28/05/2019 11:01 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Di tích xuống cấp được giải thích do có niên đại xây dựng sớm, vật liệu chủ yếu là gỗ nên thời tiết, côn trùng xâm thực, một phần do không gian di tích bị chiếm dụng vào với mục đích khác. Nhưng vấn đề đáng nói, trước tình trạng di tích xuống cấp việc tu bổ, trùng tu lại chưa kịp thời, bởi lẽ nguồn lực luôn là bài toán khó.
Nguồn kinh phí còn thấp
Từ nhiều năm nay, thành phố Hà Nội thực hiện việc phân cấp quản lý di tích, trong đó thành phố trực tiếp quản lý 10 di tích tiêu biểu, các di tích còn lại phân cấp quản lý cho các quận, huyện, thị xã. Cũng từ đó, ngân sách thành phố đầu tư cho các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến và hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia do cấp huyện quản lý. Ngân sách cấp huyện đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích còn lại trên địa bàn và đối ứng cùng ngân sách thành phố đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia do cấp huyện quản lý. Tuy nhiên, do số lượng di tích xuống cấp lớn, nhiều địa phương không cân đối được ngân sách và không có nguồn lực cho việc này.
Đây chính là mấu chốt dẫn đến tình trạng hàng nghìn di tích xuống cấp nhiều năm qua nhưng chưa được tu bổ kịp thời. Chỉ tính trung bình mỗi di tích cần khoảng 10 tỷ đồng để trùng tu thì tổng kinh phí thực hiện trùng tu cho hơn 2.000 di tích xuống cấp đã là con số khổng lồ. Với số tiền lớn như vậy, thành phố không thể gánh nổi cùng một lúc và ngay cả việc xây dựng kế hoạch tu bổ theo từng giai đoạn khác nhau cũng vô cùng khó khăn. Vì vậy, với các di tích do cấp quận, huyện, thị xã quản lý thì các địa phương tự cân đối vốn đầu tư, thành phố chỉ hỗ trợ một phần kinh phí. Tuy nhiên, với khoản kinh phí quận, huyện, thị xã đầu tư cũng trở thành sức ép cho địa phương. Mặc dù đã được UBND thành phố có cơ chế hỗ trợ các di tích quốc gia như tại Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND nhưng phần lớn các địa phương còn nhiều khó khăn trong việc bố trí kinh phí thực hiện. Với các quận nội thành Hà Nội do có nguồn thu ngân sách lớn nên việc đầu tư, tu bổ di tích xuống cấp tương đối thuận lợi. Ngược lại, các huyện ngoại thành không có nhiều kinh phí cho việc tu bổ di tích, do vậy khu vực này còn tồn tại rất nhiều di tích xuống cấp.
Lãnh đạo UBND huyện Ứng Hòa cho biết, số lượng di tích của huyện nhiều, đứng thứ hai thành phố sau huyện Phú Xuyên nhưng phần lớn di tích đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nguồn ngân sách của thành phố và huyện tuy có đầu tư tôn tạo, sửa chữa song không đáng kể so với nhu cầu cần tu bổ.
Là người nhiều năm gắn bó với văn hóa Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cho rằng, hàng ngàn di tích ở Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ đổ vỡ, cần phải chống xuống cấp kịp thời nhưng trước tiên phụ thuộc vào kinh phí. Nhiều năm việc đầu tư chống xuống cấp di tích rất hạn chế, không đáp ứng yêu cầu thực tế; do vậy di tích đã xuống cấp càng xuống cấp nghiêm trọng. Khi đó, yêu cầu tài chính càng lớn hơn, càng dẫn tới bất cập trong thủ tục phê duyệt và triển khai dự án.
Trong những năm qua, thành phố cũng có những đầu tư nhất định trong việc trùng tu, tu bổ di tích. Giai đoạn từ năm 2012 đến nay giữa năm 2017 có trên 200 lượt di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội được tu bổ, tôn tạo. Ngoài ra, năm 2018, thành phố còn cấp bổ sung kinh phí cho các huyện, thị xã thực hiện tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp cho 50 di tích đã được xếp hạng. Nhưng với 220 di tích xuống cấp nghiêm trọng và 507 di tích xuống cấp nặng và hàng trăm di tích khác đang xuống cấp thì nguồn kinh phí của thành phố chi trả là chưa nhiều.
Nhận thức về di sản văn hóa chưa cao
Nếu chỉ nói rằng nguồn kinh phí thiếu khiến việc tu bổ di tích chưa kịp thời, các di tích đã xuống cấp lại càng xuống cấp hơn thì điều đó đúng nhưng chưa đầy đủ. Ngoài yếu tố khách quan do thời gian khiến di tích xuống cấp, cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề nhận thức về di sản văn hóa và việc bảo vệ di sản văn hóa trong cộng đồng dân cư chưa cao. Thậm chí một số tổ chức, cá nhân được giao trông coi di tích cũng tồn tại thực trạng này. Điều đó có thể lý giải tại sao tình trạng vi phạm, xâm hại di tích chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và đây cũng là yếu tố tác động đến sự xuống cấp của các di tích.
Tại đình Hà Vĩ, phố Hàng Hòm, phường Hàng Gai trong khu phố cổ Hà Nội, khuôn viên ngôi đình bị chiếm dụng để xây dựng nhà ở của 4 hộ dân cũng như đồ đạc của cửa hàng kinh doanh phía trước bày ngổn ngang. Cổng vào đình bị các hộ dân xây dựng chiếm gần hết lối đi, thậm chí có hộ xây nhà vệ sinh ngay sát đình. Tương tự, đình Trung Yên ở ngõ Trung Yên, phường Hàng Bạc cũng rơi vào tình trạng này khi nơi thờ tự phải đưa lên gác hai, phía dưới là hai hộ gia đình với gần chục khẩu đang sinh sống.
Thực tế, do điều kiện đất đai chật chội nên đối với các di tích trong các quận nội thành Hà Nội cũ còn có tình trạng vi phạm di tích làm ảnh hưởng lớn đến không gian, kiến trúc đình, chùa. Quá trình vi phạm di tích diễn ra nhiều nhất vào khoảng năm 60 của thế kỷ XX và nguyên nhân được lý giải do những người ở trong di tích từ ngày giải phóng Thủ đô (1954), người đi kinh tế mới trở về vào những năm 1960, người dân bãi chạy lũ lụt vào ở nhờ di tích và nhiều nguyên nhân khác.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực quản lý di tích các cấp còn mỏng, thiếu kinh nghiệm, còn chưa xứng với yêu cầu thực tiễn. Hiện nay, Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện là đơn vị tham mưu về công tác quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn; cán bộ tham gia quản lý di tích chỉ có một người vừa phải kiêm nhiệm các lĩnh vực, công việc khác của phòng, thậm chí còn kiêm nhiệm quản lý di tích. Chính lý do này khiến các cơ quan quản lý chưa nắm bắt kịp thời các hoạt động tại di tích và chưa chủ động đề ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.
Bài 3: Xã hội hóa và lộ trình “cứu” di tích
Đinh Thuận
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất