14/07/2021 19:42 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) – Bộ Nội vụ cho biết, qua sắp xếp, số đơn vị hành chính nông thôn có xu hướng giảm giảm 18 huyện, 707 xã, do nhập hoặc chuyển thành đơn vị hành chính đô thị), các đơn vị hành chính đô thị có xu hướng tăng nhanh tăng 13 thành phố thuộc tỉnh, 138 phường và 06 thị trấn.
5 năm qua (2016-2021), thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, đặc biệt là sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019-2021, đã khắc phục cơ bản tình trạng chia tách làm tăng đơn vị hành chính trong các nhiệm kỳ trước, bước đầu giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 713 đơn vị xuống còn 705 đơn vị), giảm 563 đơn vị hành chính cấp xã so với năm 2016 (từ 11.162 đơn vị xuống còn 10.599 đơn vị), phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa ở các địa phương.
Giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 563 đơn vị hành chính cấp xã
Bộ Nội vụ cho biết, qua sắp xếp, số đơn vị hành chính nông thôn có xu hướng giảm (giảm 18 huyện, 707 xã, do nhập hoặc chuyển thành đơn vị hành chính đô thị), các đơn vị hành chính đô thị có xu hướng tăng nhanh (tăng 13 thành phố thuộc tỉnh, 138 phường và 06 thị trấn). Đồng thời, đã triển khai được mô hình “thành phố trong thành phố” (thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, không có trường hợp chia đơn vị hành chính các cấp và không có sự thay đổi đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Bộ Nội vụ đánh giá, việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được tiến hành trên cơ sở đồng thuận cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Trung ương thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở địa phương đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định. Trong quá trình thực hiện, các địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân, thể hiện qua việc nhiều địa phương khi tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn về phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã nhận được kết quả đồng ý với tỷ lệ rất cao…
Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa quyết tâm thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tiến độ thực hiện còn chậm so với lộ trình kế hoạch đề ra. Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp chưa đạt yêu cầu đề ra. Nếu không tính 4 huyện đảo, cù lao do có yếu tố đặc thù nằm biệt lập nên không thực hiện sắp xếp thì các địa phương chỉ tiến hành sắp xếp được 9/15 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp.
Sau sắp xếp, số lượng các đơn vị hành chính cấp huyện chỉ giảm được 8/15 đơn vị (đạt tỷ lệ giảm là 1,12% trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện của cả nước). Nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp vẫn chưa bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định (địa phương nêu lý do về các yếu tố đặc thù nên không thể sắp xếp thêm đơn vị hành chính cùng cấp khác liền kề)…
Sẽ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh
Từ thực tế sắp xếp các đơn vị hành chính trong giai đoạn vừa qua, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, trong đó quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính, đặc biệt là các đơn vị hành chính đô thị, nơi có yếu tố đặc thù về an ninh, quốc phòng, miền núi, vùng cao.
Bộ Nội vụ đề nghị bổ sung quy định về tiêu chuẩn của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, gồm các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, loại đô thị và cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng có phân biệt cao hơn so với các đô thị cấp huyện khác. Cụ thể như quy mô dân số từ 250.000 người trở lên (quận là 200.000 người, thành phố thuộc tỉnh là 180.000 người, thị xã là 120.000 người); diện tích tự nhiên từ 150 km2 (giữ nguyên như quy định hiện nay); tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 70% trở lên (thành phố thuộc tỉnh là 65%, thị xã là 50%).
Ngoài ra việc sắp xếp còn căn cứ vào trình độ phát triển đô thị từ loại II trở lên (thành phố thuộc tỉnh là loại III, thị xã là loại IV); cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt tiêu chuẩn quy định (tiêu chuẩn cụ thể ban hành kèm theo Nghị quyết).
Bên cạnh đó, sửa đổi quy định về tiêu chuẩn quy mô dân số của tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao theo hướng tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên rộng hơn từ 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn chung thì quy mô dân số được giảm 25% so với quy định để phù hợp với đặc thù của đơn vị hành chính miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên lớn, địa hình phức tạp, dân số ít.
Bộ cũng đề nghị sửa đổi quy định về tiêu chuẩn quy mô dân số của thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận theo hướng tăng tiêu chuẩn này để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời, sửa đổi quy định về tiêu chuẩn diện tích tự nhiên của thị xã từ 100 km2 trở lên để phù hợp với quy mô của thị xã trong tổng thể đơn vị hành chính đô thị ở cấp huyện; sửa đổi tiêu chuẩn của đơn vị hành chính ở hải đảo theo hướng làm rõ tiêu chuẩn về loại đô thị khi thành lập đơn vị hành chính đô thị ở hải đảo. Theo đó, đơn vị hành chính đô thị ở hải đảo sẽ được cấp có thẩm quyền công nhận loại tương ứng trước khi thành lập.
Không thực hiện chia đơn vị hành chính các cấp, trừ trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh do Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211 với các đề xuất trên, Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và làm điểm một số đơn vị hành chính cấp tỉnh trong giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, từ năm 2022 – 2026, thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và làm điểm sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp tỉnh chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn (tiêu chuẩn còn lại chưa đạt 100%) về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định. Đến năm 2030, hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp phù hợp với tiêu chuẩn đã được sửa đổi, bổ sung và phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính của cả nước.
Một số đơn vị hành chính cấp tỉnh được chọn thí điểm sắp xếp có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, có khó khăn về quỹ đất dành cho không gian phát triển hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (các tỉnh làm điểm sẽ trình Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, xem xét cụ thể từng trường hợp).
Dự kiến vào tháng 9 tới, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng đề án thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thực hiện làm điểm sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp tỉnh trong các năm 2022-2026 và định hướng đến năm 2030 trình Chính phủ, Thủ tướng. Trong quý IV/2021, Bộ sẽ trình Ban Cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét thông qua đề án này. Sau khi đề án được Ban Chấp hành Trung ương thông qua, Chính phủ sẽ xây dựng nghị quyết thực hiện đề án để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành. Từ quý I/2022, sẽ tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và làm điểm ở cấp tỉnh theo kế hoạch, lộ trình đề ra.
Chu Thanh Vân/ TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất