Lễ hội ruộng bậc thang: Cần thay đổi để đón khách du lịch

30/09/2014 21:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù không phải năm chẵn nhưng Lễ hội ruộng bậc thang Mù Căng Chải 2014 đã hút một lượng lớn khách du lịch đến với vùng đất này. Vào lúc cao điểm cuối tuần (28-29/9), toàn bộ khách sạn, nhà nghỉ, nhà dân đều kín khách. Nhiều người đã phải cắm trại ngủ qua đêm.

Năm nay, Lễ hội ruộng bậc thang Mù Căng Chải chỉ được tổ chức ở cấp huyện với các hoạt động văn hóa như giã bánh dày, giao lưu văn nghệ, phiên chợ vùng cao và bay dù lượn. Nhưng sự kiện dù lượn được tổ chức ở đèo Khau Phạ đúng vào cuối tuần, đồng thời vào thời điểm lúa chín rộ nhất đã hút hàng ngàn lượt người đổ về đây.


Lìm Mông vào mùa lúa chín

Anh Trọng Nghĩa cùng bạn gái lên Mù Căng Chải từ thứ 6 ngày 26/9 cho biết: "Chúng tôi đặt được phòng duy nhất ngày thứ 6 vì thứ 7, Chủ Nhật đã bị đặt trước hết. Vì vậy chúng tôi phải di chuyển sâu về huyện. Nhưng dọc đường nhà nghỉ nào cũng hết chỗ. Cuối cùng chúng tôi phải quay lại Tú Lệ ở".

Biết trước tình hình quá tải, anh Ân cùng nhóm phượt lên từ Hà Nội chuẩn bị sẵn lều và cắm trại tại khu vực bản Lìm Mông. Anh cho biết đây là cách cơ động nhất mà các nhóm phượt, du lịch vẫn làm khi đi chơi vào dịp cao điểm.

Không có được sự may mắn như Nghĩa và Ân, nhiều người phải nằm tạm tại nhà ăn, phòng khách của các nhà nghỉ, khách sạn, thậm chí quay về thành phố Yên Bái để ngủ.


Dù lượn bay trên mùa vàng đã hút một lượng lớn khách du lịch đến với Mù Căng Chải

Thực tế Mù Căng Chải năm nào cũng gặp tình trạng này vào dịp lễ hội hoặc các mùa du lịch chính. Do cơ sở hạ tầng còn yếu nên khách du lịch thường xuyên không có phòng, nhất là khi không đặt trước. Giải pháp mà dân du lịch kỳ cựu đưa ra chính là vào các bản xin ngủ nhờ. Anh Mạnh Quang, du khách từ Hà Nội cho biết, anh đã vào bản Lìm Mông xin ngủ nhờ, vừa không mất tiền, vừa được mời uống rượu.

Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch huyện Mù Căn Chải cho biết, du khách thường đến Mù Căng Chải vào 3 thời điểm chính. Đầu tiên là mùa hoa táo mèo vào khoảng tháng 3. Lúc này những triền núi có cây táo mèo trắng muốt rất đẹp. Vào khoảng cuối tháng 4, sang tháng 5 là mùa nước đổ. Lúc này các thửa ruộng bậc thang ngập nước, long lanh, hấp dẫn vô cùng. Và cuối cùng là vào thời điểm mùa lúa chín vào cuối tháng 9, sang tháng 10, khi các thung lũng ngả vàng, thơm ngát mùi lúa nếp. Tất cả các thời điểm này đều quá tải khách du lịch.


Khung cảnh thanh bình ở bản Lìm Mông

Mùa du lịch năm nay, mặc dù đã có dự đoán trước tình trạng quá tải nhưng con số 1000 lượt khách du lịch mà lãnh đạo huyện Mù Căng Chải đưa ra trở nên quá nhỏ bé. Lượng khách lưu trú lớn, cộng với lượng khách ghé qua khá đông đã khiến các điểm đến không thể đáp ứng được. Phía UBND huyện mặc dù đã cam kết đảm bảo an ninh, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh lưu trú không tăng giá nhưng vẫn không thể xử lý hết. Có nhà nghỉ tăng giá gấp 2-3 lần, lên đến 800.000 đồng/đêm. Một số điểm trên khu vực đèo do có lễ hội cũng đã tắc đường vì không được điều phối kịp thời.

Phía UBND huyện Mù Căng Chải cho rằng, huyện còn nhiều điểm yếu trong du lịch như hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú nhỏ, lẻ, bình dân, chưa đáp ứng về tiện nghi, phục vụ thiếu chuyên nghiệp. Sản phẩm nông, lâm nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu dẫn tới khó giữ uy tín với du khách. Hoạt động xúc tiến, quảng bá chưa hiệu quả do kinh phí hạn hẹp, các tour du lịch chủ yếu dựa vào tuyến 8 tỉnh Tây Bắc.

Những điểm yếu trên sẽ sớm được khắc phục nhằm phục vụ cho lễ hội năm chẵn 2015. Tuy nhiên, để làm được điều đó, huyện mong nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp du lịch nói chung và chính các vị khách du lịch nói riêng. Cụ thể trong việc hỗ trợ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng du lịch danh thắng ruộng bậc thang, du lịch cộng đồng; khai thác thêm các tiềm năng du lịch hang động, rừng sinh thái ở Púng Luông, Nậm Khát, khu bảo tồn sinh cảnh ở Chế Tạo, du lịch văn hóa Cao Phạ hay du lịch cụm thủy điện Khao Mang, Hồ Bốn…

C.M.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm