20/02/2015 14:24 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - (LTS): Va Li may mắn sống sót trong vụ sạt lở tuyết tồi tệ nhất trong 10 năm qua tại dãy Himalaya, Nepal làm khoảng 40 người chết, gần 400 người được giải cứu nhưng trong số đó rất nhiều người trở thành tàn phế.
Sau khi may mắn sống sót, thông qua facebook của mình, Va Li đã viết lên những trải nghiệm và hướng các bạn trẻ vào những suy nghĩ sống tích cực. Thời gian gần đây, Va Li có viết một lá thư cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về vấn đề dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam, và nhận được thư đáp từ Bộ trưởng. Sau đó, Va Li sáng lập và kêu gọi thành lập Volunteer’s House (Ngôi nhà dành cho các tình nguyện viên hoặc dân du lịch bụi có thể ở miễn phí và đổi lại bằng việc dạy tiếng Anh cho trẻ em).
Vừa quay trở về và sẽ đón tết tại TP.HCM, cô có bài viết chia sẻ với Thể thao & Văn hóa về những trải nghiệm quanh chuyến đi đáng nhớ của mình.
Quyết định dấn thân
Ngày tôi tuyên bố bỏ việc ở ngân hàng để sang Ấn Độ, tôi suy nghĩ rất nhiều.
Cũng lúc đó, có hai luồng ý kiến: Một thì tán dương tôi, bảo tôi là cô gái can đảm, và bỏ việc để đi du lịch là một quyết định sáng suốt. Một thì khuyên tôi đừng đi, Ấn Độ nguy hiểm lắm, và tôi không phải là Huyền Chíp. Nếu là bạn lúc đấy bạn sẽ nghĩ gì?
Hơn ai hết tôi ý thức rất rõ việc mình làm. Tôi hỏi mình có phải là cô gái can đảm không, có phải nghỉ việc là quyết định sáng suốt không? Chắc chắn là không. Vì nếu là quyết định sáng suốt, tại sao những người đồng nghiệp của tôi không bỏ việc mà đi như tôi. Xã hội luôn tặng cho bạn những cái “like” không mất tiền, họ ủng hộ bạn khi bạn làm một điều gì đó điên rồ mà người khác không làm được. Nhưng thử hình dung thế này, nếu tôi đi Ấn Độ và bị hiếp rồi chết thật, lúc đó họ có ca tụng tôi không? Chắc chắn là không rồi, và họ sẽ rỉ tai mà bảo nhau rằng: Đấy, sau này đừng có làm điều dại dột, bồng bột như con bé đó nghe chưa?!
Trở lại với chuyện bỏ việc để đi khám phá và học hỏi, bắt mình làm cái chuyện mà mình không thích. Tôi làm mọi thứ vì bản thân tôi, nên tôi không quan tâm đến lời thiên hạ nói. Tôi không đi vì sự ca tụng của đồng nghiệp, cũng không lùi bước vì lời cảnh báo nguy hiểm của một số bạn bè. Tôi cũng lường trước rằng, ngày tôi trở về, tôi rất nghèo, vì lúc đó đã hết sạch tiền rồi, thậm chí có thể bạn bè lúc đó chả ai thèm chơi với tôi nữa. Nhưng tôi tự trấn an mình, như thế cũng chẳng sao, tôi sẽ biết được ai là bạn thực sự.
Sau khi ở Ấn Độ, tôi muốn đến Nepal. Ban đầu tôi nghĩ sang Nepal làm tình nguyện viên, vừa được chơi với trẻ em, vừa hiểu văn hóa lại là điều bổ trợ rất tốt cho tôi nếu tôi có ý định đi du học. Đồng thời, Nepal là một đất nước nổi tiếng về môn leo núi. Rất nhiều khách du lịch đến đây chỉ để leo núi trong khi người Việt đến đây rất ít. Phần vì chi phí leo núi khá đắt đỏ. Nếu bạn thuê một trekking guide (người dẫn đường trong các chuyến đi bộ khám phá) và một porter (người mang vác), tổng cộng mỗi ngày bạn sẽ trả cho họ ít nhất 40 USD. Cứ thử tính chuyến leo núi của bạn dài 20 ngày, bạn trả cho họ hết 800 USD rồi.
Thế nên tôi có ý định sẽ lập những tour trekking (đi bộ khám phá) giá rẻ cho người Việt. Khi sang Nepal, tôi bắt đầu gặp những trekking guide ở đây và nói với họ về dự án của mình. Họ hào hứng, nhưng nghe đến chữ “giá rẻ” thì họ không thích. Một số thích thì cũng không tin tưởng lắm vì không biết tôi nói rồi có làm thật hay chỉ nói cho vui.
Bạn có tin không, trước lúc đi leo núi tôi đổi 200 USD nhưng lúc về tôi còn 100 USD vì chuyến đi của tôi kéo dài 10 ngày mà mỗi ngày tôi chỉ xài chưa tới 1.000 nr s (Nepal Rupee). Trong khi một nhóm bạn người Việt khác tôi gặp ở Kathmandu, họ cũng đi giống tôi nhưng mỗi người họ tốn tới 2.000 USD cho chi phí.
Tôi mong muốn chinh phục Annapurna chỉ là để chỉ cho người Việt cách đi giá rẻ. Thậm chí tôi còn bàn bạc với một chị phóng viên rằng, tôi đi về sẽ viết cho chị một bài báo về trekking cực hay.
Không ngờ, rất nhiều việc đã xảy ra trong chuyến đi này.
Tình người trong bão tuyết
Trong cơn bão tuyết, khi ở Tea House, núi Annapurna Himalaya, Nepal, cậu bạn porter cứ liên hồi ôm tôi. Tôi phần vì ngại bởi cậu chỉ mặc đúng cái quần xì cùng cái áo mỏng. Phần vì cơ thể rất mệt, chỗ ngồi lại hẹp mà cậu cứ ôm và tựa vào vai tôi khiến tôi mỏi nhừ. Đôi lúc để không cho cậu tựa, tôi phải ngồi bật dậy để đầu cậu tựa vào tường đá lạnh. Nhưng rồi thấy cậu run lên cầm cập tôi lại không kìm lòng được nên để cậu ôm tôi mà ngủ. Nhiều lúc mệt quá, tôi tựa đầu vào vai bà cụ bên cạnh. Nhưng bà thì già rồi, tôi không muốn vai bà cũng đau ê ẩm giống tôi. Nên tôi hỏi bà, liệu tôi tựa vào vai bà một chút có sao không. Bà bảo không sao đâu, vì bà cũng đang tựa vào vai ông chồng của bà…
Thực ra, đã có lúc tôi ghét một vài cô gái trong căn nhà vì họ chọn được chỗ ngồi ấm cúng và có chăn ấm nhưng cứ khóc trong khi tôi cùng một vài người bạn khác ngồi ở chỗ lạnh, thiếu chăn lại cứ phải trấn an họ. Nhưng nửa đêm, mọi người gọi nhau tỉnh dậy, các cô gái đó cũng gọi những người bên cạnh tỉnh dậy. Chúng tôi bảo nhau đừng ngủ quá nhiều, vì chúng tôi sợ ai đó ngủ rồi ngủ luôn không tỉnh dậy nữa. Lúc đó, mới thấy dù mỗi cá nhân có chút ích kỷ nhưng họ vẫn quan tâm nhau theo cách rất người.
Nhiều người trong chúng ta khao khát khám phá phía bên kia sườn đồi. Nhưng hoặc là họ không dám đi. Hoặc là đi rồi lại sợ thất vọng vì không có gì. Nhưng tôi muốn bảo họ, dù không có gì thì các bạn cũng nhất thiết phải đi. Vì có đi thì khi nhìn lại, bạn mới thấy quê hương mình đẹp.
Vài nét về Va Li Tên thật là Võ Thị Mỹ Linh Sinh ngày 25/04/1989 Các sách đã in chung: Bí mật sau cơn mưa (NXB Trẻ, 2012), Tỏa sáng theo cách của bạn (NXB Trẻ, 2012), Bên tôi là gia đình (NXB Trẻ, 2012), Tôi và tiền (NXB Trẻ, 2012), Tôi có thể (NXB Trẻ, 2012), Và tôi đã chọn (NXB Trẻ, 2012), Tôi và thần tượng (NXB Trẻ, 2012), Cái ôm ấm nhất thế giới (NXB Kim Đồng, 2011)... Sắp ra mắt: Tiểu thuyết đầu tay Bên kia sườn đồi (Phương Nam phát hành) |
VA LI
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi 2015
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất