Lương tối thiểu

07/08/2019 20:07 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) -Ba năm liên tiếp, lương tối thiểu được điều chỉnh. Đó là một nỗ lực của Chính phủ đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình, nhằm giảm đói nghèo.

Nghịch lý lương tối thiểu cao hơn năng suất lao động

Nghịch lý lương tối thiểu cao hơn năng suất lao động

Viện nghiên cứu Kinh tế và Phát triển chính sách (VEPR) vừa công bố nghiên cứu về mối liên hệ giữa lương và năng suất, trong đó tập trung vào phân tích việc tăng lương tối thiểu của Việt Nam trong thời gian qua.

 

Nhưng người lao động sẽ đón nhận tin này thế nào?

Tôi đến khu công nghiệp Quế Võ – Bắc Ninh một tuần sau khi Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thống nhất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020.

Hà (25 tuổi, quê Bắc Giang), đang làm trong một nhà máy linh kiện điện tử kể, báo đài chỉ vừa mới đưa tin tăng lương hôm trước, hôm sau bà chủ nhà trọ đã thông báo tăng tiền thuê nhà. Lương tăng thì vật giá cũng leo thang. Thậm chí, giá cả các mặt hàng ăn uống, nhà ở còn tăng trước cả khi quy định tăng lương được thực hiện. Đó là “kinh nghiệm” mà Hà rút ra được sau hơn năm năm làm công nhân ở Bình Dương và Bắc Ninh.

Bây giờ tin tăng lương tối thiểu vùng không làm cô và đồng nghiệp của mình bớt đi nỗi lo cơm áo - khi gần hai tháng nay, nhà máy nơi cô làm không tổ chức tăng ca. Nếu không làm thêm giờ, hằng tháng thu nhập của Hà còn chưa tới bốn triệu đồng.

Chú thích ảnh
Muốn phát triển bền vững, cả doanh nghiệp và người lao động cần nỗ lực thay đổi để bước lên nấc cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu

“Tháng nào không tăng ca, xem như đói. Ăn mì gói thay cơm mới còn dư chút ít gửi về cho bố mẹ”, Hà nói.

Hà không phải là trường hợp duy nhất đang phải dè sẻn chi tiêu, sống chật vật tại các khu công nghiệp trên cả nước. Kết quả nghiên cứu của Oxfam vào năm 2018 cho thấy, ở khu vực dệt may, có tới 69% công nhân cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình, 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương, 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ bạn bè và 96% không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng.

Theo Quy định của Luật Lao động Việt Nam, lương tối thiểu là mức lương đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cơ bản cho người lao động và gia đình họ. Từ định nghĩa này, mức lương tối thiểu được áp dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, theo đó tùy theo từng vùng người lao động được trả tối thiểu từ 2,92 triệu đồng/tháng đến 4,18 triệu đồng/tháng.

Có thể thấy, lương tối thiểu được xem như một chính sách bảo trợ xã hội. Việc Chính phủ điều chỉnh tăng lương trong thời gian qua là nỗ lực đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình, nhằm giảm đói nghèo.

Nhưng thực tế, dù lương tăng liên tiếp trong ba năm, nhiều công nhân vẫn không có khả năng chi trả các nhu cầu sinh hoạt cơ bản của mình bằng tiền lương nhận được. Họ vẫn phải tăng ca thường xuyên mới đủ sống, cũng như để chăm nuôi con cái, bố mẹ và có tích luỹ đề phòng rủi ro.

Ở góc độ doanh nghiệp - chủ sử dụng lao động, lương tối thiểu vùng tăng hẳn nhiên cũng không phải là một thông tin vui. Đã có những ý kiến cho rằng tăng lương cần phải tương ứng với tăng năng suất lao động – bởi nếu cao hơn, điều này sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Và hiện tại, năng suất lao động của Việt Nam bị đánh giá là thấp hơn so với bình quân một số nước Đông Bắc Á và ASEAN.

***

Những năm qua, khi dòng vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam, chúng ta luôn mong muốn cải thiện chỉ số năng suất lao động để cạnh tranh với các quốc gia khác và thu hút các nhà đầu tư.

Song song với đó, như nhiều chuyên gia nghiên cứu về quan hệ lao động đã đề xuất với chính phủ và doanh nghiệp, trong một tuần làm việc tiêu chuẩn (tối đa không quá 48 giờ với Việt Nam), người lao động cần nhận được khoản lương đủ để trang trải các mức sống cơ bản cho họ và gia đình. Đó là điều kiện cần để có một lực lượng lao động chất lượng, có thể cạnh tranh với các thị trường lao động khác.

Tuy nhiên, bài toán đặt ra làm thế nào để doanh nghiệp có đủ khả năng trả lương đủ sống cho người lao động? Nhiều chủ doanh nghiệp đã cho hay, nếu lương tối thiểu vùng cứ tiếp tục tăng, họ có thể bị mất lợi thế cạnh tranh về giá; các nhãn hàng quốc tế sẽ chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác có giá nhân công rẻ hơn.

Nút thắt ấy gắn với một thực tế: phần lớn các công ty gia công ở Việt Nam hiện nay đang ở đáy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Người sử dụng lao động không thể trả lương cao cho công nhân khi khách hàng trả cho họ một đơn giá quá thấp. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), gần một thập kỷ qua, giá gia công cho một chiếc áo sơ mi hoặc quần jeans mà các nhà cung cấp của Việt Nam nhận được từ các công ty đa quốc gia hầu như không thay đổi, thậm chí còn thấp hơn trong một số trường hợp.

Như thế, về cơ bản , câu trả lời cho bài toán “năng suất lao động - tiền lương” chỉ có thể nằm ở sự lựa chọn chính sách phát triển của doanh nghiệp - và xa hơn, là lựa chọn của một nền kinh tế.

Đã đến lúc, các doanh nghiệp cần thay đổi chính sách phát triển, để thật sự bước lên nấc cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi ấy, doanh nghiệp và người lao động sẽ tham gia vào các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, đòi hỏi tay nghề cao lẫn yêu cầu công nghệ, chứ không chỉ mãi dựa vào lợi thế lao động giá rẻ tạo ra lợi nhuận.

Chỉ trông mong vào các đơn hàng gia công đơn giản, thô sơ để rồi nhận lại mức giá bèo bọt không phải là con đường phát triển lâu dài và bền vững.Cả doanh nghiệp và người lao động cùng cần nỗ lực thay đổi,để thoát khỏi để thoát khỏi tình trạng dưới đáy của chuỗi giá trị như hiện nay. Đó sẽ là chặng đường dài nhưng tất yếu, nếu cả hai không muốn phải tiếp tục cùng chật vật tồn tại.

Thanh Uyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm