Vốn yêu chó, gia đình chị Dung ở An Giang nuôi rất nhiều chú khuyển cảnh, Hàng ngày chăm sóc, ôm ấp, bồng bế chúng, không ngờ chị Dung phát bệnh phù não vì nhiễm một loại giun đũa từ cún.
Thấy bụng to dần, ăn uống kém, chị Dung đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị bị phù não do Toxocara canis - một loại giun đũa chó.
Chị Dung cho biết gia đình có nuôi nhiều chó và chị thường xuyên ôm ấp bồng bế chúng. Theo các bác sĩ, đây chính là nguyên nhân khiến chị nhiễm giun.Một trường hợp khác là cháu Nguyễn Thị Huyền, 7 tuổi, nhập viện nhi tỉnh Đồng Nai trong tình trạng động kinh, đầu bị nhức buốt kéo dài. Kết quả xét nghiệm tại khoa nội thần kinh sau đó cho thấy, bệnh nhi cũng bị nhiễm giun chó Toxocara canis.Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, mỗi năm có hàng chục ca nhiễm giun chó được chuyển từ các tỉnh lên sau khi được chẩn đoán nhầm nguyên nhân bệnh, dẫn đến chữa trị không có kết quả. Hầu hết bệnh nhân đều có những biểu hiện như: đau đầu, động kinh, cử động bất thường, rối loạn hành vi, yếu liệt.Theo bác sĩ Trần Kim Ngọc, khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó Toxocara canis là rất cao do điều kiện môi trường thuận lợi cho sự phát triển các loại ký sinh trùng và thói quen nuôi chó phổ biến của người dân.Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân có biểu hiện thần kinh được nhập vào Khoa Nội thần kinh có tỷ lệ bị nhiễm Toxocara canis cao nhất so với các loại ký sinh trùng khác. 32,5% người nhiễm có triệu chứng lâm sàng là động kinh, 10% là viêm màng não…Người bị nhiễm thường là trẻ em chơi đất, chơi với chó, người lớn làm những nghề gần gũi các chú khuyển hoặc ý thức vệ sinh kém, ăn rau sống…Tiến sĩ Trần Thị Hồng, giảng viên trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, TP HCM, cho biết, trứng của loài giun sán này nằm ở miệng, mũi, mắt, hậu môn.. của chó mèo. Khi người tiếp xúc với chúng, ấu trùng này sẽ nhiễm vào cơ thể, theo đường máu đến gan, phổi và những cơ quan khác. Khi đó ấu trùng có thể tồn tại hàng tháng hoặc nằm im thành những vật lạ gây viêm và kích thích tạo u hạt. Chính vì thế, những ca nhiễm bệnh thường có lượng bạch cầu tăng cao."Tuy nhiên do có nhiều biểu hiện khác nhau nên việc chẩn đoán bệnh gặp nhiều khó khăn và rất dễ nhầm với bệnh khác", tiến sĩ Hồng nói.Để phòng bệnh, tiến sĩ Trần Thị Hồng khuyên cả người lớn và trẻ em không nên quá thân thiện với chó mèo. Phải vệ sinh cá nhân cho trẻ, rửa tay trước khi ăn. Trái cây, rau sống cũng cần rửa thật kỹ. Không nên ăn sống hay tái các món lòng heo, gà, thỏ, cừu... Nên xổ giun định kỳ cho chó mèo.
Theo VnExpress