Trở về tên cũ: Trường Viết văn Nguyễn Du?

01/10/2009 13:47 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Được thành lập từ năm 1979, Trường Viết văn Nguyễn Du (nay là Khoa Sáng tác, Phê bình & Lý luận Văn học (ST, PB & LLVH) thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội) đã và đang đào tạo 11 khóa chính quy, 8 khóa đã ra trường với con số tốt nghiệp là 256 người, trong đó 52 người trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. 4 khóa đã tốt nghiệp gần đây, số học viên theo con đường văn chương nghệ thuật đột nhiên giảm mạnh, thậm chí kỳ tuyển sinh vừa rồi, khoa gặp khó khăn khi quá ít thí sinh nộp đơn xin thi. Nguyên nhân vì sao? TT&VH có cuộc trò chuyện với PGS-TS Ngô Văn Giá - hiện là chủ nhiệm khoa.

Không lo không có học viên



 PGS-TS Ngô Văn Giá
* Kỳ tuyển sinh mới đây, khoa gặp nhiều khó khăn bởi lượng sinh viên đăng ký thi quá ít, lý do thực sự ở đây là gì thưa ông?


- Năm nay Ban Giám hiệu muốn thử nghiệm cho thí sinh thi cùng đợt với đợt thi ĐH lần hai, nên nhiều em thích mà không dám thi vào. Đại đa số các em sợ, không dám phiêu lưu. Có hơn 30 em đăng ký thi vào, qua hai lần thi tuyển, chúng tôi chọn được 18 gương mặt. Lý do ít chỉ vì thế thôi.

Sang năm, chúng tôi lại trở về thi theo đợt riêng như mọi năm. Tôi tin nhiều thí sinh sẽ có cơ hội thử sức và lựa chọn vào ngành viết văn hơn. Các năm trước, năm nào cũng trên 100 thí sinh, có năm cao đến 180 người đăng ký thi vào. Nó cũng là nhu cầu xã hội đấy.

* Theo dự đoán của ông, điều gì sẽ xảy ra khi các bạn vào nhập học từ nguyện vọng hai?

- Nguyện vọng hai chỉ là điều kiện cần, chưa phải là đủ. Khi vào, tôi còn xét chấm tác phẩm sơ tuyển, và sau đó cho thi năng khiếu tại chỗ bốn tiếng đồng hồ nữa. Nếu vượt qua được hai cửa ải này mới đỗ. Năm nay chỉ xét được một nguyện vọng hai thôi.

* Theo cá nhân ông, với những thực tế thấy được từ những năm vừa rồi, làm sao để khắc phục những thiếu sót, đưa khoa ST, PB & LLVH trở lại lịch sử đã từng rất vẻ vang của nó?

- Nghề viết văn vẫn cứ là một lĩnh vực còn quyến rũ nhiều người lắm. Tôi không lo là không có học viên theo học. Chỉ lo làm thế nào từ chỗ chỉ là các năng khiếu, khi vào đây, họ có một tiềm lực sáng tạo mạnh và một ý thức chuyên nghiệp cao. Chúng tôi chỉ đào tạo ra những người viết văn thôi, thế còn sau đó có trở thành nhà văn hay không thì trước hết phụ thuộc vào chính họ, ngoài ra còn nhiều lý do khác nữa.

Trở về với “thương hiệu” cũ


 Khoa Sáng tác, Phê bình & Lý luận Văn học ĐH Văn hóa Hà Nội
* Định hướng phát triển tới đây của khoa là gì?


- Trong tổng thể chiến lược của Đại học Văn hóa từ 5 đến 10 năm nữa sẽ đổi tên trường thành Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quốc gia. Lúc đó, khoa ST, PB & LLVH sẽ trở về tên cũ: Trường Viết văn Nguyễn Du và theo mô hình “trường trong trường” như đã có từ năm 1996 - 2004.

* Kế hoạch ấy đã cụ thể đến đâu rồi, thưa ông?

- Chúng tôi đang xây dựng đề án. Trở về tên cũ “Trường Viết văn Nguyễn Du” - đó là mốc phấn đấu của chúng tôi. Theo mô hình “trường trong trường” thì chúng tôi mới có điều kiện để mở nhiều ngành (ví dụ dịch thuật, báo chí về văn hóa văn nghệ, biên tập văn học...) và đa dạng các hệ đào tạo; mới có tư cách pháp nhân, đối ngoại... và đặc biệt chúng tôi coi việc trở về với tên cũ “Trường Viết văn Nguyễn Du” chính là trở về với một truyền thống đã có, một thương hiệu đã được xác định. Trở về để tiếp tục phát triển...

* Nhìn lại sự nghiệp đào tạo của Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây và Khoa ST,PB & LLVH, người ta thấy có sự biến chuyển tương đối lớn giữa bốn khóa đầu (khóa I, II, III, IV) và bốn khóa sau (V, VI, VII, VIII), nếu như 4 khóa đầu tỷ lệ anh chị em tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực văn học chiếm hơn 50% thì ở 4 khóa sau có đến 70% sinh viên tốt nghiệp ra trường đi làm báo. Từ khóa V đến khóa VIII, vì sao quá ít gương mặt xuất hiện trên văn đàn? Nếu có thì vẫn chưa thực sự nổi trội?

- Như chúng ta biết, từ khóa I đến khóa IV, hầu hết những học viên vào học, đã là nhà văn, trong đó khá nhiều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Những ngày tuổi trẻ, vì điều kiện chiến tranh, họ không được học hành đến nơi đến chốn. Sau chiến tranh, Trường Viết văn Nguyễn Du mở ra giúp các nhà văn thời chiến của ta được tu nghiệp đàng hoàng... Các khóa này có nhiều người đã nổi tiếng từ trước khi vào học hoặc bắt đầu nổi tiếng trong quá trình học.

Riêng từ khóa V đến nay, mỗi khóa cũng có một vài gương mặt nổi tiếng đấy chứ. Và trong số họ, có một vài gương mặt xuất sắc. Tôi lấy ví dụ nhà văn Dạ Ngân chẳng hạn. Chị là học viên khóa V. Mỗi khóa có khoảng 3 - 4 gương mặt trụ lại được với văn chương là thành công rồi - nhiều nhà văn nói với tôi như vậy. Nếu không khắt khe quá, tôi có thể kể ra được hàng loạt gương mặt khác, trong đó có nhiều cây bút đoạt giải văn chương trong các cuộc thi lớn.

* Khi thi đầu vào, vòng loại ban đầu không thể thiếu các tác phẩm sáng tác (truyện, thơ), nghĩa là các sinh viên “được chọn” đều có những báo hiệu tích cực về khả năng sáng tác, thế nhưng khi ra trường vì sao các bạn lại từ chối theo nghề?

- Không phải tất cả đều từ chối theo nghề, mà một phần thôi, tuy phần này chiếm hơn một nửa. Một trong những đặc điểm của con người trong đời sống hiện đại là làm nhiều nghề, hay chuyển việc, hay chuyển nơi chốn công tác, muốn thử sức mình nhiều lĩnh vực... nghĩa là rất năng động. Rồi đến lúc nào đó họ lại “ngứa ngáy” tay nghề, lại nổi hứng viết tiếp thì cũng chẳng ai đoán được.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng nếu không tha thiết với nghề, không có khát vọng văn chương thì cảm hứng, cơ may nó cũng chẳng đến một cách dễ dãi đâu.

* Xin cảm ơn ông!

Việt Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm