) 2012: 18 VĐV, giành 1 HCĐ sau khi Trần Lê Quốc Toàn được đôn từ hạng tư nội dung 56kg lên vị trí thứ ba, thế chỗ VĐV của Azerbajan bị tước huy chương vì doping.
9. Olympic Rio (Brazil) 2016: 23 VĐV, xạ thủ bắn súng Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV nội dung 10m súng ngắn hơi và 1 HCB nội dung 50m súng ngắn.
10. Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2022: 18 VĐV, không giành huy chương.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất