Di tích 'tử thủ' trước... đạo chích: Người ngay 'chạy đua' với kẻ gian

20/10/2016 09:58 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vụ trộm tượng Quan âm tại chùa Mễ Sở (Hưng Yên) vừa qua chỉ là một trong số hàng trăm vụ việc điển hình về nạn đánh cắp cổ vật tại các di tích trên toàn quốc. Và, thực trạng ấy chắc chắn chưa thể chấm dứt khi chưa có các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ cổ vật.

Trước khi bị đánh cắp vào tháng 9 vừa qua, pho tượng Quan âm Nghìn tay, nghìn mắt (Thiên thủ, Thiên Nhãn) tại chùa Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) cũng từng bị mất cắp một lần vào năm 1988. Ở thời điểm ấy, theo trí nhớ của một số nhân chứng, vụ trộm diễn ra vào lúc chập tối một ngày thứ Bảy, ngay sau…cuộc họp của dân làng Mễ Sở tại sân chùa.

Và, cho dù  vào năm 1988 các phương tiện thông tin còn chưa phát triển, những kẻ lấy cắp tượng Phật vẫn không quên áp dụng một ‘tiểu xảo” quan trọng: cắt đứt đường dây điện thoại chính trong làng Mễ Sở, để người dân không thể sớm liên lạc với các cơ quan có chức năng.

Vậy nhưng, với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, cơ quan điều tra tỉnh Hải Hưng cũ và các địa phương lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, vẫn lập tức đưa ra phương án truy tìm và kiểm soát toàn bộ các trục giao thông trong vùng. Để rồi, một tuần sau vụ trộm, pho tượng chế tác vào thế kỷ XVIII này được tìm thấy ở nhà một nghệ nhân phố Vân Hồ, Hà Nội.


Pho tượng Quan âm Thiên thủ Thiên nhãn tại chùa Mễ Sở trước khi bị lấy cắp

Để rồi, 28 năm sau, vụ đánh cắp pho tượng cổ này được lặp lại trong điều kiện… khó khăn hơn, khi hệ thống khóa bảo vệ và camera an ninh đã được lắp đặt quanh tầng 2 (nơi đặt tượng).

Vậy nhưng, những kẻ lấy trộm cổ vật vẫn thực hiện công việc của mình một cách khá ung dung: dùng sào và áo để che camera, cắt 2 lượt khóa để vào nơi đặt tượng, sau đó dùng dây thả pho tượng nặng hơn một tạ nay qua lan can để mang ra ô tô đợi phía ngoài…

Thậm chí, trước khi rút lui, các “đạo chích” còn cẩn thận quay lại nơi đặt tượng để dọn dẹp, xóa hết dấu vết.

Và, cũng như vụ việc năm 1988, pho tượng này được các cơ quan chức năng tìm thấy khi thủ phạm đã tạm thời… tháo lui. Mười ngày sau thời điểm bị đánh cắp, tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn được người dân tìm thấy khi nằm… chỏng chơ tại đường quốc lộ, cách chùa Mễ Sở 10 km.

Theo những phán đoán ban đầu, trước tình trạng bị kiểm soát các trục đường quanh vùng, kẻ gian đành chọn giải pháp… bỏ của chạy tháo thân như vậy.

Kẻ gian "đi đi về về"

Chùa Mễ Sở không phải là trường hợp duy nhất mà kẻ gian “đi đi về về” để đánh cắp cổ vật như vậy. Thậm chí, ở một số ngôi chùa khác, số lần “ghé thăm” của kẻ gian còn nhanh hơn nhiều so với khoảng cách 28 năm giữa 2 vụ trộm khác nhau.

Điển hình, tại chùa Khám Lạng (Lục Nam, Bắc Giang), vào tháng 6/ 2001, “đạo chích” đã đột nhập vào đây liên tục 2 lần chỉ trong một tuần lễ. Lần đầu tiên, chúng lấy đi một pho tượng Di Lặc có niên đại thế kỷ XVII, còn lần thứ 2 thì lấy 2 pho tượng A Nan, Ca Diếp bằng gỗ sơn song thếp vàng.

Hoặc, trong 10 năm kể từ 1991, chùa Nễ Châu (thành phố Hưng Yên) cũng bị đạo chích “hỏi thăm” tới 4 lần. Trong đó, một lần kẻ gian lấy đi cùng lúc 5 pho tượng cổ và một lần táo tợn giả làm khách hành hương, lấy một pho tượng Ngọc Nữ và một chiếc mõ cổ ngay giữa ban ngày.

Còn tại chùa Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội), trong 3 năm kể từ 2010, kẻ gian đã vào chùa 3 lần để lấy đi nhiều cổ vật thời Nguyễn, thậm chí lần cuối cùng còn “tiếc rẻ” khuân luôn cả chiếc sập gụ đặt tại nhà lưu niệm.


Một số cổ vật tại chùa Nễ Châu (Hưng Yên) phải dùng xích sắt và khuôn sắt khóa lại để chống trộm

Rộng hơn, nếu nhìn ở góc độ địa phương, tỉnh Bắc Giang chỉ trong 15 năm qua đã phải chứng kiến hơn 50 vụ đột nhập vào di tích, với khoảng 300 cổ vật bị đánh cắp. Con số này, với tỉnh Hưng Yên là 8 lần. Còn, nếu trải ra trên phạm vi toàn quốc, thống kế gần nhất cho thấy liên tục 10 ngôi chùa đã bị mất trộm trong vòng 3 tháng kể từ 11/2015.

Trong đó, huyện Tuy Phước (Bình Định) mất trộm liên tục tại 6 chùa trong một thời gian ngắn, còn chùa Kim Long (Nha Trang, Khánh Hòa) mất liền 39 pho tượng đồng.

Như chia sẻ của những người trong cuộc, những vụ trộm cổ vật diễn ra tại các cơ sở thờ tự theo cách ngày càng tinh vi hơn. Không chỉ sử dụng xe cơ giới và các thiết bị trộm cắp hiện đại, có trường hợp như tại chùa Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang), các đạo chích còn thông minh tới mức lấy cát rải xuống nền chùa để không tạo ra tiếng động khi hạ pho tượng Thích Ca bằng đồng đen xuống đất.

"Lập chiến lũy" bảo vệ cổ vật

 Sẽ rất dễ dàng, để nói tới trách nhiệm của bộ phận quản lý trong vấn nạn trộm cắp cổ vật tại đình chùa. Và thực tế, cũngkhông ai phủ nhận được điều này, bởi theo các văn bản hiện có, việc phân cấp quản lý di sản tại các cơ sở thờ tự cũng được quy định khá rõ ràng: Sở VH,TT&DL tại các địa phương có trách nhiệm phân công cho các ban quản lý di tích cấp huyện, xã cùng chịu trách nhiệm, thay vì "khoán trắng" cho người trong nom các cơ sở thờ tự.

Nhưng, với hàng ngàn ngôi đình, chùa, miếu trải rộng khắp toàn quốc (và kèm theo đó là một lượng bảo vật dân gian khổng lồ), sẽ là vô cùng khó khăn nếu chúng ta trông đợi các cơ quan quản lý địa phương đủ kinh phí và nhân lực để bảo vệ lượng cổ vật này với sự cẩn thận như... trong bảo tàng.  Nhất là khi, với đặc thù riêng, các cơ sở thờ tự luôn bị đặt trong tình trạng "mỡ để miệng mèo", trước cặp mắt của những kẻ chuyên săn trộm cổ vật.

Cần nhắc lại, trong quá khứ, những chùa, đình, đền tại Việt Nam gần như là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cả cộng đồng với kết cầu mở, gần gũi thân thiện cùng khách thập phương. Và, bên cạnh vai trò của những nhà tu hành hoặc người trông nom đền miếu, chính sự nhiệt tâm của cộng đồng cư dân bản địa mới là yếu tố để các tượng cổ, câu đối, bát hương (mà rất nhiều trong số đó dongười dân cung tiến) được an toàn.

Còn bây giờ,  những biến đổi của xã hội đã biến cơ chế "gần dân" của các đền, chùa, miếu... thành "tử huyệt" cho nạn trộm cắp. Để rồi, ở một số đình chùa,  những người trông nom đã bắt đầu phải miễn cưỡng "lập chiến lũy" bảo vệ những cổ vật đang được cất giữ và chấp nhận cảnh "kín cổng cao tường" trong thực tại.

Điển hình, sau hàng loạt vụ mất trộm, sư cụ tại chùa Nễ Châu (Hưng Yên) đã phải thửa riêng một bộ khuôn sắt, úp ra bên ngoài các đồ thờ quan trọng rồi khóa lại. Các khuôn cửa trong gian thờ, cũng như hệ thống vì kèo, cũng được rào chéo lại bằng song sắt. Thậm chí, công phu hơn, chiếc chuông cổ tại đình Nhật Tảo (Hà Nội) phải cất hẳn vào một gian đặc biệt, để rồi vài tháng một lần, mỗi khi cần kiểm tra, những người trông nom lại khệ nệ khiêng ra.

Nếu quyết tâm đặt hệ thống cổ vật tại các đình, chùa, miếu... trên toàn quốc dưới sự bảo vệ và giám sát nghiêm ngặt, điều chúng ta cần trước tiên vẫn là một mô hình quản lý và một mức đầu tư phù hợp, để cuộc chạy đua giữa người ngay và kẻ gian không diễn ra theo cách... mất cân bằng như hiện tại.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm