04/10/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá
Đây là lời của nhiếp ảnh gia Mỹ William E. Crawford, người đã dành đến 30 năm để chụp Hà Nội và Việt Nam. Thành quả là cuốn sách ảnh Hanoi Streets 1985-2015: In The Years Of Forgetting (Hà Nội 1985 - 2015: Những năm tháng bị lãng quên).
Tình yêu, sự gắn kết với Hà Nội của William E. Crawford không chỉ ở quá khứ, mà còn cả hiện tại. Tháng 4/2023, một triển lãmcùng tên cuốn sách cũngđã diễn ra tại Hà Nội, do Trâm Vũ và Suzanne Lecht giám tuyển, Manzi và Art Vietnam phối hợp tổ chức, với sự tài trợ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
Triển lãm thuộc khuôn khổ biennale nhiếp ảnh quốc tế Photo Hanoi'23, do Viện Pháp tại Việt Nam khởi xướng.
Những góc nhìn chi tiết về Hà Nội
Trong gia đình William Crawford, nhiếp ảnh là nghề "cha truyền con nối" đến vài đời. Trong ký ức của con trai ông - anh William J.Crawford - thì từ đời cụ và ông của mình đã dùng hình ảnh để ghi chép lại sự phát triển của Chicago (Mỹ) đầu thế kỷ 20. Bố anh còn dành rất nhiều thời gian "vùi" mình trong phòng tối để nghiên cứu kỹ thuật in từ thế kỷ 19.
Kết quả từ những năm tháng ấy, William E. Crawford đã xuất bản cuốn sách The Keepers Of Light (Những người canh giữ ánh sáng) vào thập niên 1970 - cuốn sách quan trọng trong sự nghiệp, vì ông đưa các phương pháp chụp ảnh thời kỳ đầu để sử dụng trở lại. Để hoàn thiện cuốn sách này, ông đã phải tự mình khám phá lại một số quy trình làm việc một cách rất kỹ càng, tỉ mỉ.
Trong hành trình cầm máy của mình, Việt Nam là một điểm dừng chân đầy bất ngờ và khó quên với William E. Crawford (tạm gọi là William "bố") ngay từ lần đầu tiên. Đó là năm 1985, ông sang Việt Nam theo lời mời của đoàn ngoại giao không chính thức của Tommy Vallely và Thượng nghị sĩ John Kerry. Những dấu ấn của Hà Nội lúc bấy giờ khiến ông nhanh chóng nhận ra những giá trị tiềm ẩn trong các bức ảnh sẽ chụp.
"Tôi tin rằng, nếu theo đuổi chụp Hà Nội trong nhiều năm, mình sẽ có một dự án rất hiệu quả và có giá trị" - William E. Crawford nhớ lại.
Ở giai đoạn đó, Hà Nội là một thành phố đặc biệt đối với ông, không chỉ bởi những thay đổi mạnh mẽ khi cả đất nước đang có những chuyển đổi sang cơ chế mới. Sau sự tàn phá của chiến tranh là sự tái sinh và vươn lên theo một hình thức hiện đại, những con người trong công cuộc ấy cũng là tinh túy làm nên cuốn sách của William E. Crawford.
Trong các bức ảnh chụp Hà Nội, ông hướng mình đến những góc nhìn mang tính chi tiết của đô thị như kiến trúc thuộc địa, chân dung, phong cảnh. Thực tế, cái nhìn đầy tập trung này của William E. Crawford đã thể hiện rất rõ những đặc tính đặc trưng của Hà Nội và điều đó cũng làm nên một cuốn sách mang tính nghiên cứu chuyên sâu.
"Lúc đó, tôi chỉ có một mối quan tâm duy nhất là Hà Nội. Tôi quan tâm đến những gì đang diễn ra trong nội tại của thành phố này, cũng như những gì đang diễn ra trong chính ngôi nhà của mọi người và trên đường phố" - William E. Crawford tiếp lời.
Theo thời gian, ở những lần đến Việt Nam sau này, William Crawford tiếp tục nhận ra sự quyến rũ của Hà Nội cũng đã vơi đi phần nào do năm tháng và trước sự chuyển động của xã hội, nhưng ông vẫn bày tỏ tình yêu Hà Nội theo cách của mình.
"Tôi thích cả một Hà Nội trong quá khứ lẫn hiện tại, vì kiến trúc của Hà Nội đầu thế kỷ 20 rất lôi cuốn và đáng được bảo tồn" - William Crawford đưa ra quan điểm. Mặt khác, ông cũng mừng vì một Hà Nội hiện đại đã giúp cho người dân có cuộc sống tốt hơn trước rất nhiều.
"Người Mỹ hiếm hoi ở miền Bắc"
"Tôi là một trong những nhiếp ảnh gia Tây phương đầu tiên được đến miền Bắc Việt Nam sau thời kỳ chiến tranh. Tôi đã chụp ảnh Thủ đô Hà Nội thường xuyên từ năm 1985, tập trung vào các chi tiết của đô thị, kiến trúc thuộc địa, chân dung, phong cảnh. Tôi tin tôi là nhiếp ảnh gia đầu tiên - dù là phương Tây hay Việt Nam- chụp ảnh Hà Nội qua các thời kỳ như một nghiên cứu và ghi chép. Trong những năm trước khi bùng nổ du lịch, tôi thường xuyên là người Mỹ hiếm hoi ở miền Bắc.
Những năm đầu tôi đến đây, Hà Nội bị tàn phá rất nặng nề, nhưng vẫn còn nhiều đường nét từ thời kỳ thực dân và cả trước đó, đủ để hình dung bộ mặt thành phố vào những thời kỳ còn lành lặn. Năm 1986, Việt Nam đổi mới, kết quả là Hà Nội đã thay đổi chóng mặt trong vòng 3 thập niên qua. Đây là một cuốn sách giáo khoa với những ví dụ điển hình về châu Á và các thành phố đang phát triển - bị tàn phá, và rồi tái sinh, vươn lên theo một hình thức hiện đại. Công cuộc hiện đại hóa này và những con người làm nên nó, chính là tinh túy của sáchnày" - trích lời giới thiệu của William E. Crawford trong sách ảnh Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting.
"Thuộc đường phố Hà Nội còn hơn cả Boston"
Kể từ khi William "bố" sang Việt Nam, lần nào ông cũng có người bạn đồng hành đặc biệt, đó là William "con": William J.Crawford. Lần đầu tiên là lúc William "con" mới 8 tuổi. Gắn bó Hà Nội lâu đến mức William "con" phải thốt lên: "Đôi khi tôi cảm thấy mình thuộc đường phố Hà Nội còn hơn Boston quê hương. Thuộc giống y hệt bố của tôi vậy".
Năm 2005, 2 cha con trở lại Hà Nội. Cả 2 đã quyết định đi thăm con phố mà William "bố" đã chụp từ 19 năm trước.
Để chuẩn bị cho chuyến đi này, William "bố" đã in một bộ ảnh chụp ở con phố mà cả 2 sẽ đến thăm. Khi 2 cha con cầm những bức ảnh đi qua đi lại cho mọi người xem hình ảnh những ngôi nhà của ngày xưa - đa số những người trong ảnh vẫn còn ở đó.
"Chúng tôi rất vui mừng bởi sự kết nối của mình với những người dân cũng như lịch sử của địa phương qua chính những bức ảnh như vậy. Lần này khi đến Hà Nội tôi cũng đã làm điều tương tự - tìm những người trong ảnh của 40 năm trước. Với tôi, đó là 1 trong những điều kỳ diệu của phố cổ Hà Nội - một cảm giác tiếp nối song song với sự đổi thay. Những ngôi nhà không thể nhận ra được, nhưng con người thì có" - William "con" chia sẻ.
May mắn cho William "bố" khi ông có một con trai đã gắn bó và đồng hành cùng mình trong sự nghiệp, đặc biệt là với dự án về Hà Nội. Nên khi triển lãm Hanoi Streets 1985-2015: In The Years Of Forgetting diễn ra, chính William J.Crawford đã giúp bố thực hiện phần lớn các công đoạn.18 bức ảnh đã được lựa chọn tỉ mỉ từ cuốn sách cùng tên.
William "con" kể: "Trong dự án này, bố tôi muốn những bức ảnh thể hiện Hà Nội một cách chính xác và đầy đủ nhất có thể, cũng là để thực sự thấy cách thành phố này thích nghi với thế giới hiện đại như thế nào.
Trước triển lãm, chúng tôi đã lấy các tập tin gốc của bố để in lại với kích thước lớn. Tôi mang 1 bộ đến cho bố ở California để cùng xem lại màu sắc và đảm bảo rằng nó đúng như ý ông muốn. Sau đó, tôi quay trở lại Boston để thực hiện những bản in cuối cùng và gửi về Việt Nam".
Anh kể tiếp: "Tất cả những hình ảnh này ban đầu được chụp trên phim. Bố tôi luôn rất chú trọng đến màu sắc và tạo ra những hình ảnh chính xác nhất có thể về diện mạo của thành phố. Điện thoại di động và máy ảnh hiện đại có xu hướng làm cho mọi thứ trông khác so với thực tế - màu sáng hơn, độ tương phản cao hơn. Vì vậy, ông đã dành hàng trăm giờ để nghiên cứu kỹ thuật tạo ra màu sắc đúng với thực tế của Hà Nội lúc bấy giờ".
Cũng theo William "con",Hanoi Streets 1985-2015: In The Years Of Forgetting là một phần của một hành trình - từ những bức ảnh và tranh từ ngày xưa của Hà Nội, cho đến tranh phố của Bùi Xuân Phái, tiếp đến là những tác phẩm về Việt Nam ngày nay, như của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn - người đang tiếp tục làm những ghi chép về phố cổ cho thế hệ sau.
"Cha tôi luôn cảm thấy rất vinh dự được chào đón ở Hà Nội và tham gia vào hành trình nghệ thuật luôn tiếp diễn ở nơi đây. Đó là lý do tại sao Giải thưởng Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt lớn đối với gia đình tôi" - William J.Crawford bày tỏ.
Cơ duyên của triển lãm
Suzanne Lecht, đồng giám tuyển của triển lãm Hà Nội 1985 - 2015: Những năm tháng bị lãng quên, cho biết: "Chúng tôi, Art Vietnam Gallery và David Thomas đã cùng nhau lên ý tưởng về một cuộc triển lãm mang tính "gặp gỡ" giữa Nguyễn Thế Sơn và William E. Crawford. Có thể thấy, 2 nghệ sĩ, 1 người Mỹ thuộc thế hệ chiến tranh Việt Nam và người kia là một người Việt Nam sinh sau chiến tranh đã ghi lại Hà Nội theo những phong cách rất khác nhau, vào những thời điểm rất khác nhau. Chúng tôi bắt đầu thực hiện ý tưởng này thì Covid-19 đã xảy ra.
Sau đó, như số phận sắp đặt, chúng tôi lại có cơ hội thực hiện triển lãm khi Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức biennale nhiếp ảnh quốc tế Photo Hanoi'23". Lúc ấy, thì 2 triển lãm của William E. Crawford và Nguyễn Thế Sơn được tổ chức độc lập, nhưng có tính gắn kết về thời gian, khiến cho Hà Nội trở nên liền mạch trong dòng chảy của lịch sử, thể hiện sự nối tiếp cả về không gian lẫn con người".
4 đề cử Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội
1. Cuốn Phố Hàng Bột, chuyện tầm phào mà nhớ của Hồ Công Thiết (NXB Lao Động và Chibooks ấn hành).
2. Triển lãm ảnh Hanoi Streets 1985-2015: In The Years Of Forgetting (Hà Nội 1985 - 2015: Những năm tháng bị lãng quên) của William E. Crawford do Không gian nghệ thuật Manzi, Phòng tranh Art Vietnam phối hợp tổ chức với sự tài trợ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
3. Cuốn Hà Nội chuyện xưa phố cũ (NXB Hà Nội) của Tạ Thu Phong.
4. Cuốn Hà Nội đây chứ đâu (NXB Hội Nhà văn) của Đỗ Đức.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất