Để VQG Cát Tiên trở thành di sản thế giới...

01/08/2008 07:00 GMT+7 | Tin di sản


Di tích Cát Tiên
Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên (bao gồm khu di tích khảo cổ Cát Tiên) là một trong4 đề cử nhằm chuẩn bị hồ sơ khoa học trình lên UNESCO để được công nhận là di sản thiên nhiên - văn hóa của thế giới.
 
Theo Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, yếu tố khiến VQG được Nhà nước quan tâm thúc đẩy việc lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là di sản thế giới trước tiên chính là nhờ những giá trị đặc biệt về mặt thiên nhiên kết hợp với nhiều giá trị về mặt văn hóa.
 
* "Tiếng nói" từ đền tháp, cổ vật...

Một góc quần thể di tích Cát Tiên đã được khai quật tại xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng
Nếu như những giá trị về mặt thiên nhiên của VQG Cát Tiên đã được khẳng định qua sự công nhận của UNESCO (là khu dự trữ sinh quyển của thế giới) và của Công ước Ramsar (hệ đất ngập nước Bàu Sấu trong VQG là vùng đất ngập nước quan trọng của thế giới) thì đây là lần đầu tiên khu di tích khảo cổ Cát Tiên (nằm trong phạm vi VQG Cát Tiên) "cất lên tiếng nói" để được thế giới ghi nhận những giá trị đặc biệt của mình.
Theo nhà khảo cổ học TS. Phạm Quang Sơn (Trung tâm Khoa học xã hội vùng Nam bộ), quần thể các di tích khảo cổ học này trải dài trên 15km dọc hai bờ thượng nguồn sông Đồng Nai thuộc hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Kể từ khi dấu vết các di tích khảo cổ học đầu tiên được hai cán bộ trẻ của Nhà bảo tàng tỉnh Lâm Đồng phát hiện vào năm 1985 thuộc xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) đến nay, quần thể di tích này luôn được giới khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu.

Khai bóc sâu xuống các lớp đất, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều loại hình kiến trúc gạch ở quần thể này như tháp, đền tháp, mộ, đài thờ, nhà dài, đường nước. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn ghi nhận được các lớp đất cư trú với những mảnh gốm cổ và than tro, sàn gạch, đất nện, các đoạn tường gạch, đống gạch phế liệu, mộ táng không xây gạch... Trên phạm vi VQG Cát Tiên thuộc tỉnh Đồng Nai, các nhà khảo cổ cũng phát hiện nhiều kiến trúc cổ bằng gạch ở xã Nam Cát Tiên, ở Đạ Lắk, Đắk Lua...
Đến nay, di vật thuộc quần thể di tích Cát Tiên thu được hết sức phong phú với những viên gạch, ngói, đá (lát nền, bậc cửa, mi cửa, cột...), đồ gia dụng bằng gốm, đồng, vũ khí bằng sắt... Riêng bộ sinh thực khí linga và yoni ở di tích này được coi là lớn nhất từ trước đến nay tại khu vực Đông Nam Á.
Biểu tượng sinh thực khí lớn nhất Đông Nam Á ở Cát Tiên
Trong các đền và mộ tháp, các nhà khảo cổ đã thu thập được bước đầu 276 lá vàng có chạm khắc, dập hình người, động vật, hoa sen..., các phù điêu dập nổi hình thần Shiva, đĩa đồng, chân đèn, mặt tượng...
Trong đợt khai quật gần đây nhất tại di chỉ khảo cổ số 6 (thuộc xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng), người ta còn phát hiện một chiếc hộp bằng bạc chạm khắc hình sư tử. Nhà khảo cổ học TS. Bùi Chí Hoàng, người đã 20 năm gắn bó cùng di tích, cho biết hiện vật này biểu hiện nhiều yếu tố văn hóa giống bên ngoài, đặc biệt là vùng Lưỡng Hà. Ông đặt giả thiết cộng đồng cư dân cổ xưa ở đây đã từng có mối quan hệ giao thương mạnh mẽ với thế giới bên ngoài bằng đường biển và đường bộ.
 
* Nhiều bí ẩn cần được giải mã
Cũng theo nhà khảo cổ học TS. Bùi Chí Hoàng, một trong những giá trị nổi bật của quần thể di tích Cát Tiên mà chúng ta có thể thuyết phục UNESCO công nhận chính là di tích có niên đại từ rất sớm khi đặt trong tương quan so sánh với những quần thể di tích có cùng phong cách chịu ảnh hưởng từ Bà la môn giáo ở khu vực Đông Dương.
Di vật ở Cát Tiên
Bằng phương pháp phân tích carbon (C14), các nhà khoa học đoán định khung niên đại của quần thể di tích này vào khoảng năm 250 đến năm 450, tức sớm hơn rất nhiều so với Mỹ Sơn và tương đương với thời kỳ tiền Angkor. TS. Hoàng cho rằng: Chỉ với những phế tích còn lại trên mặt đất, giá trị của quần thể di tích này cũng đã được khẳng định. Thông qua những hiện vật, mô típ trang trí đền tháp, có thể khẳng định được những thành tựu phong phú về văn hóa vật chất, tinh thần, nghệ thuật của cộng đồng cư dân cổ xưa nơi đây. Điều này đủ để di tích này trở thành di sản của thế giới, chứ không chỉ riêng của chúng ta.

Theo những tài liệu của UNESCO, tính từ năm 1992 - năm lần đầu tiên UNESCO đưa ra khái niệm về một di sản hỗn hợp gồm cả thiên nhiên và văn hóa nhằm miêu tả mối quan hệ tương hỗ đặc biệt giữa thiên nhiên và văn hóa của một số khu di sản, cho đến nay cả thế giới hiện mới chỉ có 23 di sản thuộc loại này. Vì vậy, ý kiến của Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng: dù với những giá trị đã được phát hiện và khẳng định, quần thể di tích Cát Tiên xứng đáng được ghi nhận là một trong những di sản văn hóa của nhân loại.
 
Tê giác Cát Tiên
* VQG Cát Tiên - nơi trú ẩn của loài tê giác

Cùng với hệ sinh thái rừng đặc hữu, hệ động vật ở Vười quốc gia Cát Tiên cũng hết sức đa dạng, phong phú với hơn 1.400 loài, trong đó có những loài cực kỳ quý hiếm đã ghi tên trong sách đỏ thế giới. trong đó có hơn 100 loài động vật quý hiếm như tê giác Java, bò rừng, cá sấu nước ngọt, gõ đỏ, hạc cổ trắng, gà so cổ hung...
 
Năm 1999, sau khi khẳng định sự hiện hữu tại Cát Tiên loài tê giác Java, được coi là một trong số những động vật hiếm nhất trên trái đất, VQG nàyđã nhận được sự chú ý của cả thế giới. Đã có dự án bảo tồn những con tê giác hiếm hoi của Việt Nam, cũng là một trong hai quần thể tê giác còn lại duy nhất trên hành tinh này (7 con).
 
Với những con số giá trị như thế, VQGCT được đánh giá là khu vực có nguồn tài nguyên sinh vật phong phú nhất của Việt Nam. Đó chính là sự: “Chứa đựng những môi trường sống quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn sự đa dạng sinh học bao gồm cả những loài đang bị đe dọa có giá trị nổi bật toàn cầu theo quan điểm khoa học hoặc bảo tồn” – một trong 4 nội dung để có thể công nhận Vườn quốc gia cát Tiên là di sản thế giới.
 
Theo Báo Đồng Nai, Đài PTTH Đồng Nai

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm