Đề thi 'Tiếng Việt như bùn và như lụa': Không quen sự khác biệt!

17/07/2016 07:37 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cũng lâu lâu, thơ ca mới trở lại tâm điểm thời sự của dư luận trong tuần qua. Như thường lệ, thơ ca vào “hot trend” (trên cả mạng xã hội và quán trà đá vỉa hè) là do những tranh cãi bên ngoài, chứ không phải vì tự thân nó.

Cụ thể, trong đề thi môn Ngữ văn của kỳ thi Quốc gia 2016 vừa qua, đề thi có trích câu thơ “Ôi Tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ” trong bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Đáng nói, trước đó, đa phần độc giả đều cảm và quen thuộc với bản khác của câu thơ “Ôi Tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Những lời chỉ trích lập tức nhắm vào những người ra đề và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ra đề sai”.

Những bức xúc không chỉ đến từ cộng đồng độc giả bình thường mà các nhà văn, nhà phê bình cũng đăng đàn và “tuyên án” đề thi của Bộ. Nỗi bức xúc lên đến đỉnh điểm khi một nhà văn yêu cầu Bộ phải xin lỗi công khai trên truyền hình Quốc gia về những nhầm lẫn “không thể chấp nhận được!”.


Thí sinh tại điểm thi Đại học Tây Bắc kiểm tra lại bài thi sau khi kết thúc môn Ngữ văn. Ảnh: Lê Hữu Quyết - TTXVN

Tuy nhiên, khi phóng viên tìm tới gia đình cố nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, em gái nhà thơ, PGS.TS. Lưu Khánh Thơ đã cung cấp bản viết tay của tác giả bài thơ Tiếng Việt. Thủ bút ghi rõ “Ôi Tiếng Việt như bùn và như lụa”.

Bà Thơ cũng giải thích những sai khác giữa thủ bút và bản phổ biến là do nhà thơ Lưu Quang Vũ đồng ý để biên tập chỉnh hai câu thơ in trên báo Văn Nghệ. Sau đó, trong một vài ấn bản chính thống khác, Lưu Quang Vũ đồng ý phục nguyên câu thơ là “như bùn”. Và, tác phẩm đã tồn tại song song hai bản.

Một chi tiết khác, ngay dưới đề thi, những người ra đề cũng trích nguồn rất rõ ràng, khoa học: Trích Tiếng Việt- Lưu Quang Vũ, Thơ Việt Nam 1945- 1985, NXB Giáo Dục, 1985, tr. 218. Khi những tranh cãi nổ ra, những người ra đề đã cung cấp đầy đủ bản thảo và được Hội đồng thi xác nhận chính xác.  Tức là, những người ra đề đã không sai. Vấn đề chỉ là họ cung cấp một bản thơ khác (không phải dị bản) không quen với số đông. Thậm chí cả những người trong giới văn nghệ.

Khi câu chuyện tạm lắng, gạt qua những lớp váng bọt bèo của lời qua tiếng lại, điều đọng lại nỗi buồn về những khoảng trống rất lớn của tư duy phản biện và kiểm chứng thông tin. Một bộ phận dư luận trong và ngoài văn đàn đã không ngừng lại một phút để Google mà lập tức chỉ trích trước những điều không quen tai với mình.

Đáng nói, đây không phải là lần đầu dư luận “cướp cò” tấn công tập thể một ấn bản văn học khác so với những gì mình đã biết. Trước đó, sự việc ngân hàng SHB cho in tờ lịch với nội dung vua Lê Lợi “rút gươm xua rùa” (thay vì trả gươm) cũng đã “hứng đủ” búa rìu dư luận.

Ngay sau đó, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã khảo các tác phẩm khảo cứu trước đó. Kết quả, chuyện vua “rút gươm xua rùa”, vua rút gươm chỉ vào rùa bị rùa “ngậm gươm rồi chìm mất”, … đều có xuất hiện trong các thư tịch cổ. Và, chuyện trả gươm là tích xuất hiện… muộn nhất.

Tất nhiên, việc ghi lại những tác phẩm truyền miệng và việc sáng tác tác phẩm thành văn có khác biệt nhất định. Song, sự nhạy cảm của dư luận với những điều vốn không quen thuộc thì vẫn vậy. Trong cuộc trao đổi với người viết, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức có cho biết: SGK Nhật có cung cấp đầy đủ các bản khác nhau của một tác phẩm.

Bởi thế, người Nhật từ nhỏ đã có tư duy cởi mở với những điều khác biệt (kể cả các bản không có trong sách). Nó khác xa so với cách giáo dục hiện thời của chúng ta.

Đến đây, câu chuyện lại quay trở lại ngành giáo dục.

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm