Dân buôn ấn đền Trần hoành hành

17/02/2011 09:19 GMT+7 | Thế giới

Càng đến sát giờ khai ấn, chợ ấn giả càng nóng hơn bao giờ hết. Du khách, nếu ngại chen lấn, có thể mua ngay cho mình những loại ấn được in sẵn với số lượng không hạn chế.


Rất nhiều ấn ngoài luồng đã được cò chào bán trước giờ thiêng. (Ảnh: Hùng Bách/Vietnam+)

Trước đó, theo tin từ ban tổ chức, để hạn chế tình trạng tranh cướp ấn như các năm trước đó,  ban tổ chức đã bố trí 75 điểm phát ấn thay vì 4 điểm như năm Canh Dần.

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn lo ngại mình không đủ sức để “vượt qua” cả một biển người để đến nơi khai ấn. Lợi dụng tâm lý này, cánh buôn ấn chợ đen được dịp hoành hành.

Phóng viên đã có buổi làm việc nhanh với thủ từ chính Trần Huy Chiến và được ông Chiến cho biết: “Ban tổ chức và nhà đền chủ yếu căn cứ vào số lượng khách thập phương đăng ký nhận ấn đến hết ngày mùng 5 âm lịch để phát hành, đồng thời cũng chuẩn bị thêm một số lượng nữa để phát cho khách thập phương. Nhưng nhìn chung, ai đã đăng ký mới có ấn vải được!”

Ông Chiến cũng cho biết thêm rằng tổ in ấn đã phải làm việc 24/24 giờ trong những ngày đầu năm mới để có thể phát ấn cho du khách.

Chị Lê Thị Hoa, Thanh Hóa nhăn nhó: “Do không nắm được lịch nên tôi đã không thể nhận ấn đền phát ra.”

Ông Chiến khẳng định nhà đền đã rất linh động khi để thời gian đăng ký kéo dài từ tháng 8 âm năm trước đến ra Giêng năm sau. Vì thế đến cận giờ, ngay cả người quen gọi về nhờ lấy hộ, ông cũng chịu. "Tất cả đã được lên danh sách cả rồi!"

Trái ngược với tình trạng khan hiếm ấn trong đền, ngay tại dãy hàng nước ngoài cổng và trước cổng đền Bảo Lộc, ấn đền Trần vẫn được chào bán với số lượng không hạn chế một cách bí mật.

Vào vai người mua ấn để… ngoại giao, chúng tôi được cung cấp số của K., một trong những đầu nậu lớn ở đền Trần. Trong cuộc trao đổi đầu tiên, K. quả quyết: “Ấn chỉ có xịn, đưa thẳng từ trong ra, muốn lấy số lượng bao nhiêu cũng được nhưng phải báo để tôi chuẩn bị trước.” Giá của bộ ấn vải “lậu” được K. treo ở mức 50.000 đồng.

Tùy thuộc vào giờ giấc có cận hay không mà giá ấn dao động tiếp. Chị Hồng, người dẫn mối chúng tôi với K. cho biết nếu đúng đêm 14, 1 bộ như thế có thể leo lên tới 150.000 đồng (ấn giấy  trong giờ đẹp cũng từ 30.000-50.000 đồng/bộ).

Ấn vải là loại ấn được đóng trên vuông lụa lớn màu vàng, có mác giấy kèm theo của ban tổ chức. Những người buôn ấn đều khẳng định: Sở dĩ họ có trong tay với số lượng lớn là do họ có người làm trong đền, hoặc thông qua cách đăng ký ấn với nhiều tên. Dịch vụ này thu hút được rất nhiều khách thập phương không kịp đăng ký.

Để tận mắt được thấy một chiếc ấn “lậu” trước giờ thiêng, chúng tôi đã mua từ K. “loại ấn vua xịn.” Theo quan sát, hình thức của những chiếc ấn này không khác gì ấn đền Trần năm trước: kích thước, chất liệu, vẫn kiểu chữ in trên nền vải lụa vàng.

Thậm chí, những tay buôn ấn năm nay không đưa ra ấn giả mà có thủ đoạn khác kín hơn.

Theo một thủ đền trong điện Trùng Hoa thì ấn ở Nam Định có 2 loại. Ấn Thánh là loại ấn được đóng ở đền Bảo Lộc (thờ Đức Thánh Trần, Trần Hưng Đạo). Loại ấn này vẫn thường được gọi tên nôm na là ấn quan, rất dễ mua. “Ấn xịn” hay ấn vua là ấn được đóng trong đền Trần.

Đa số những người xin ấn không biết mặt mũi tấm vải mình mua thế nào, vì vậy thay vì bán ấn vua (tức ấn được phát ra tại đền Trần), họ lại cho khách xem ấn quan, ấn trấn trạch... Giá của 2 loại ấn này chênh lệch từ 10.000-20.000 đồng theo giá gốc.

Chủ từ Trần Văn Vinh, người gắn bó với đền Trần hơn chục năm cũng lắc đầu ngao ngán vì hành vi mua thần bán thánh đang diễn ra. Cụ bảo: “Tất cả các ấn nếu phát trước giờ thiêng thì đều là ấn ngoài luồng. Mua ấn là hoạt động rất phản tâm linh. Bởi theo truyền thống, ấn muốn linh nhất thiết phải được dâng sớ và có chủ lễ khấn kèm. Nếu không thế, đó chỉ là một mảnh vải vô giá trị”.

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm