23/08/2012 10:17 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Câu nói này nếu phát ra từ miệng một bạn trẻ 9x thì người lớn chắc sẽ cười nhạo, nhưng nếu người nói là một ông lão 74 tuổi nổi danh mấy chục năm trong nghề nuôi chó mèo tại Hà Nội, thì đáng phải suy ngẫm.
Ngồi ở cà phê Nhân (Hà Nội) vào một ngày mưa như vỡ đập, ông Nguyễn Bảo Sinh, nhà thơ dân gian kiêm chủ khách sạn chó mèo, nói: “Mong muốn của tôi là nước ta ra luật cấm ăn thịt chó mèo. Vấn đề chỉ là thời gian. Tôi chỉ sợ mình không sống được đến lúc đó”.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ngồi cạnh ông ngoảnh mặt sang hướng khác, nhếch mép cười: “Ông cứ mơ những chuyện đâu đâu”.
Nhưng, trong lĩnh vực này, ông Thiệp có vẻ không hiểu bạn mình. Ông Sinh đang hoàn toàn nghiêm túc. Chính ông đang cố gắng biến mong muốn đó thành hiện thực. Và ông tin là mình không đơn độc.
Ông hào hứng: “Những người cùng đấu tranh với tôi là bọn trẻ 9x và 10x. Họ là tương lai của đất nước này. Còn những người phản đối và lên án hầu hết là 7x, 6x hoặc già hơn, nhưng tương lai không thuộc về họ”.
Ông Bảo Sinh nói chuyện về lòng yêu chó mèo với khách tham dự trong lễ cầu siêu hôm 18/8
Mưa bão “tránh đường” cho lễ cầu siêu chó mèo
Lễ cầu siêu chó mèo do ông Sinh tổ chức mới đây tại nhà riêng kiêm khách sạnchó mèo của ông ở Trương Định, Hà Nội là một trong những cố gắng đấu tranhcủa ông. Trong suốt mấy ngày, Hà Nội mưa to gió lớn. Đến trước 5h chiều ngày 18/8, thời điểm diễn ra lễ cầu siêu, mưa tạnh ráo. Lễ cầu siêu diễn ra trôi chảy, đến tận khuya trời mới mưa trở lại.
Giải thích về lễ cầu siêu không ít người cho là kỳ quặc này, ông Sinh nói: “Người phương Tây theo đạo Thiên Chúa cho rằng Chúa trời sinh ra muôn loài. Còn người phương Đông cho rằng vạn vật đều có thể thành Phật. Một con khỉ bị nhốt ở núi đá như Tôn Ngộ Không cũng thành Phật. Người phương Đông quan niệm có luân hồi, con chó có thể biến thành người hoặc thành Phật”.
"Khi người phương Đông yêu chó mèo, người ta mong chó mèo được sống tốt đẹp trong cả những kiếp sau nữa, thế nên mới cầu siêu. Người phương Tây chỉ yêu con chó con mèo trong một kiếp mà thôi. Theo tôi, tình yêu của người phương Đông sâu sắc gấp ngàn lần so với người phương Tây”.“Nhưng nói như vậy không phải để chê bai bên nào, tôi luôn nghĩ sẽ tốt nhất khi ta kết hợp các quan niệm Đông - Tây. Hai bên đều nên học tập cách yêu của nhau. Và khi biết yêu con chó con mèo, tôi tin người ta sẽ trở nên nhân ái”.
Chùa Tề đồng vật ngã và mộ của chó Ami, tổ của ngành nuôi chó mèo cảnh ở Việt Nam, theo lời ông Sinh
“Người và vật bình đẳng”
Quan điểm của ông Sinh bị nhiều người phản đối, thậm chí có người tìm đến tận nơi gây sự. Lý do đơn giản nhất: “Không hiểu sao ông ta lại chăm lo cho chó mèo xa xỉ như vậy trong khi đồng loại của ông ta - con người - còn không có mà ăn?”.
Về vấn đề này, ông Sinh nói: “Nếu như có lúc tôi lo sợ hoặc xấu hổ trước những câu hỏi như thế thì đó là 10 năm trước, còn bây giờ thì không”.
Thực ra, cả tư tưởng phương Đông lẫn phương Tây đều đã nói về sự bình đẳng giữa con người và con vật như các loài động vật chung sống trên hành tinh. Con người luôn tìm cách buộc các loài động vật khác phục vụ cho lợi ích của mình nhưng nói cho cùng con người không sống nổi một mình trên hành tinh này, thế nên đối xử tệ với loài vật là không thể chấp nhận được.
Một bà mẹ khóc sụt sùi khi cùng các con đến thắp hương cho mộ thú cưng trong ngày cầu siêu
“Sẽ chẳng bao giờ tàn bạo với con người”
Ông Sinh nói, muốn tìm người đẹp, cứ đến thăm Nghĩa trang chó mèo của ông, “người đẹp” ở đây là khách hàng đến mua hoặc chữa bệnh, chôn cất chó mèo. Có rất nhiều cô gái 9x, cô bé 10x, nhiều chàng trai trẻ. Có gia đình, cả mẹ lẫn 3 đứa con đều yêu chó, coi con chó cưng như đứa em út trong nhà. Với những người yêu chó mèo, ông Sinh có một niềm tin ngây thơ, rằng họ có một tâm hồn đẹp.
“Hiện nay trong xã hội người ta chỉ giáo dục trẻ con yêu thương con người. Tôi khuyên các bậc cha mẹ hãy dạy cho con mình lòng yêu thương loài vật. Nếu đã yêu loài vật, đứa trẻ sẽ chẳng bao giờ tàn bạo với con người”, ông nói.
Nhưng ông thừa nhận cũng có những trường hợp “mê man” với chó mèo đến nỗi bỏ bê gia đình, mẹ không chăm sóc con, con bất hiếu với bố. Ông bảo: “Thứ gì cũng có chỗ thái quá và cực đoan. Không có gì là tuyệt đối tốt. Mặt tiêu cực chắc chắn phải có. Nhưng nếu chỉ nhìn mặt tiêu cực để đánh giá thì hoàn toàn sai lầm. Người ta phải tìm hiểu xác suất tiêu cực so với tích cực là bao nhiêu. Từ đó sẽ có đánh giá đúng”.
“Tình thương là thứ đang rất thiếu vắng trong xã hội. Tôi chỉ muốn làm cho nó nhiều lên” - ông Sinh nói.
Mi Ly
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất