Lần đầu trình diễn trang phục 54 dân tộc

26/11/2010 11:05 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Chương trình Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc VN toàn quốc lần thứ I, với quy mô cấp địa phương (trong tháng 12/2010) và quốc gia dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2/1011 tại Hà Nội. Đêm trình diễn cấp quốc gia sẽ có khoảng 300 thí sinh nam, nữ của đủ 54 dân tộc anh em!

Đây là đề án do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ VH,TT&DL, UBND TP Hà Nội, Bộ TT-TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc VN... tổ chức đang được trình Chính phủ phê duyệt.

Cuộc tổng kiểm kê các loại trang phục Việt Nam!

Theo ông Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Trưởng BTC cuộc thi, đây là sự kiện văn hóa nhằm khơi dậy sức sống nội tại và chiều sâu văn hóa của mỗi dân tộc, vốn đang có nguy cơ mai một. Vì hiện nay, nhiều trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đã không còn, thậm chí nhiều đồng bào có tâm lý “ngại” mặc trang phục dân tộc mình. Qua cuộc trình diễn này, chúng ta có thể tổng kiêm kê xem trên đất nước VN có bao nhiêu loại trang phục của 54 dân tộc. Có những dân tộc có đến hơn 10 loại trang phục thì cần tìm ra đâu là trang phục đặc sắc để bảo tồn, lưu giữ nguyên bản. Ngoài ra, cũng cần cách tân cho phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Cũng theo ông Lương, đây không phải là một cuộc thi mà là cuộc... trình diễn trang phục. Tất các các đoàn tham dự đều được tặng cờ lưu niệm của BTC. Tuy nhiên, BTC vẫn có tặng thưởng cho các trang phục ấn tượng của 54 dân tộc; tặng thưởng các giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích... cho những thí sinh trình diễn trang phục xuất sắc và ứng xử tốt. BTC không trao phần thưởng cho trang phục, vì văn hóa là bình đẳng, không thể so sánh trang phục dân tộc này đẹp hơn dân tộc kia. Ở đây, trang phục của các dân tộc đều được đánh giá như nhau.


Thiếu nữ Dao đỏ trong trang phục dân tộc

Hơn nữa, đây là cuộc trình diễn trang phục truyền thống, cho nên, thí sinh không được mặc trang phục cách tân, lai tạp mà phải mặc trang phục gốc. Người dân tộc nào phải mặc đúng trang phục dân tộc ấy! Nếu một dân tộc có nhiều nhóm, nhiều trang phục khác nhau thì phải trình diễn đầy đủ các loại trang phục. BTC không hạn chế số loại trang phục của mỗi tộc người, mà mời trình diễn hết để công chúng biết về những loại trang phục gốc đó.

Về thành phần tham gia trình diễn trang phục bao gồm cả nam và nữ là đại diện các dân tộc trong phạm vi toàn quốc. Số người tham gia trình diễn được phân bổ số lượng, cơ cấu thành phần dân tộc và theo phân bổ vùng miền ở các địa phương. Những dân tộc nào còn bảo tồn được trang phục cả nam và nữ thì được ưu tiên chọn cả nam và nữ tham gia tình diễn. Còn các dân tộc, trang phục nam gốc không còn gì độc đáo thì chỉ lựa chọn trang phục nữ.

Sẽ lập hội đồng thẩm định trang phục gốc!

Dự kiến, số lượng thí sinh từ các địa phương về Hà Nội tham gia trình diễn khoảng 300 nam, nữ, đại diện cho 54 dân tộc anh em (BTC có bảng phân bổ thành phần dân tộc các địa phương kèm theo). Các thí sinh trình diễn trang phục của dân tộc mình (trang phục sinh hoạt, đám cưới, lễ hội truyền thống), đi kèm đồ trang sức (như vòng cổ, vòng chân, tay, hoa tai...) theo đúng truyền thống, không được cách tân, lai tạp. Ngoài khả năng trình diễn, các thí sinh phải thể hiện được khả năng ứng xử cũng như sự hiểu biết về văn hóa dân tộc mình một cách sâu sắc.

BTC sẽ lập hội đồng thẩm định bao gồm các chuyên gia ở Bảo tàng Dân tộc học VN, Viện Dân tộc học... để kiểm tra toàn bộ các trang phục gốc trước khi trình diễn ở cấp quốc gia.

Tại cuộc họp lấy ý kiến các bộ ngành chiều 24/11, đa số các đại biểu đều nhất trí với đề án trên. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đây không phải là cuộc thi nhưng cũng cần trao nhiều giải thưởng để động viên khích lệ những người tham gia, đồng thời là cơ hội để tôn vinh vẻ đẹp dân tộc. Việc xét tặng giải thưởng cần chính xác, hài hòa, bảo đảm đánh giá đúng giá trị văn hóa, thể hiện sự tôn trọng, bình đẳng giữa các dân tộc. Ý kiến khác lại cho rằng, không nên có phần thi ứng xử, nếu có chỉ hỏi về trang phục.

Hoài Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm