22/06/2023 19:15 GMT+7 | Văn hoá
(LTS) Từng trực tiếp khai quật trên dưới 200 ngôi mộ thời Đông Sơn (trong đó 108 mộ còn nguyên hài cốt), ở loạt bài trong chuyên mục này, TS Nguyễn Việt sẽ giúp các bạn hình dung việc một nhà khảo cổ như ông đã lần tìm dấu vết con người thời Đông Sơn như thế nào.
1. Con người luôn là đối tượng chủ thể trong khoa học nhân văn, kể cả trong khảo cổ học - một ngành khoa học gắn kèm nhiều phòng thí nghiệm với những liên ngành thuần túy khoa học tự nhiên. Văn hóa Đông Sơn gối giữa chuyển giao tiền sử muộn và sơ sử, giữa thời kỳ các hoạt động của con người chỉ để lại bằng di vật trong lòng đất với thời kỳ được ghi chép trong các loại hình thư tịch đương thời.
Nhà khảo cổ có lợi thế rất lớn khi nghiên cứu về con người thời Đông Sơn nhờ tiếp cận trực tiếp với tư liệu hàng ngàn ngôi mộ đương thời. Bản thân tôi cũng đã trực tiếp khai quật trên dưới 200 ngôi mộ thời Đông Sơn, trong đó 108 mộ còn nguyên hài cốt, trải dài từ giai đoạn sớm (như ở Quỳ Chử) đến muộn (như ở Động Xá, Yên Bắc).
Xương cốt người do cấu tạo gồm canxi nên không phải lúc nào cũng bị mủn nát. Trong môi trường hang động đá vôi hay trong môi trường đất hàm lượng pH thấp, nhiều khi không chỉ xương cốt mà cả vải liệm, hạt quả vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Khối lượng trên 100 bộ hài cốt cùng đồ tùy táng do tôi trực tiếp khai quật sẽ cùng trên dưới 100 mộ táng Đông Sơn khác đã công bố (không còn xương cốt và tài liệu, được các đồng nghiệp khai quật) dùng làm cơ sở đáng tin cậy nhất để kể về con người Đông Sơn trong chuỗi bài này.
Đa phần, sọ của các hài cốt được đo vẽ tỉ mỉ nhằm xác định tuổi, giới tính và chủng tộc người chết. Một số đã được dựng cả chân dung như lúc còn sống. Xương chân, tay giúp tính chính xác chiều cao của người chết. Các bệnh lý để lại trên xương, răng cũng cung cấp những thông tin giá trị về dinh dưỡng, thức ăn, bệnh lý cư dân đương thời.
Đi sâu tìm hiểu về gen lấy mẫu từ những bộ xương Đông Sơn sẽ hé mở truy tìm nguồn gốc cư dân Đông Sơn và gắn với việc làm sáng tỏ các thế hệ dân cư Việt Nam sau này ra sao. Cách thức chôn cất và đồ tùy táng chôn theo trong các mộ giúp làm rõ quan hệ gia đình, huyết thống, vị trí xã hội của người chết, mở ra cánh cửa nhìn xa hơn nữa vào cấu trúc xã hội Đông Sơn. Trong nhiều trường hợp, mộ Đông Sơn lưu giữ khối tư liệu vải sợi quý giá cũng như tùy táng hạt quả, xương răng động vật bên cạnh đòi dùng, vũ khí bằng đồng, sắt, gỗ…
2. Ngoài xương cốt trong các ngôi mộ, người Đông Sơn còn được thể hiện qua tượng đồng (chủ yếu trên cán dao găm) và nhiều nhất qua hàng trăm hình người trên trống, thạp, tấm che ngực, đồ dùng, vũ khí Đông Sơn bằng đồng.
Hiện tại kho lưu trữ những hình tượng người Đông Sơn thuộc loại này lên đến trên 800 tiêu bản, đủ để phân loại, thống kê, nhận diện. Trên 120 tiêu bản người là các khối tượng người Đông Sơn sẽ "cất tiếng nói" về đầu tóc, trang phục, trang sức, vũ khí, nhạc cụ, dụng cụ đương thời. Nhiều trăm hình người khác là hình khắc trên đồ đồng, gồm cả chiến binh, thủ lĩnh, tù nhân, vũ công, nhạc công, thày cúng, người phục vụ, người chèo thuyền, người gõ nhịp… với trang phục, vũ khí, dụng cụ đặc trưng.
Từ khoảng giữa thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên, cư dân Đông Sơn tiếp xúc trực tiếp với những nhóm cư dân di chuyển từ phía Bắc xuống, đa số do tác động của rối loạn chính trị, quân sự thời Chiến Quốc vùng Hoàng Hà, Dương Tử (Trung Quốc) gây ra. Kèm theo đó, xuất hiện những ghi chép bằng chữ Trung Nguyên mô tả cư dân và lối sống đương thời ở vùng đất phân bố văn hóa Đông Sơn. Việc xác định những nguồn thư tịch đó nói về khối dân cư nào trong bức tranh đa dạng tộc người thời Đông Sơn không phải dễ. Nhưng nguồn thư tịch đó cũng rất có giá trị để giúp hiểu những bộc lộ từ nguồn tư liệu khảo cổ học. Với nhà khảo cổ học, để hiểu rõ toàn cảnh Đông Sơn không thể bỏ qua nguồn tư liệu rất có giá trị này.
3. Loạt bài về con người Đông Sơn sẽ khá dài. Trong khuôn khổ mỗi trang, mỗi tuần, tôi sẽ chia thành các tiểu mục, tương ứng với từng nhóm, loại người mà khảo cổ học đã nhận diện được. Trong những mở bài đầu chuyên trang Đêm đêm rì rầm tiếng đất, chúng tôi đã chọn lĩnh vực tâm linh gắn liền với thày cúng (shaman). Những bài tiếp chúng ta sẽ nói về chiến binh, thủ lĩnh, dân thường, về thế giới đàn ông, đàn bà, trẻ em, về phồn thực, ăn uống, nhà cửa và chôn cất người chết, về chiến tranh, khải hoàn, về nghề lúa và các nghề thủ công khác, về trang phục, vải sợi và cả chân dung, bệnh tật người xưa … với hy vọng làm rõ bức tranh lịch sử của một giai đoạn mở đầu hết sức quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Đó cũng là cách ghi nhận thành tựu sau 100 năm phát hiện và nghiên cứu nền văn hóa Đông Sơn này.
Theo cách kể chuyện của một nhà khảo cổ, độc giả có thể bình luận, trao đổi và gợi ý, đề xuất. Trong khuôn khổ tư liệu và hiểu biết cho phép, tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng các bạn.
4. Gần đây, một nhóm tác giả trẻ cùng ban biên tập nhà xuất bản Kim Đồng có sáng kiến xây dựng bộ sách về trẻ em trong các thời kỳ lịch sử của đất nước. Tôi cũng được các bạn đó mời tham gia. Tôi nhận lời, vì quả là không thể thiếu bóng dáng trẻ nhỏ trong mọi tiến trình lịch sử. Vì vậy, tôi sẽ bắt đầu với thế giới trẻ em trong chuỗi bài về Con người trong văn hóa Đông Sơn. Tư liệu phần này chủ yếu sẽ dựa vào những ngôi mộ trẻ em tôi đào được và trực tiếp nghiên cứu ở Quỳ Chử, Hoằng Lý, (Thanh Hóa), Yên Bắc (Hà Nam), Đền Đồi (Nghệ An), Hợp Minh (Yên Bái) … và hàng trăm đồ tùy táng bằng đồng mang kích cỡ trẻ em.
Thế giới trẻ em Đông Sơn có những thân phận con nhà quý tộc, thủ lĩnh như những em bé chôn trong thạp bảo vật quốc gia ở Hợp Minh (Yên Bái); trong mộ thân cây hương quế khoét rỗng đặt cẩn thận trong một nhà mồ chắn lợp bằng lá cây và gỗ ván thuyền với nhiều tùy táng giá trị và thức ăn phong phú; trong những vò gốm lớn lồng thành quan tài mang theo nhiều vòng trang sức ở Quỳ Chử (Thanh Hóa); trong một mộ đất chôn cùng cha mẹ là võ tướng, tai em đeo chuỗi khuyên đá ngọc, đầu gối trên đĩa đồng ở Vĩnh Hùng (Thanh Hóa). Cạnh đó cũng có những em bố mẹ không có đồ đồng để em mang theo, mà chỉ ít quả cây trên đường sang thế giới bên kia.
Có lẽ, cuộc đời niên thiếu của các "công chúa" như Ngọc Dung, Mỵ Nương… và các chàng trai trẻ được nhắc tên đương thời như Lang Liêu, Chử Đồng Tử, Mai An Tiêm… đã trải qua như vậy. Chúng ta sẽ gặp lại nhau sau một tuần nữa để cùng chuyện trò với thế giới trẻ em Đông Sơn từ trên dưới 2.000 năm trước!
"Xương cốt người do cấu tạo gồm canxi nên không phải lúc nào cũng bị mủn nát. Trong môi trường hang động đá vôi hay trong môi trường đất hàm lượng pH thấp, nhiều khi không chỉ xương cốt mà cả vải liệm, hạt quả vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn" - TS Nguyễn Việt.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất