MC Trác Thuý Miêu: Áo dài như 'bộ da thứ hai' của phụ nữ Việt

12/03/2016 07:20 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lễ hội Áo dài 2016 với những hoạt động dày đặc đang diễn ra ở TP.HCM. Ở đô thị lớn nhất cả nước này vẫn còn nhiều người say mê vẻ đẹp của tà áo dài như thời kỳ trước, đồng thời luôn chọn áo dài làm trang phục để mặc trong những dịp trọng đại nhất. Một trong số đó là MC, nhà báo Trác Thuý Miêu.

Cô cũng là người từng trực tiếp tham gia vào đội ngũ thiết kế, may áo dài của nhà thiết kế Sĩ Hoàng, người đang sở hữu Bảo tàng Áo dài rất quý giá. Với tư cách một người mê đắm áo dài, Trác Thuý Miêu chia sẻ quan điểm của cô với Thể thao & Văn hóa.

* Chị kiểu cách và tân kỳ, hiểu biết về thời trang phương Tây, điều gì khiến chị coi áo dài như một thứ trang phục có vị trí độc tôn?

- Buổi sáng khai giảng năm lớp 10, lần đầu tiên tôi mặc áo dài đến trường. Gặp lại những cậu bạn học cùng cấp 1 cấp 2 vẫn bắt nạt mình, tự nhiên thấy chúng nhìn mình bằng con mắt khác. Hình như chúng thấy mình đàn bà hơn, và chúng trân trọng mình hơn.

Rồi đến giờ tan trường, tất cả học sinh nữ của các trường cấp 3 lúc đó đều mặc áo dài trắng và ùa ra đường. Với tôi đó là danh lam thắng cảnh của Sài Gòn và mình vinh dự là một chi tiết trong đó.

Với tôi, việc bắt đầu mặc áo dài trong ngày đầu khai giảng cấp 3 giống như một lễ trưởng thành cho một thiếu nữ trong tôn giáo. Tôi phải chuẩn bị trong 3 tháng Hè trước đó. Nuôi tóc dài, mua đôi giày bít đầu tiên, học cách đi đứng, leo lên xe đạp…


Trác Thuý Miêu đã chọn áo dài để mặc trong lễ cưới của chị và cũng đề nghị tất cả khách mời là nữ mặc áo dài

* Trong thời buổi hiện nay, áo dài đã có lúc “thất thế”, gần như biến mất hẳn trong đời sống thành thị vì nó không cho người ta sự thoải mái. Giờ áo dài bỗng được ưa chuộng hơn nhưng là những chiếc áo cách tân, nhiều màu sắc, kiểu dáng không “niêm luật” nữa để người mặc thấy thoải mái, tiện dụng hơn.

- Ngày xưa người ta cho nữ sinh mặc áo dài để rèn nết. Mặc chiếc áo dài khuy bấm không ai có thể gù lưng xuống. Nếu nhìn những bức ảnh ngày xưa thì thấy rõ điều đó. Ta thường thắc mắc tại sao phụ nữ ngày xưa có cái eo nhỏ như thế được, vì cái áo dài rèn họ, bắt họ phải có cái eo thật nhỏ, cái cổ vươn cao, lưng thật thẳng. Chiếc áo rèn cho đàn bà Việt cốt cách, lòng tự tôn. Thấp hay cao không quan trọng, nước nhỏ hay nước lớn không quan trọng mà quan trọng ở tư thế. Với sự thay đổi như hiện nay, nó thể hiện rất rõ bối cảnh xã hội.

* Chị có thể nói rõ hơn...

- Tôi tin rằng áo dài giống như sinh vật sống, nó đòi hỏi phải thể hiện những thuộc tính của nó. Từ khi xuất hiện, áo dài luôn thể hiện bối cảnh xã hội, đời sống kinh tế xung quanh nó.

Thế kỷ 16, công nghệ dệt và công nghệ thủ công còn thô sơ. Sở dĩ có những mảng chắp vá vì người ta còn phải sống tằn tiện, bị rách chỗ nào người ta thay đúng vuông đó. Đến thời Pháp, từ Le Mur đến Lê Phổ, họ mang sở học, công nghệ phương Tây về, khung cửi rộng hơn, cái áo được lành lặn hơn. Ông Le Mur còn làm cổ cánh sen, đăng ten…

Sức hút áo dài Việt...

Sức hút áo dài Việt...

Từ ngày 5 đến 20/3/2016, Lễ hội Áo dài lần 3 của TP.HCM sẽ chính thức diễn ra, với chủ điểm 'Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố áo dài'. Nhân tháng này, lãnh đạo thành phố đã phát động chị em phụ nữ mặt áo dài suốt tháng...


Một giai đoạn, do ảnh hưởng thời hậu chiến của thế giới, áo dài được thiết kế với cái eo nhỏ xíu, mọi thứ phải sang trọng; rồi áo dài vạt ngắn, không chít eo. Lúc chiến tranh cam go nhất, áo dài cũng tạm thời “chết đi”. Sau đó, thời bao cấp, áo dài rất tằn tiện vải, ngắn cũn cỡn đến mức qua đầu gối.

Hiện giờ, trong cuộc cách tân mà chúng ta đang chứng kiến từ cái Tết mới đây, áo dài đang bị ngắn dần, hoạ tiết trang trí, quan niệm về thẩm mỹ của trang trí áo dài bị “Tàu hoá”. Người ta vẽ lên đó chữ thư pháp, tất cả những gì người ta nghĩ đó là tinh hoa dân tộc như rồng, phượng… Và với tôi thì đây là một giai kỳ luộm thuộm, cẩu thả nhất.

* Vậy chị nghĩ thế nào khi áo dài từng được sử dụng nơi vui chơi “nhạy cảm” hay trong những bộ ảnh bị cho là “dâm hóa áo dài”?

- Hãy xả thiêng cho áo dài và đừng gọi nó là quốc phục. Tôi coi nó là bộ da thứ hai của đàn bà Việt, nghĩa là người mặc sẽ mặc nó để làm tất cả các việc trên đời. Có lúc sang trọng, có lúc dân dã, thậm chí có lúc hơi... buông tuồng. Yếu tố lẳng lơ là có. Khi áo dài có yếu tố đó thì tội gì mà không khai thác nếu cần?

Sự kỳ diệu của áo dài cũng nằm ở sự biến hoá. Nó có thể phù hợp trong những buổi lễ trang trọng, nhưng chỉ cần biến báo vài chi tiết thì lại rất... gợi cảm…

Áo dài thể hiện chính xác tư duy thẩm mỹ của chủ nhân. Mặc cho kẻ khác nghiêng mình, cho người khác ngấu nghiến hay bị người ta đánh giá nó có gì sai là lựa chọn của cá nhân họ. Đã qua rồi thời kỳ mặc áo cho ấm và khi đã là bộ da thứ hai thì người mặc hoàn toàn có thể lựa chọn cách thể hiện mình với nó.

* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm