21/08/2022 18:30 GMT+7 | Văn hoá
Tôi còn nhớ, lần đầu tiên tôi biết nhạc rap là nhờ đọc TT&VH. Hồi đó chỉ biết chứ chưa thể nghe nhạc rap, vì đâu có phương tiện gì để nghe, nghe từ đâu? Hay như nhạc punk, tôi cũng biết được khi đọc báo TT&VH…
1. Hôm trước, tôi rất ngạc nhiên khi anh Doãn Phương - Phó tổng biên tập báo TT&VH gửi cho tôi bài viết chúc mừng báo TT&VH nhân tròn 20 tuổi. Đọc lại bài viết của mình từ 20 năm trước (nhan đề Thể thao & Văn hóa - 2 cành một gốc), tôi tự nhận mình đã viết đúng như những gì mình đã cảm nhận về tờ báo này, từ ngày đầu báo ra sạp.
Hồi năm 1982 mà tờ TT&VH xuất hiện trên các sạp báo, thì đó thực sự là một cuộc “chào đời” của một tờ báo được trông đợi vào hàng nhiều nhất từ bạn đọc. Vì hồi đó, xã hội đang rất đói thông tin, không chỉ là thông tin thể thao hay bóng đá, mà thông tin về văn hóa - chủ yếu là văn hóa thế giới - được đón nhận như một món ăn “đặc sản” vừa ngon vừa bổ. Chỉ nói riêng về thông tin bóng đá. Hồi đó, ngoài những bài dịch từ báo nước ngoài, TT&VH còn in nhiều bài bình luận bóng đá rất có “chất” và nhiều thông tin từ các nhà bình luận bóng đá trong nước, lại là những người được tiếp cận nhanh nhất với những trận đấu bóng đá nước ngoài, bóng đá thế giới.
Hồi đó, tôi chưa bao giờ bỏ qua một kỳ báo TT&VH nào, dù tôi rất nghèo. Chuyện tôi kể, nhiều khi mình phải bán những ký báo cũ để có tiền mua TT&VH là chuyện thật hoàn toàn, dù bây giờ viết thế thì nghe như chuyện bịa. Hồi đó nghèo khổ khó khăn lắm, mà là khổ chung, chứ không chỉ mình khổ. Nhu cầu đọc báo, nhất là báo chuyển tải thông tin thế giới, là một nhu cầu rất lớn hồi ấy. Khi nước ta chưa “mở cửa” được với thế giới, thì người dân càng khao khát muốn biết thế giới, nhất là thế giới phát triển, thế giới bên ngoài phe XHCN sống như thế nào. Trình độ bóng đá của họ ra sao. Văn hóa của họ có gì hay, có gì đặc biệt? Những câu hỏi như thế, tờ TT&VH đã trả lời đều đặn qua từng số báo, khiến người đọc rất quan tâm, rất yêu thích.
Tôi còn nhớ, lần đầu tiên tôi biết nhạc rap là nhờ đọc TT&VH. Hồi đó chỉ biết chứ chưa thể nghe nhạc rap, vì đâu có phương tiện gì để nghe, nghe từ đâu? Hay như nhạc punk, tôi cũng biết được khi đọc báo TT&VH. Đó là “nhìn âm nhạc” chứ không phải nghe âm nhạc. Nhưng trong hoàn cảnh bấy giờ, chưa được “nghe - nhìn” thì mình “nhìn” thôi vẫn hơn là không biết gì.
2. Sau 40 năm, TT&VH cũng đã đi qua nhiều chặng đường. Bản thân tôi cũng từng có thời gian khá dài cộng tác khá thường xuyên với TT&VH, từ hồi anh Ngô Hà Thái còn làm Phó tổng biên tập của tờ báo này tại trụ sở ngoài Hà Nội. Và sau đó một thời gian, lại cộng tác với TT&VH từ Văn phòng đại diện báo này tại TP.HCM do chị Thu Hồng làm Trưởng đại diện. Cả hai thời kỳ, tôi cũng chỉ quen với hai người của tòa soạn như thế, nhưng bài vở vẫn đều đặn gửi từ cái máy fax của nhà tôi, vì hồi đó chưa dùng Internet.
Tôi còn nhớ, khi cộng tác trực tiếp với anh Ngô Hà Thái, tôi viết cả thể thao và văn hóa, cứ anh Thái đặt bài là tôi cắm đầu cắm cổ viết, hồi đó viết bằng máy chữ. Tôi còn nhớ, có lần, sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, anh Thái đặt tôi viết một bài về người nhạc sĩ thiên tài này, do có biết tôi từng quen và chơi với anh Trịnh Công Sơn thời anh Sơn về Huế “ẩn mình” sau giải phóng. Hồi đó, nhóm chúng tôi gồm Thu Bồn, Ngô Thế Oanh, Thái Bá Lợi và tôi khá thân với anh Trịnh Công Sơn, và thỉnh thoảng cả nhóm lại bắt xe đò từ Đà Nẵng ra Huế… nhậu với anh Sơn. Thỉnh thoảng, anh Sơn lại bắt xe đò từ Huế vào Đà Nẵng nhậu với chúng tôi. Cũng chỉ biết lấy thế làm vui, dù hồi đó chúng tôi thì nghèo tiền, anh Sơn không đến nỗi nghèo tiền nhưng lại buồn vì chuyện người ta còn nhìn anh một cách e dè và… đề phòng. Không hiểu họ đề phòng cái gì từ người nhạc sĩ hiền khô, hồn nhiên và chỉ biết yêu nước thương dân này?
Khi anh Trịnh Công Sơn mất, anh Hà Thái đặt tôi viết một bài vì những lý do như vừa kể. Tôi viết liền, 30 phút xong bài, fax ngay ra Hà Nội cho anh Hà Thái. Anh Thái cũng đọc ngay và gọi điện vào cho tôi: “ Bài hay quá anh! Sao anh viết nhanh vậy”? Tôi đùa: “ Muốn bài hay thì phải viết nhanh. Viết chậm làm sao hay được!”
Bài viết ngắn ấy, sau này khi tôi vào Sài Gòn, có lần được anh Nguyễn Công Khế mời ăn nhậu ở quán “Ba miền” của em Trịnh Công Sơn, có vài người em của anh Sơn đọc bài viết ấy và nói họ rất thích bài viết này. Với tôi, đó là lời khen và động viên chân thành từ “người trong cuộc” nên tôi phấn khởi lắm.
3. Những bài viết cho tờ báo tôi yêu thích là TT&VH luôn được tôi viết, dù viết nhanh, nhưng viết bằng cả tình cảm và tấm lòng. Cũng xin nói, tôi viết báo với tâm thế một người làm thuê, chứ không phải “làm thơ” (nói theo giọng của người Phú Yên hay Nam Bình Định cũng là “làm thơ”), và nếu chỉ tạm tính, đời làm báo của tôi hơn 50 năm nay, tôi đã cộng tác với ít nhất là 50 tờ báo trong nước. Thời gian cộng tác dài ngắn khác nhau, và chỉ trừ tờ Thanh Niên là “báo ruột” của tôi, thì những tờ báo khác mình cộng tác mà mình còn nhớ lâu, chắc chắn có tờ TT&VH.
Khoảng thời gian gần đây, sau nhiều năm “bôn ba làm thuê làm mướn” nhiều nơi, tự nhiên tôi lại quay về cộng tác lại với TT&VH. Không phải báo này trả nhuận bút cao, mà người trực tiếp đặt bài cho tôi, anh Doãn Phương, là người tình cảm và khiến tôi tin cậy. Dù nhuận bút của báo, nói thật, là vẫn không cao. Nhưng bây giờ đang là thời hết sức khó khăn của báo in, tôi chấp nhận vui vẻ, chỉ mong được báo in những bài viết mà bản thân mình yêu thích. Mục Sống chậm cuối tuần mà tôi đang cộng tác là mục mà tôi rất thích. Vì tôi cũng là người sống chậm, ăn không nhanh, chỉ được cái nghĩ mau và nói ngắn. Nhưng anh Doãn Phương khi đặt tôi viết bài về “40 năm báo TT&VH” lại đề nghị tôi viết… dài, một chuyện trước nay tôi ít làm. Nhưng với tờ báo mà mình yêu thích từ khi nó mới ra đời, cách đây tròn 40 năm, thì viết cà kê cho dài một chút tôi vẫn kham được.
4. Lại nhớ, hồi những năm 80 của thế kỷ trước, nhờ đọc thường xuyên TT&VH mà tôi viết được mấy bài thơ về bóng đá, không đến nỗi nào. Khi nhà báo Chánh Trinh chọn in vài bài thơ bóng đá của tôi trên Lao động Chủ nhật mà ông làm Tổng thư ký tòa soạn, ông Chánh Trinh tự nhiên lại nghĩ tôi có thể viết… bình luận bóng đá. Và ông đã gọi điện (hồi đó là điện thoại bàn) vào dịp World Cup 1994 tại Mỹ, đặt tôi viết bài về các trận bóng đá ở Mỹ mà tôi yêu thích. “Anh muốn viết thế nào cũng được, tùy anh. Tôi in tất”. Nhờ sự cổ vũ tuyệt vời này của nhà báo lớn Chánh Trinh, tôi đã viết những bài bình luận bóng đá đầu tiên, theo cách của tôi, hóa ra, lại được. Tôi trở thành một cây bút bình luận bóng đá không đến nỗi nào từ thời ấy.
Sau này, khi cộng tác với TT&VH, tôi đã viết bình luận bóng đá “hơi có nghề”, nên không có khó khăn nào đáng nói.
Tôi là nhà thơ, hay bị “đánh” vì thơ, còn viết báo, thỉnh thoảng cũng bị “xem ngó”, nhưng nói thật, khi viết cho TT&VH thì không bị gì cả. Có lẽ vì đề tài của báo này chủ yếu “vui là chính”, chứ không có “nhuận bút là… mười”. Nhất là khi TT&VH đã vào tuổi 40, tuổi trung niên chín chắn rồi, thì cách nhìn đời nhìn sự việc cũng nhẹ nhàng, cũng “sống chậm là chính”. Tôi có tật, là sống chậm, nhưng nghĩ nhanh, và nói ngắn, không chậm, cũng không quá nhanh. Như thế, tôi nghĩ mình có thể cộng tác với TT&VH một thời gian nữa, chưa biết tới khi nào, còn tùy thuộc vào sức khỏe của người nay đã sắp 77 tuổi dương rồi. Nhưng đúng là “còn sống còn viết”, và cũng “viết để sống” - nghĩa là có nhuận bút. Thì người lao động tự do nào chẳng mong thu nhập của mình không quá “hẻo lánh”. Tôi luôn đứng cùng hàng ngũ với những người lao động tự do có thu nhập thấp mà. Vì vậy, tôi thông cảm và chia sẻ với họ những tâm tư suy nghĩ của mình. Nếu TT&VH đặt tôi viết mảng này, tôi xin sẵn sàng.
5. Quãng thời gian 40 năm với một tờ báo là thời gian không ngắn, nhưng cũng chưa dài. Chúc TT&VH vượt qua thời buổi khó khăn này để phát triển. Bây giờ, thông tin thế giới đã tới với người đọc báo Việt Nam từng giờ, chứ không phải từng ngày. Nhưng vẫn còn nhiều cách thu hút người đọc, nếu báo mình năng động tìm kiếm những mảng cuộc sống mà người đọc muốn chia sẻ. Khi người ta chia sẻ với mình là một tờ báo, thì người ta đọc mình. Vậy thôi.
"Mục Sống chậm cuối tuần mà tôi đang cộng tác là mục mà tôi rất thích, vì tôi cũng là người sống chậm, ăn không nhanh, chỉ được cái nói mau và nghĩ ngắn. Như thế, tôi nghĩ mình có thể cộng tác với TT&VH một thời gian nữa, chưa biết tới khi nào, còn tuỳ thuộc vào sức khoẻ của người nay đã sắp 77 tuổi dương rồi" (Nhà thơ Thanh Thảo) |
Nhà thơ Thanh Thảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất