22/02/2011 06:30 GMT+7 | Champions League
(TT&VH Cuối tuần)- Có một câu nói đã quá quen thuộc với làng túc cầu: “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. Nhưng nếu bàn về Premier League ở Champions League, thực lòng khó ai trả lời được họ đang ở khái niệm phong độ hay đẳng cấp?
Đã có thời, bóng đá Anh làm mưa làm gió sân cỏ châu Âu. Hãy nhìn lại giai đoạn cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Liverpool đăng quang Cup C1 tới 4 lần trong 7 năm (1977, 1978, 1981, 1984). Xen kẽ đó là cú đúp ngoạn mục của Nottingham Forrest (1979, 1980) và một lần lên đỉnh của Aston Villa (1982). Nhưng sự hào hùng này đứt đoạn nặng nề với hậu quả của tấn bi kịch Heysel năm 1985 là các đội bóng xứ sương mù bị cấm thi đấu châu Âu tới 5 năm.
Sau khi Cup C1 đổi tên thành Champions League kể từ mùa giải 1992-1993, bóng đá Anh đã có một chuỗi thăng hoa mới từ năm 2005 đến 2009 với sự hiện diện thường xuyên tại các trận chung kết mà trong những ngày tháng hồng này, Liverpool cùng M.U đều có thêm một lần đăng quang (2004 và 2008). Đỉnh điểm phải kể đến mùa 2007-2008 khi chung kết Champions League là câu chuyện nội bộ của người Anh giữa M.U và Chelsea.
Premier League ngự trị châu Âu. Phần còn lại đã phải thừa nhận như thế. Tuy nhiên, mùa giải năm ngoái lại là cơn ác mộng thực sự. Liverpool rời cuộc chơi từ vòng bảng. Chelsea ngậm ngùi chia tay từ vòng 1/8 còn M.U và Arsenal cũng chỉ lê bước được đến tứ kết. Phải chăng, đó là cột mốc đánh dấu sự lụi tàn của đế chế Anh trên thảm cỏ xanh lục địa?
Phân tích thất bại buồn còn chưa xa đó có thể thấy cái chết non của Liverpool là sự khởi đầu tất yếu cho cuộc khủng hoảng tồi tệ vừa qua của tên tuổi lừng danh này. Chelsea thua trước Inter Milan của chính người cũ Jose Mourinho và sau đó đại diện Serie A này đăng quang nên có thể nói, thất bại của The Blues không đến nỗi khó nuốt lắm. Arsenal gục ngã bởi một Barcelona siêu đẳng trong một ngày Lionel Messi bừng sáng chói lòa. M.U uất hận trước Hùm Xám theo kịch bản khó tưởng tượng, như một sự công bằng dành cho Bayern Munich sau bi kịch chung kết năm 1999.
Xét cho cùng, cửa sáng nhất để Premier League góp mặt ở bán kết năm ngoái chỉ là M.U nếu họ không bị số phận trừng phạt như vậy. Chỉ có điều, trong bóng đá không bao giờ tồn tại chữ “nếu”. Người ta có thể tìm ra hàng trăm nghìn lý do đổ lỗi sau một thất bại, nhưng tất cả đều không có ý nghĩa gì ngoài chuyện bao biện. Rõ ràng một điều, Champions League 2009-2010 là cuộc chơi kém cỏi của Premier League.
Không khó nhận ra nguyên nhân. Sự thành công của Premier League được xây dựng dựa trên một nền tảng hào nhoáng và thực dụng. Với cách đánh bóng của mình, giải đấu này đã nhanh chóng vươn lên trong hơn 16 năm qua, biến thành thiên đường cho “sao” ngoại, HLV ngoại nhờ các hợp đồng hậu hĩnh. Nhưng rồi những đầu tư quay cuồng đó cũng đến lúc phải chững lại. Và tất yếu kéo theo sự sa sút phong độ của các “đại gia” trên sân cỏ.
Đó là chưa kể, đấu trường châu Âu luôn thừa sự khốc liệt. Lời nguyền chưa đội bóng nào bảo vệ thành công ngôi báu này (kể từ khi giải mang tên Champions League) là một minh chứng. Ngay cả Barcelona vài năm gần đây được thừa nhận là đội bóng chơi thuyết phục nhất thế giới cũng ngậm ngùi thất bại năm ngoái trước Inter Milan đầy khoa học, chặt chẽ của Mourinho. Việc Premier League nhất loạt gục ngã ở Champions League 2009-10 cũng có thể coi là “tai nạn”. Nhưng nếu thêm một thất bại chung ở năm nay, câu chuyện sẽ lại khác…
Niềm tin nào cho hiện tại?
Champions League mùa này đã chứng kiến cả 4 đại diện của Premier League đều góp mặt ở vòng knock-out đầu tiên. Tuy nhiên, thực tế thì giai đoạn vòng bảng chỉ mang tính chất thuần túy là “làm nóng” mà thôi nên kết quả trên cũng nói lên điều gì.
Tất cả, giờ mới bắt đầu. Cơ hội nào cho luồng gió mới Tottenham non nớt kinh nghiệm vượt qua được một AC Milan lão luyện, đang là số 1 ở Serie A? Hy vọng nào cho Arsenal khi lại phải tái ngộ với một Barcelona ngày càng biến tiqui-taqua thành một thứ “võ công tối thượng” của bóng đá hiện đại? Những người thực tế đang cho rằng khả năng tiến sâu của Premier League tại Champions League năm nay chỉ có thể đặt vào M.U và Chelsea.
Với những đối thủ trước mặt là Marseille và Copenhagen, cộng thêm lợi thế đá lượt về trên sân nhà, sẽ rất sốc nếu M.U cùng Chelsea không góp mặt tại tứ kết. Nhưng còn sau đó thì sao? Không kể lịch bốc thăm còn là ẩn số, thực chất của hai “đại gia” này cũng là một vấn đề.
M.U đang thống trị Premier League, mới thua duy nhất vẻn vẹn một lần từ đầu mùa giải. Nếu chỉ xét trên bề ngoài đó, họ tưởng như đang mạnh hơn hẳn so với năm ngoái. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Màu Đỏ năm nay có quá ít lần rực rỡ. Nó không nhàn nhạt, nhưng cũng chẳng đậm đà. Người ta chẳng ngạc nhiên khi M.U có những chiến thắng ngoạn mục như trước Man. City vừa qua, song cũng chẳng ngã ngửa khi họ thua một đội như... Wolves!
Không có những tăng cường đặc biệt, hy vọng của M.U ở Champions League sẽ phải đặt nhiều vào độ vững chắc nơi hàng phòng ngự và khả năng bùng nổ của Wayne Rooney trên hàng công (điều may mắn là đang diễn ra). Xét về kinh nghiệm ở đấu trường này, Quỷ đỏ không thiếu. Nhưng cái họ thiếu là sức lực. Với cuộc chiến Premier League vẫn đang rất khốc liệt và một đội hình không phải là lý tương (nhất là tuyến tiền vệ), thêm một vài chấn thương xảy ra ở các trụ cột sẽ là cơn ác mộng cho M.U.
Trong khi đó, Chelsea coi như đã thành cựu vương ở Premier League, thậm chí với họ lúc này vấn đề còn là giữ chỗ trong top 4. Có lẽ điều duy nhất còn giúp Carlo Ancelotti ở lại Stamford Bridge là giấc mơ chinh phục châu Âu của Roman Abramovich. HLV người Italia đang được trao thêm một cơ hội nữa, sau lần đầu bất thành năm ngoái. Dường như Abramovich vẫn còn phần nào niềm tin vào kinh nghiệm của Ancelotti ở Champions League.
Không chỉ có thế, động thái một lần nữa dốc túi mua sắm rầm rộ trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông qua chứng minh Chelsea quyết vớt vát mùa giải bằng canh bạc hướng tới vinh quang cao nhất. Không còn cơ hội đuổi kịp M.U, những hợp đồng “bom tấn” là Fernando Torres và David Luiz có nhiệm vụ ngay tức thì là góp sức biến tham vọng Champions League thành hiện thực
Còn quá sớm để nhận định rằng viễn cảnh nào đang chờ màu Đỏ lẫn màu Xanh ở Champions League. Nhưng có một điều chắc chắn, nếu họ cũng như Arsenal, Tottenham phải dừng bước sớm, đó sẽ là sự khẳng định đầy thuyết phục rằng giai đoạn thăng hoa của bóng đá Anh trên sân cỏ châu lục đã thực sự kết thúc. Một kết thúc sẽ đầy đau đớn nếu trong năm mà trận chiến cuối cùng được diễn ra ở Wemley mà không có đại diện xứ sương mù nào góp mặt.
Để vượt qua viễn cảnh tồi tệ đó, Premier League còn cả một chặng đường dài phía trước. Tiếng súng khai cuộc đã vang lên với vòng knock-out giữa tuần này. Đường đến Wembley đang chờ bước chân của những “chủ nhà”. Trong 5 lần Wembley đăng cai trận chung kết Cup C1 trước đây, đã có 2 lần chứng kiến sự hiện diện của “hàng nội” và họ đều giành vinh quang (M.U năm 1968 và Liverpool năm 1978). Người Anh đang mong thêm một lần nữa, và đẳng cấp sẽ được chứng minh không phải là nhất thời…
Trung Sơn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất