Design phục trang - thiết kế quần áo bắt đầu thay đổi

24/10/2014 13:58 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong sự thay đổi của xã hội, thì cái dễ nhận ra đầu tiên chính là quần áo. Sài Gòn là mảnh đất có những thay đổi sớm nhất, rồi mới đến Hà Nội.

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trang phục của người Việt Nam bắt đầu biến đổi, ngay cả trang phục triều đình vốn được lưu giữ quy chế hàng trăm năm.

Từ thời vua Thành Thái đến vua Khải Định, các vua quan đã ăn mặc đơn giản hơn, kiểu áo tay thụng cổ truyền được sửa thành áo tay chẽn vừa với cổ tay thôi. Bình nhật thì vua cũng mặc áo dài the, vấn tóc củ hành ra đằng sau và đội khăn xếp. Khi thiết triều, đại lễ thì vua có triều phục riêng, nhất là vua Khải Định tự chế ra một loại triều phục riêng - ngài đội nón, áo dài lưng gối chẽn tay, quần ống nhỏ, đi giày như Tây và đeo mề đay, giống như một kiểu vua tân thời.


Nam Kỳ -  Cô gái Sài Gòn vấn khăn đan mới, mặc áo dài truyền thống, đi hài Gia Định. Ảnh: Ponjade de Ladeveze. Tư liệu ảnh Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Tư liệu NXB Thế giới

 Áo the, khăn xếp trở thành một loại quốc phục cho nam giới mặc vào ngày lễ Tết, lúc lên quan hay ra đình chùa. Ở những khoa thi cuối cùng đầu những năm 1910 - 1920, các vị đỗ đạt ngày vinh quy, gặp vua vẫn mặc đại trào lụng thụng.

Phong trào canh tân, kêu gọi đổi mới của các sĩ phu tiến bộ lúc đó, cắt tóc ngắn, mặc gọn gàng lối Âu phục, học chữ Quốc ngữ, ban đầu cũng không dễ được chấp nhận, dần thì được hưởng ứng trong toàn quốc.

Về mặt ăn mặc, sự thay đổi cũng khác nhau ở nhiều tầng lớp và sắc tộc. Người Hoa lúc đó có mặt ở Sài Gòn, nhiều người vẫn còn tóc đuôi sam kiểu Mãn Thanh, bởi cho đến năm 1911, sau Cách mạng Tân Hợi cái tóc đuôi sam ấy mới được hô hào vấn lên, hoặc quay lại lối tóc dài truyền thống của người Hán. Các sắc tộc thiểu số thì vẫn giữ lối trang phục cũ và tự may vá cho đến tận cuối thế kỷ 20. Những bức ảnh do người Pháp chụp đầu thế kỷ 20, xác nhận phục trang sắc tộc vẫn rất cổ xưa.


Người lính An Nam trong đơn vị pháo binh, đầu đội nón bằng, mặc áo cài khuy vải. Ảnh tư liệu Pháp đầu thế kỷ 20. Tư liệu NXB Thế giới

Nông dân Việt Nam trong suốt thế kỷ 19, và đầu 20 vẫn không thay đổi phục trang nhiều. Mùa Hè, đàn ông chỉ mặc bộ quần dài, áo cánh, đầu vấn khăn hay đội khăn đóng; khi có việc, lễ lạt thì mặc thêm áo dài tới quá đầu gối. Đàn bà thì mặc váy, hay quần rộng, yếm sồi, áo cánh bên ngoài; khi đi ra ngoài thì thêm cái áo tứ thân, hay ngũ thân, vấn hai vạt chéo nhau trước bụng, có quấn ruột tượng đựng bao tiền quanh bụng. Cả hai giới phần nhiều đi đất.

Khi đi làm đồng, đàn ông đóng thuần một cái khố, để mình trần hoàn toàn, còn đàn bà vấn váy lên cao và mặc mỗi cái yếm, tuy nhiên quấn khăn mỏ quạ che kín hầu hết mặt. Đàn ông đội nón tam giác, đàn bà đội nón thúng vành rộng có đấu tròn kê đúng khoang đầu và quai dài bằng lụa. Người quyền quý đi giày vải mềm, đàn bà nông thôn có thể đi guốc gỗ.

Ở thành phố, y phục bắt đầu thay đổi sâu sắc. Đám lính tẩy người Việt, tùy theo binh chức của mình mà ăn mặc có loại lính khố xanh và khố đỏ, phân biệt bởi dải khố mặc ngoài quần dài, đầu đội nón tam giác hay nón dấu nom như chiếc đĩa bằng trên đầu và vẫn mặc áo cài khuy vải truyền thống, quần chẽn ống quấn xà cạp, chân đi đất hay đi giày...


Bắc Kỳ - hai cô gái nông thôn đi chơi chợ Tết. Hai cô gái mang nón thúng, bận áo dài truyền thống, vấn khăn vành, đi guốc gỗ. Một loại trang phục nữ truyền thống Việt Nam đến thế kỷ 19. Ảnh: P.Dieulefils. Tư liệu ảnh Pháp đầu thế kỷ 20. Tư liệu NXB Thế giới

Nam thanh niên ở thành phố mặc quần soóc lửng, áo sơ-mi cộc tay, dài tay, nữ mặc quần rộng, áo dài. Cho đến những năm 1930 cái áo dài được cải tiến theo lối mới - áo dài tân thời mà chúng ta sẽ khảo cứu riêng. Xe đạp bắt đầu được du nhập, anh chàng mặc quần soóc, áo sơ-mi và đi xe đạp nom cũng bảnh trai và có thể đèo các cô bằng gióng trước cho tình tứ. Ở Trường Đồng Khánh các nữ sinh đã mặc váy đầm đi học, còn công chức bận complet trắng, đeo cà vạt và đội mũ phớt.

Người ta nhận thấy muốn giành độc lập thì phải tân tiến, đuổi kịp khoa học kỹ thuật của người phương Tây, chứ không thể bảo thủ với thói quen truyền thống. Sài Gòn là mảnh đất có những thay đổi sớm nhất trong thiết kế đời sống, nhà cửa, quần áo, xe cộ, trang trí và đồ đạc, rồi mới đến Hà Nội.

Lúc đó xứ Đông Dương được coi là đế quốc Đông Pháp. Để đáp ứng với nhu cầu sản xuất mới và khai thác thuộc địa nhất là tay nghề mỹ thuật thủ công, người Pháp đã cho lập Trường dạy nghề Biên Hòa vào năm 1903.


Sài Gòn - thợ cơ khí người Hoa trên tàu Chaloupes. Những người Hoa ở Việt Nam, lúc này vẫn để tóc đuôi sam kiểu Mãn Thanh. Ảnh: Ponjade de Ladeveze. Tư liệu ảnh người Pháp chụp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Tư liệu NXB Thế giới

Theo website của Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai: Khoảng năm 1913, Trường dạy nghề Biên Hòa đổi thành Trường Mỹ nghệ bản xứ Biên Hòa (Ecole d’Art indigene de Bienhoa) phù hợp với quyết định ngày 11/9/1913 của ông Tỉnh trưởng Krautheimer, được ông Thống đốc Nam Kỳ duyệt ngày 22/9/1913.  

Năm 1916, thời gian học tập sửa lại là 4 năm thay vì 3 năm và chia thành 4 lớp học. Hàng năm trường đều có sản phẩm trưng bày tại Hội Mỹ thuật Sài Gòn (Société des Beaux - Arts de Saigon), tham dự triển lãm tại Hà Nội và các nơi trong và ngoài nước. Dưới sự điều hành của ông Serre, năm 1922 tại Hà Nội, các sản phẩm xinh xinh bằng đồng, bằng gốm của phái tân học Biên Hòa đã được người Hà Nội khen hết lời. Năm 1921, ông Thống đốc Nam Kỳ phải ứng trước 600 đồng cho tỉnh Biên Hòa để mua những voi, cóc, rùa…. bằng đồng, các chậu hình ô van, lục giác, lan can… bằng gốm để đem đi triển lãm tại Hội chợ Marseille năm 1922. Qua các kỳ triển lãm, nhà trường nhận được nhiều hợp đồng đem về để giải quyết công ăn việc làm cho số học sinh tốt nghiệp”.

Năm 1925 thì Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập do họa sĩ Victor Tardieu làm hiệu trưởng. Cho đến thời điểm đó, về căn bản Việt Nam chưa có họa sĩ làm design chuyên nghiệp, nhưng các họa sĩ và nghệ nhân từ hai trường trên đã tham gia làm nhiều thiết kế cho một đời sống xã hội mới.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm