BTC Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng: Hướng đến một lễ hội mẫu mực

17/04/2016 17:42 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/4 ( tức ngày 11/3 âm lịch), mặc dù đã qua ngày chính lễ 10/3 âm lịch nhưng lượng du khách về Khu di tích lịch sử Đền Hùng để dâng hương tưởng nhớ công đức của các vua Hùng vẫn rất đông. Mọi công tác phục vụ, đảm bảo an ninh trật tự tại Đền Hùng vẫn được đảm bảo an toàn, tạo thuận lợi cho du khách về dâng hương.

Ông Lưu Quang Huy, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, ngày 17/4 có khoảng 250 – 300 nghìn lượt người về dâng hương tại Đền Hùng. Lực lượng chức năng vẫn tiếp tục đảm bảo an ninh trật tự và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho du khách thập phương về tri ân với cội nguồn dân tộc.


Các em nhỏ bị người lớn chen lấn không thương tiếc. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng cho biết, lễ hội năm nay có khoảng hơn 8 triệu lượt người về dâng hương tưởng niệm các vua Hùng. Riêng tối mùng 9/3 và ngày 10/3 âm lịch, lượng du khách về dâng hương khoảng lên đến hơn 2,5 triệu lượt người. Ngày 10/3 âm lịch, do là ngày chính lễ nên trong khoảng thời gian từ sáng sớm đến hơn 8 giờ cùng ngày, đường lên các Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng trong Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đều bị cấm để Ban Tổ chức tổ chức trọng thể Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.

Theo ông Lưu Quang Huy: Xảy ra việc chen lấn xô đẩy lúc lên đền là khó tránh khỏi vì lượng du khách đổ về quá đông, tập chung chủ yếu ở khu cổng đền. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận du khách đi lễ hội chưa tốt nên đã để xảy ra những hành vi chưa đẹp. Để không xảy ra tình trạng tương tự vào các năm sau, Ban tổ chức lễ hội sẽ rút kinh nghiệm và sớm có biện pháp khắc phục.


Du khách này không biết tìm cách nào để lên được Đền Thượng với cả mâm xôi đội trên đầu. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Tại lễ hội Đền Hùng năm nay, cơ quan chức năng đã cử hàng trăm người ứng trực tại khu vực diễn ra lễ hội và cố gắng đảm bảo an ninh trật tự. Mặc dù lực lượng an ninh liên tục dùng loa nhắc nhở du khách không chen lấn, xô đẩy và không trèo ra phía bên ngoài để tránh nguy hiểm nhưng đã không thể ngăn dòng người như thác đổ chen lên phía trên, giáp với hàng rào. Thậm chí, do thời gian chờ đợi kéo dài nên nhiều trẻ nhỏ và người già đã đuối sức. Lực lượng chức năng đã kịp thời giúp đỡ, đưa các cháu nhỏ, người già ra khỏi đám đông để đảm bảo an toàn.

Tại thời điểm lực lượng chức năng tháo hàng rào chắn để du khách lên đền, theo quan sát của phóng viên đã xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy và trèo rào gây lộn xộn; sự việc đáng tiếc này xảy ra trong thời gian khoảng 15 phút trong ngày chính lễ.


Một biển người hỗn loạn cố tìm cách để lên Đền Thượng. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Năm nay, tại Di tích lịch sử Đền Hùng, cơ quan chức năng cũng đã xây dựng nhiều phương án thu gom, vận chuyển rác thải, tăng cường thêm lực lượng thu gom rác và bổ sung nhiều thùng chứa rác. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các hình thức khác nhau như sử dụng loa phát thanh; tuyên truyền trực quan thông qua các pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu; đặt các biển chỉ dẫn đổ rác đúng nơi quy định…


Không ít trẻ nhỏ phải chịu đựng cảnh chen lấn, hỗn loạn do người lớn gây ra. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Theo đánh giá ban đầu của Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2016, lễ hội năm nay đã được tổ chức thành công, an toàn và tiết kiệm theo đúng kế hoạch đề ra. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính, linh thiêng theo nghi thức truyền thống và mang tính cộng đồng sâu sắc, đặc biệt là lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng vào ngày 10/3 âm lịch đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào và du khách, tiếp tục khẳng định sức sống trường tồn của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”.


Một người già bị ngất do bị ép trong đám đông với thời gian dài. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Với sự phối hợp tổ chức của các tỉnh Hưng Yên, Bình Thuận, Cà Mau, phần hội năm nay đã có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phong phú, tạo khí thế vui tươi lành mạnh, kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại với sự tham gia biểu diễn nghệ thuật đặc trưng của các vùng miền trong cả nước như: Lễ hội đường phố, thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, bơi chải trên hồ công viên Văn Lang, thi đấu các môn thể thao dân tộc, thể thao quần chúng...

Trung Kiên - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm