Brazil - Argentina: Xem Dunga phong tỏa Messi, Di Maria!

11/10/2014 13:40 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Brazil đang cải tổ triệt để nhờ bàn tay sắt của Carlos Dunga. Argentina thong thả gia tăng sức mạnh sau kì World Cup 2014 thành công, dưới thời một HLV khá lành tính và mềm dẻo: Gerardo Martino.

Thời điểm này, có thể sự quyết liệt và quyết tâm sẽ thắng sự thư thả, và có gì đó hơi lỏng lẻo.

Brazil: Khi đá bóng thành quân lệnh

Sau khi Carlos Dunga được bổ nhiệm làm HLV đội tuyển Brazil thay Luiz Felipe Scolari, dư luận Brazil phản đối. Người hùng World Cup 1970 nổi tiếng thông thái và được kính trọng, Tostao, nhận xét: “Tôi hoàn toàn bối rối và ngạc nhiên. Không hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa”. Trong khi HLV, huyền thoại bóng đá Zico cảm thán: “Chọn Dunga là thiếu tôn trọng các HLV khác”.

Giới phân tích tại Brazil đánh giá HLV Tite, người dẫn dắt Corinthians vượt qua Chelsea ở chung kết FIFA Club World Cup 2012 mới là ứng viên sáng giá ngồi vào chiếc ghế mà Scolari để lại. Nhưng Chủ tịch LĐBĐ Brazil, một người đàn ông đã 80 tuổi tên Jose Maria Marin, nghĩ khác. Ông theo tư tưởng cực hữu, thích sự an toàn và ổn định. Mà nếu muốn thay đổi trong vòng an toàn tuyệt đối, còn ai đáng tin hơn là Dunga?

Hai trận giao hữu thắng Colombia và Ecuador với cùng tỉ số 1-0 bổ sung cho nhận định này: Dunga bê nguyên xi thứ bóng đá thực dụng của nhiệm kì 1 lên nhiệm kì 2. Đội tuyển Brazil vận hành theo sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1, nhưng không có tiền đạo cắm, mà Neymar và Tardelli thay nhau chơi số 9 ảo bên trên. Sơ đồ gồm 1 thủ môn, 4 hậu vệ, 2 tiền vệ đánh chặn, 1 tiền vệ con thoi và 2 cầu thủ tấn công, có thể gọi bằng công thức dễ hiểu hơn là 8-3: 8 phòng ngự, 3 tấn công, an toàn là trên hết, và thà không thua còn hơn cởi mở mà thua sát nút!

Thuận lợi lớn cho Dunga: Tiếp quản một đội thất bại nhục nhã đến 1-7 trước Đức ở bán kết World Cup 2014 tạo điều kiện cho ông thay đổi triệt để mà không ai dám ngăn cản. Vậy nên rất nhanh, chúng ta thấy rất rõ dấu ấn của Dunga chỉ sau 2 trận đầu. Thứ bóng đá thực dụng được tuân theo quân lệnh, và cần thủ ngoan ngoãn nghe theo, rất ít sự kháng cự. Ngay Neymar cũng thường xuyên rơi vào cảnh cô đơn ở tuyến trên, và ngoan ngoãn lui về phòng ngự.

Argentina: Cứ chậm rãi mà đi

Cũng thay HLV như kình địch, nhưng Argentina không vội đi theo Gerardo Martino. Cựu HLV Barcelona khởi đầu nhiệm kì quá hoàn hảo bằng thắng lợi 4-2 trước Đức, đội vừa đánh bại họ 1-0 tại chung kết World Cup 2014, nhưng ông vẫn khiêm tốn tặng thành quả cho người tiền nhiệm Alejandro Sabella. Trước khi trận đấu ấy diễn ra, ông Martino nói thẳng: “Tôi sẽ không vội vàng thay đổi bộ khung này”.

Dunga có thể đập tan một tập thể be bét thời Scolari, nhưng chẳng ai phá bỏ một đội tuyển vừa vào chung kết World Cup. Hệ thống chơi của Martino cơ bản là 4-3-3. Tư tưởng bóng đá vẫn khá giống Sabella: Chú trọng pressing, tìm ra giải pháp phát huy các cá nhân nổi trội. Trước Đức, Messi vắng mặt nên Di Maria chơi rất tự do, tỏa sáng rực rỡ với 1 bàn, kiến tạo 3 bàn.

Khi Messi trở lại, Argentina sẽ vẫn như người đàn ông thong thả vừa đi vừa chỉnh caravat. Đến tháng 6/2015, đội tuyển mới đá giải lớn đầu tiên là Copa America. Từ nay đến đó, có thể Argentia và các đội bóng Nam Mỹ rơi vào cùng một cảnh ngộ: Không có đối thủ mạnh để cọ xát (vì các đội châu Âu bận đá vòng loại EURO 2016); Colombia làm lại với các cựu binh World Cup 2014, cùng vài cầu thủ vắng mặt giải đó như Falcao; Ecuador  vẫn dùng một HLV tạm quyền trong vài tháng tới; Bolivia, thậm chí chưa bổ nhiệm HLV trưởng chính thức; trong khi Brazil của Dunga còn ngổn ngang.

Có thể cần vài tháng nữa, Gerardo Martino mới mạnh tay thay đổi Argentina theo ý mình. Thời điểm này, Argentina sẽ vẫn chơi dựa trên nhịp thở của các cá nhân xuất sắc như Messi hay Di Maria. Họ đã chơi cực hay trước Đức, nhưng rất dễ thấy đội bóng ấy vẫn đang say xỉn trên đỉnh thế giới, nên thậm chí không kèm cầu thủ Argentina trong ¾ bàn thua.

Brazil sẽ khác: Trong một trận đấu cụ thể, phong tỏa các cá nhân đơn lẻ như vậy là nghề của Dunga: Gặp Argentina 4 lần trong nhiệm kì 1, Dunga thắng 3, hòa 1, và Brazil của ông chỉ để thủng lưới 1 bàn.

Dự đoán: Brazil thắng 2-1

4 Khi làm HLV đội tuyển Brazil nhiệm kì 1, Dunga gặp Argentina 4 lần và bất bại. Tại Copa America 2007, Brazil thắng 3-0 rồi vô địch. Tại 2 trận vòng loại World Cup 2010, Brazil thắng 3-1 trên sân khách và hòa 0- 0 trên sân nhà. Đá giao hữu vào tháng 9/2006, Brazil thắng 3-0 trên sân Emirates.

42&36 Nếu xét về hiệu suất ghi bàn, kiến tạo trên tuyển, Neymar hơn đứt Messi. Đá 93 trận, Messi ghi 42 bàn, thực hiện 25 đường kiến tạo. Đá 56 trận, Neymar ghi 36 bàn, thực hiện 23 đường kiến tạo.

87 Ricardo Kaka đã khoác áo đội tuyển Brazil 87 trận. Anh ghi 29 bàn, thực hiện 14 đường kiến tạo. Ở các giải lớn, anh cùng Brazil vô địch 3 lần, 1 ở World Cup 2002 và 2 tại Confed Cup.


Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm