24/08/2008 08:42 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - 29/8/1988- 29/8/2008. Dấu gạch nối giữa 2 con số này không đơn thuần là khoảng thời gian 20 năm. Với người thân và bè bạn của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, đó là một chuỗi ngày dằng dặc để vượt qua nỗi đau - khi cặp vợ chồng tài hoa bạc mệnh ấy không còn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng, chắc chắn có một điều sẽ không thể thay đổi và ngày càng dày mãi cùng thời gian. Đó là ký ức của họ về Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, trong lần gặp mặt cuối cùng.
Theo lời nhà văn Hà Đình Cẩn, người nán lại cuối cùng tại nghĩa trang Văn Điển sau lễ mai táng gia đình Lưu Quang Vũ là một ông già. Ông đứng đó, giữa ba nấm mồ phủ vong hoa tang, dáng gầy khô, đôi mắt trũng sâu, bàng hoàng và thăm thẳm buồn. Nhiều người thấy ông đã đến viếng hương hồn gia đình nghệ tài năng này tại 51 Trần Hưng Đạo từ sáng sớm 31/8/1988 với bó nhang trên tay. Rồi ông lẫn giữa mọi người, cả ngày lầm lì rồi lầm lũi xuống nghĩa trang, đứng kia, hai tay vái lên trời, xin được tạ tội.
Ông già đó là bố của người lái xe chở than đã gây ra tai họa vào chiều 29/8/1988.
Chừng nửa tiếng sau tai nạn, Lưu Quang Vũ qua đời tại bệnh viện Hải Dương. Câu hỏi cuối cùng của anh: Mí (Lưu Quỳnh Thơ) có sao không? Rồi thiếp đi vĩnh viễn. Nhà viết kịch tài năng ấy mãi mãi không biết rằng trái tim của nhà thơ Xuân Quỳnh và cháu Mí đã ngừng đập từ trước đó. Họa sĩ Doãn Châu, khi kể lại câu chuyện ấy, vẫn ngậm ngùi: Hình như số phận đã sẵn lòng ghen ghét, đố kỵ với tài hoa nên cả 6 người cùng ngồi trên một xe, cùng một khoảnh khắc nghiệt ngã. Vậy mà Vũ, Quỳnh, cháu Mí thì đã vĩnh viễn bị cướp đi…
Tin dữ đến với những người thân
Vũ ngừng lại, cố nén sự xúc động vào lòng. Rồi anh kể: Tôi loáng thoáng hiểu rằng có chuyện chẳng lành, nên co cẳng chạy thật nhanh về nhà. Dọc đường về, rất nhiều người quay sang nhìn tôi. Thoảng bên tai là những lời gọi: "Về mau Minh Vũ ơi"; "Con trai ông Vũ đấy, nó về đây rồi".
Tới nhà thì biết tin. Từ phút ấy, tôi sa vào một cơn mê khủng khiếp. Mụ mị, đờ đẫn, gần như không còn ý thức được nhiều về những gì đang xảy ra xung quanh. Tôi nằng nặc đòi lên xe cùng về Hải Dương. Mọi người giữ lại. Được một lát, người của cơ quan bố qua nhà, bảo tôi tìm quần áo để thay cho bố, má và em. Bà nội tôi khi ấy đang ở trong Sài Gòn. Người nhà giấu, chỉ dám báo tin rằng má Quỳnh bị ốm, bà phải ra sớm. Qua điện thoại, bà bảo cho gặp thằng Vũ, thằng Mí một chút. Ở nhà phải nói là 2 bố con chăm mẹ mệt, đi nghỉ rồi. Sợ bà không chịu đựng nổi, gia đình phải nhờ người khéo giữ bà lại, để khi đáp máy bay ra thì đám tang đã xong rồi...
Giới sân khấu bàng hoàng
16h 15, tin dữ từ Hải Dương bay về 51 Trần Hưng Đạo, trụ sở của Hội Nghệ sĩ sân khấu - nơi Lưu Quang Vũ làm việc. Tất cả lặng đi. Họ lập tức đổ về Hải Dương. Thi hài của cả gia đình Lưu Quang Vũ được đưa vào bệnh viện Việt Đức rồi vào Việt Xô. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Đình Quang, các nhà văn Xuân Trình, Ngô Thảo trực tiếp nâng giấc cặp vợ chồng tài hoa yểu mệnh vào bệnh viện hữu nghị Viêt Xô.
Nhớ lại ngày ấy, NSND Phạm Thị Thành kể: "Tôi chỉ biết tin Vũ và Châu bị tai nạn, chứ không rõ gì hơn. Chạy vội tới nhà Châu, anh em đã ở đấy cả rồi. Biết tin Vũ mất, tôi ngất đi. Tỉnh lại, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đưa tôi vào Việt Đức. Gặp Vũ nằm trên băng ca, tôi lại xỉu đi lần nữa. Xung quanh, anh em trong giới đều nước mắt ròng ròng. Bây giờ, trong đầu tôi vẫn mơ hồ tiếng gào của nghệ sĩ Đoàn Dũng khi ấy. Anh úp mặt vào tường, khóc nấc lên như trẻ con..."
Những thành viên của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nơi Lưu Quang Vũ làm việc, kể rằng: đêm 29/8 ấy là đêm ngơ ngác của bạn bè giới sân khấu văn học và nhiều khán giả, độc giả ở Hà Nội. Số nhà 51 Trần Hưng Đạo, trụ sở của Hội, như thức trắng. Bao nhiêu người lặng lẽ đến rồi lặng lẽ đi mang trong lòng nỗi mất mát không gì có thể bù đắp. Rồi, trong ngày hôm ấy, từ khi tai nạn xảy, nỗi đau xót đã truyền từ tỉnh này qua tỉnh khác, từ phố nọ đến phố kia. Trong công sở, trường học, ngoài bến tàu, rạp hát, mọi người nhắc tới sự kiện này như một mất mát quá lớn.
Tại thị xã Hải Dương, ngay khi Lưu Quang Vũ được đưa vào bệnh viện, người dân quanh đó đã kéo tới chật cứng để thăm tin. Họ hiểu rằng các bác sĩ trong bệnh viện không chỉ cứu một con người mà đang thật sự giành giật một tài năng sắp mất đi. Bởi, từ lâu Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đã thật sự là đại diện của nhân dân, bằng ngôn từ nghệ thuật đã nói hộ bao điều muốn thốt lên từ những người dân bình thường... (còn tiếp).
Hoàng Nguyên
(Kỳ 2: Ngày buồn nhất của Sân khấu Việt Nam)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất