Pirlo & De Rossi: Mầm sống nơi tuyến giữa

19/06/2008 10:56 GMT+7 | EURO 2008

(TT&VH Online) - Cuối cùng, những trông đợi của Donadoni vào cậu học trò cưng Andrea Pirlo cũng được đền đáp xứng đáng, trước hết là từ một sự điều chỉnh đúng đắn trong chiến thuật. Cú sút penalty chính xác chỉ là một nét đậm trong màn trình diễn thuyết phục của tiền vệ Milan trước những chú gà trống Gaulois.

Khi Pirlo được giải phóng

Hai trận đầu ra quân, các cầu thủ Italia đã chơi rất bế tắc, thiếu ý tưởng và thiếu gắn kết trong các đường bóng tấn công. Pirlo được xem là điểm mấu chốt dẫn đến sự bế tắc và rời rạc đó, bởi anh đã không làm tốt trọng trách thu hồi bóng và phát động tấn công khi thường xuyên bị các tiền vệ đối phương theo kèm quá chặt. Nhưng như Buffon và Toni, Pirlo là một phần không thể thiếu trong các kế hoạch của Donadoni. Kế hoạch có thể thay đổi vì Pirlo, chứ không có chuyện ngược lại.

Thế nên, bất chấp đã úp mở khả năng để Pirlo ngồi dự bị ở trận gặp Pháp, Donadoni vẫn cứ phải đưa anh ra sân, nhưng lần này có kèm thêm một quyết định mang tính bản lề cho chiến thắng: tung thêm Gattuso và thiết lập hàng tiền vệ 4 người ở giữa sân. Trong trận đấu với Hà Lan, tuyến giữa 3 người của Italia chịu “bó tay” trước tốc độ và kỹ thuật của bộ 3 tiền vệ đối phương. Trận gặp Romania, hàng tiền vệ vẫn chỉ có 3 người của Italia dễ dàng bị 4 chuyên gia đánh chặn bên phía đối thủ khống chế. Donadoni chắc hẳn đã nhận ra sự thiếu hụt ấy, để đi đến một sự điều chỉnh.
 
Trước hết là từ bỏ sơ đồ 4-3-3 tỏ ra không thích hợp nữa, để chơi 4-3-1-2, với việc bổ sung một chuyên gia phòng ngự vào điểm nóng giữa sân. Sự có mặt của Gattuso giải phóng cho Pirlo rất nhiều sức ép, giúp cầu thủ này có đủ không gian và thời gian “điều” trái bóng đến những nơi anh muốn. Pirlo lúc ấy chính là Pirlo mà Donadoni mong đợi.

Sút chính xác quả penalty trong tình cảnh sức ép đè nặng, Pirlo nêu công đầu trong chiến tích của Azzurri. Nhưng không phải bàn thắng ấy, mà những đường chuyền “độc địa” của anh qua đầu hàng thủ Pháp mới là căn cơ dẫn đến chiến thắng. Ngay phút thứ 4, anh đã đưa Toni vào thế đối mặt với Coupet bằng đường chuyền xa tới 80m. Ngắn hơn chút ít, chính cú bấm bóng từ 50m của anh cho Toni ở phút 24 đã đem lại cho Italia quả penalty và lợi thế hơn người. Nhưng chưa hết, trong 55 phút trên sân, anh đã có thêm không dưới 3 lần nữa tạo cơ hội cho đồng đội. Việc anh bị thay ra sớm chỉ là do Donadoni muốn thử nghiệm hàng tiền vệ không có Pirlo để chuẩn bị cho trận tứ kết gặp TBN (Pirlo vắng mặt vì thẻ phạt).

Giá trị của De Rossi

Nhưng Pirlo không phải người hay nhất của Italia rạng sáng qua, mà danh hiệu đó thuộc về Daniele De Rossi. Cũng như Pirlo, De Rossi cũng chẳng cần phải có một pha sút phạt sấm sét chạm chân Henry vào lưới để chứng tỏ mình. Anh thi đấu nổi bật cả trận trong vai trò chốt chặn cuối cùng trước hàng thủ, phong tỏa hầu hết các ý tưởng chọc khe hay “xẻ nách” từ trung lộ của các tuyển thủ Pháp. Anh cũng chính là người chạy nhiều nhất trận, với 11,59 km, bao phủ một diện tích 68% mặt sân và thực hiện tới 11 cú đoạt bóng thành công. Sự năng nổ của tiền vệ Roma chính là nền tảng để Pirlo tự tin tung những đường chuyền hiểm, cũng như giúp các đồng đội phía sau anh chơi thoải mái hơn rất nhiều.

Về mặt “trâu bò”, De Rossi thực ra chẳng hơn gì Gattuso, thậm chí là kém hơn, nhưng anh hơn đứt người đồng đội ở những cú dứt điểm. Đã không ít lần anh ghi bàn bằng những pha sút xa sấm sét ở Serie A, và việc Donadoni giao cho anh quả phạt quyết định ở phút 62 cũng không nằm ngoài kỳ vọng vào “tài lẻ” ấy của một chuyên gia đánh chặn.

Không thể phủ nhận việc Pháp sớm mất những con người tài năng nhất ở tuyến giữa đã giúp Pirlo và De Rossi có thêm “đất diễn”, nhưng cũng phải nói rằng trong bối cảnh các cầu thủ tấn công đã đánh rơi mất bản năng sát thủ, thì Donadoni đã biết cách tìm ra sự sống ở phía sau tiền tuyến.

Đông Khê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm