Có hay không “vàng ảo”?

22/03/2011 17:10 GMT+7 | Thế giới

Từ khi Việt Nam xuất hiện hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài (2006) và kinh doanh vàng tại các trung tâm giao dịch vàng hay còn gọi là sàn vàng (2007), một số phương tiện truyền thông trong nước thường đề cập đến khái niệm “vàng ảo”.


Hoạt động kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài đã bị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngừng từ tháng 7/2010.

Tuy nhiên, theo người viết, khái niệm “vàng ảo” chưa phản ánh đúng bản chất vấn đề và gây ra nhiều ngộ nhận không cần thiết đối với các nhà đầu tư, nhà phân tích, nhà quản lý và nhà hoạch định chính sách.

Nhiều bài viết về thị trường vàng có vẻ thích dùng từ “vàng ảo” (viết nháy trong ngoặc kép). Tuy nhiên, nội dung bài viết thường chỉ mô tả được một vài khía cạnh đơn lẻ trong quy trình kỹ thuật sản phẩm và thiếu góc nhìn toàn cục của hoạt động kinh doanh vàng, rồi đi đến kết luận bằng vài chữ đại loại “như thế là ảo”, hoặc “đó là vàng ảo”. Nói cách khác, một khái niệm mới được nêu ra, nhưng thiếu định nghĩa thấu đáo để có thể thảo luận.

Cái gọi là “vàng ảo” mà một số bài viết nêu lên thường muốn gắn kết với vàng trên tài khoản. Ngoài ra, còn có một số tình huống ngộ nhận khác cũng bị quy kết là “ảo”. Người viết kỳ vọng, việc phân tích cụ thể ba trường hợp dưới đây - xuất phát từ kinh nghiệm và cơ sở lý luận thực tiễn - sẽ giúp phản ánh đúng bản chất vấn đề của thị trường vàng dưới góc nhìn đa chiều và logic, qua đó chứng minh khái niệm “vàng ảo” là không có cơ sở.
 
Trường hợp 1: Vàng trên tài khoản không phải là vàng ảo

Có lẽ do quá  quen với cảnh mua bán vàng miếng ở Việt Nam (một cách thức giao dịch lâu đời, nhưng ẩn chứa nhiều bất tiện và rủi ro), nên người ta dễ có khuynh hướng xem vàng không tồn tại dưới dạng vật chất hữu hình là “vàng ảo”. Lập luận này thiếu căn cứ do không dựa trên nền tảng về chuẩn mực hạch toán kế toán.

Lấy ví dụ về một doanh nghiệp Việt Nam (gọi tắt là “Bên A”) xuất khẩu 100 kg vàng vật chất cho người mua ở Thụy Sĩ (gọi tắt là “Bên B”). Sau khi nhận hàng và khấu trừ mọi chi phí phát sinh, Bên B sẽ ghi có số dư vàng vào tài khoản vàng (metal account) của Bên A mở trên sổ sách kế toán của Bên B.

Chi phí phát sinh do Bên A chịu bao gồm: (i) phí tinh luyện nếu lô hàng có hàm lượng dưới 99,99% (refining cost), (ii) phí giám định (assaying cost), và (iii) phí nghiệp vụ (handling cost). Để đơn giản hóa ví dụ, giả định tổng chi phí của lô hàng là 1 kg vàng.

Vậy, số lượng 100 kg vàng vật chất sẽ được chuyển hóa hình thái thành số dư 99 kg vàng tài khoản. Thị trường tài chính quốc tế gọi vàng tài khoản là “loco London gold” (loco: viết tắt của chữ location, nghĩa là địa điểm), tức vàng tinh chất 99,99% đạt tiêu chuẩn quốc tế có thể giao dịch tự do tại thị trường London (Anh).

Từ hình thái ban đầu là vàng vật chất có tính năng như hàng hóa (commodity) ẩn chứa nhiều chi phí và rủi ro trong giao dịch (như kiểm đếm, lưu kho, vận chuyển, bảo hiểm, an ninh, thất lạc, mất mát, nhân công…), nay vàng tài khoản trở thành một công cụ có tính thanh khoản cao (liquidity) với đầy đủ tính năng như tiền tệ (currency), có thể dễ dàng thực hiện nhiều nghiệp vụ như: (i) chuyển khoản vàng (gold transfer), (ii) gửi vàng (gold deposit), (iii) ký quỹ (gold margin), (iv) cho vay (gold lending), (v) thế chấp (gold collateral), và (vi) mua bán (gold trading)…

Trở lại ví dụ  trên, sau khi Bên B báo có số dư vàng cho Bên A, lúc này số dư vàng hạch toán trên tài khoản cũng hoàn toàn tương tự như số dư tiền gửi hạch toán trên tài khoản. Nói cách khác, Bên A là chủ sở hữu số dư vàng, còn Bên B là người đang nợ số dư vàng đó.

Với tư cách là chủ sở hữu số dư vàng, Bên A có thể ra lệnh điều chuyển vàng sang nơi khác hoặc bán số dư vàng lấy USD. Với số dư USD này (giống như thu ngoại tệ hàng xuất), Bên A có thể tùy nghi sử dụng phù hợp với quy định quản lý ngoại hối hiện hành hoặc có thể bán USD lấy VND, mang VND gửi ngân hàng hoặc rút VND tiền mặt nộp quỹ công ty mình.

Quy trình xuất khẩu vàng nói trên cho thấy bước khởi đầu là vàng thực và bước cuối cùng là tiền thực, dù tiền USD hay tiền VND. Vậy, với điểm xuất phát và điểm kết thúc đều là thực, nếu xem vàng trên tài khoản là vàng ảo, liệu có thể chấp nhận cách lập luận thiếu thuyết phục rằng để có thể xuất khẩu vàng thực nhằm thu về ngoại tệ/nội tệ thực, phải trải qua một công đoạn “ảo hóa vàng” trước, rồi mới có thể “thực hóa tiền” sau?

Xét một khía cạnh khác, với số dư vàng sẵn có trên tài khoản chưa sử dụng hết, nếu cần thanh khoản vàng vật chất trong nước, Bên A có thể yêu cầu Bên B chuyển vàng về Việt Nam thông qua nghiệp vụ hoán đổi vàng vật chất (physical gold swap). Theo đó, Bên A chốt giá bán cho Bên B số dư vàng tài khoản cụ thể, đồng thời chốt giá mua của Bên B số lượng vàng vật chất tương ứng. Giá bán vàng tài khoản và giá mua vàng vật chất trong trường hợp này là cùng một giá (tức Bên A không phải trả chênh lệch giá cho Bên B).

Tuy nhiên, để có thể sở hữu vàng vật chất, Bên A phải trả cho Bên B phí chuyển đổi hình thái từ vàng tài khoản sang vàng vật chất mà thuật ngữ tài chính gọi là phí nhận vàng vật chất (physical premium). Về bản chất, phí nhận vàng vật chất bao gồm: (i) phí chế tác, (ii) phí vận chuyển, và (iii) phí bảo hiểm.

Với tính năng chuyển đổi dễ dàng từ số dư vàng tài khoản thành số lượng vàng vật chất nói trên, không thể gọi vàng tài khoản là vàng ảo được. Nếu vàng trên tài khoản là ảo, thì tiền VND, tiền USD hoặc bất cứ loại tiền tệ nào khác trên tài khoản cũng ảo nốt.

Tới đây, ta thấy rõ tính chất chuyển hóa linh hoạt từ hình thái vàng tài khoản sang hình thái vàng vật chất và ngược lại, tương tự như sự chuyển hóa linh hoạt hai chiều từ tiền mặt thành tiền gửi ngân hàng. Tiền hay vàng nằm trên tài khoản cùng với tính thanh khoản và tính lưu thông thuận tiện của chúng là một phát minh vĩ đại của con người thông qua sự ghi chép sổ sách của hệ thống kế toán.

Tóm lại, trên các thị trường tài chính tiên tiến trên thế giới, vốn đã đi trước Việt Nam hàng trăm năm cũng không có khái niệm vàng ảo. Đôi khi người ta thay thế thuật ngữ “loco London gold” bằng từ ngắn gọn “paper gold”, tức vàng trên giấy tờ sổ sách.

Vì vậy, cần loại bỏ khái niệm “vàng ảo”, mà chỉ nên sử dụng khái niệm vàng tài khoản. Muốn sáng tạo ra một khái niệm mới trong kinh tế, phải hiểu rõ và phản ánh đúng bản chất vấn đề. Ngoài chữ vàng tài khoản ra, có thể sử dụng hai thuật ngữ khác để có thể thay thế như: (i) vàng ghi sổ, (ii) vàng bút tệ.

Về bản chất các thuật ngữ này đều có nội hàm như nhau, và quan trọng hơn hết chúng đều là vàng thực, vì xuất phát điểm cốt lõi của chúng đều dựa trên một tài sản nền có thực (real underlying asset), đó là vàng vật chất có trong tự nhiên.
 
Trường hợp 2: Kinh doanh vàng ký quỹ không phải là ảo

Kinh doanh vàng dưới hình thức ký quỹ phi tập trung (gold margin trading) hoặc dưới hình thức ký quỹ tập trung tại Sàn vàng (gold trading exchange) có sử dụng đòn bẩy tài chính (financial leverage) là một trong những phương thức đầu tư vàng tiên tiến nhất trên thế giới thay cho cách mua bán vàng vật chất vốn ẩn chứa nhiều bất tiện và rủi ro.

Lợi ích của kinh doanh vàng ký quỹ tập trung tại sàn là:

- Tạo cơ hội kinh doanh trong nước cho nhà đầu tư một cách minh bạch thay cho kinh doanh trên mạng quốc tế một cách lén lút.

- Không đòi hỏi nhiều vốn, chỉ yêu cầu thanh toán một khoản ký quỹ ban đầu (initial margin) thay vì 100% giá trị giao dịch.

- Xác định mức lỗ tối đa khi mở trạng thái.

- Tự quyết định mức giá đặt lệnh, và cơ chế khớp lệnh liên tục giúp gia tăng tính thanh khoản của thị trường.

- Việc thanh toán mua bán sẽ được thực hiện bằng cách ghi nợ/ghi có trên tài khoản, giúp giảm thiểu rủi ro tác nghiệp (sai sót trong kiểm đếm, giao nhận, thất lạc hoặc mất mát tiền/vàng), rủi ro thanh toán, rủi ro đối tác so với cách thức giao dịch vàng vật chất ngoài thị trường.

- Nhà nước dễ dàng đo lường quy mô giao dịch của thị trường và có thể áp dụng thu thuế đối với nhà đầu tư và đơn vị tổ chức sàn khi cần thiết.

Vừa qua, có một số ý kiến cho rằng kinh doanh vàng ký quỹ với tỷ lệ ký quỹ ban đầu cao hơn 90% trên tổng quy mô trạng thái 100% mới là không “ảo”. Nếu tỷ lệ ký quỹ ở mức thấp 5% chẳng hạn, phần đòn bẩy tài chính 95% dưới hình thức cho vay được xem là “ảo”. Có thể tóm tắt ý chính của lập luận này là “ảo xảy ra khi tỷ lệ ký quỹ thấp và tỷ lệ cho vay cao”.

Trước tiên, có thể khẳng định ngay rằng kể cả khi mức tỷ lệ ký quỹ giảm xuống dưới 1% cũng không phải là ảo. Về bản chất, tỷ lệ ký quỹ chính là hạn mức chặn lỗ (slop loss limit) của nhà đầu tư. Nếu giá vàng biến động trái với kỳ vọng, nhà đầu tư chỉ lỗ đúng phần tiền đã ký quỹ, không phải lỗ toàn bộ 100% tổng quy mô trạng thái. Tỷ lệ ký quỹ dù ở mức độ nào cũng chỉ là thỏa thuận tự nguyện đã ghi trong hợp đồng giữa nhà đầu tư và đơn vị quản lý sàn.

Trước khi có công cụ kinh doanh vàng ký quỹ trên sàn, nhà  đầu tư đã thực hiện kinh doanh vàng truyền thống dưới hình thức vay nợ ngân hàng và thế chấp bằng tài sản hình thành từ nợ vay từ hàng chục năm qua.

Ví dụ, nhà đầu tư muốn đầu tư giá xuống, đến ngân hàng vay vàng, bán vàng cho ngân hàng lấy VND, dùng VND thế chấp tại ngân hàng với tỷ lệ giải ngân theo hạn mức tín dụng do ngân hàng quy định. Nếu ngân hàng duyệt cho vay 95%, nhà đầu tư phải chuẩn bị vốn tự có 5% mới có thể thực hiện giao dịch. Giả sử giá vàng giảm như dự đoán, nhà đầu tư sẽ mua vàng trả nợ cộng lãi vay cho ngân hàng và hưởng lợi nhuận chênh lệch giá vàng.

Về bản chất, cách thức kinh doanh vàng truyền thống và kinh doanh vàng ký quỹ trên sàn là hoàn toàn giống nhau. Vốn tự có 5% chính là tỷ lệ ký quỹ của nhà đầu tư, tỷ lệ giải ngân 95% chính là đòn bẩy tài chính mà ngân hàng cung ứng cho khách hàng.

Nếu xem kinh doanh vàng với tỷ lệ ký quỹ thấp là “ảo” và giả sử nhà đầu tư nhận định đúng xu hướng giá và thu được lợi nhuận cụ thể, liệu phải giải thích như thế nào khi kinh doanh vàng “ảo” mà lại cho ra kết quả lãi “thực”?

Nếu xem đòn bẩy tài chính 95% trong kinh doanh vàng ký quỹ là “ảo”, vậy tỷ lệ giải ngân 95% trong kinh doanh vàng truyền thống từ trước đến nay là “ảo” hết hay sao?

Hơn 10 năm qua, phần lớn các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh và cho vay vàng theo cách truyền thống đều có lãi với số liệu hạch toán, kiểm toán minh bạch. Lãi này được phân bổ thành nhiều khoản mục, trong đó có thuế nộp ngân sách và cổ tức trả cho cổ đông. Chẳng lẽ các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng nộp ngân sách “ảo” và trả cổ tức “ảo”?

Tất cả các trạng thái kinh doanh vàng ký quỹ khi chưa tất toán sẽ  ở trong tình trạng lãi/lỗ tiềm năng (potential loss/profit), nhưng khi đã đóng toàn bộ trạng thái, kết quả chung cuộc sẽ là lãi/lỗ thực tế (realised loss/profit) hoặc hòa vốn (break-even), không có lãi/lỗ ảo ở đây.

Tỷ lệ ký quỹ nhiều hay ít, cao hay thấp không liên quan gì đến khái niệm “ảo”. Điều cốt lõi cần thảo luận ở đây đó là để hạn chế tình trạng đầu tư quá mức trong hoạt động kinh doanh vàng ký quỹ, nên quy định chặt chẽ về: (i) mức tỷ lệ ký quỹ hợp lý, (ii) đối tượng khách hàng tham gia, (iii) quy mô tối đa của một giao dịch, (iv) quy mô tổng trạng thái tích lũy tối đa, (v) tổng dư nợ tín dụng tối đa, (vi) cách thức bảo hiểm rủi ro, và (vii) hình thức xử lý vi phạm.

Trường hợp 3. Quy định “không được rút vàng, chỉ được rút VND” không phải là ảo

Có một vài nhận xét cho rằng nếu nhà đầu tư có trạng thái dương vàng trên sàn, nhưng không được rút vàng, mà chỉ được rút VND hoặc rút vàng trả phí, đó là kinh doanh vàng ảo.

Ngược lại, nếu nhà đầu tư được rút vàng bất cứ lúc nào, đó mới là không ảo. Nói ngắn gọn, theo lập luận này “ảo tức là không được rút vàng ra khỏi sàn”.

Tới đây, cần nhấn mạnh một lần nữa rằng hình thái vàng tài khoản (hoặc vàng trên sàn) và hình thái vàng vật chất là hoàn toàn khác nhau. Sự khác nhau về hình thái này tất yếu dẫn đến chi phí vận hành và quản lý đối với chúng cũng khác nhau. Vì vậy, với số dư vàng trên sàn, muốn rút ra dưới dạng vật chất, chắc chắn sẽ phải trả một khoản phí, giống như “phí nhận vàng vật chất” như đã nêu trong trường hợp 1.

Có thể dẫn chứng một trường hợp tương tự về tiền mặt và tiền chuyển khoản. Một ngân hàng Việt Nam có số dư USD trên tài khoản nostro ở nước ngoài, muốn rút ngoại tệ tiền mặt phải trả phí cho ngân hàng nước ngoài. Cứ 1 USD chuyển khoản chỉ đổi được hơn 0,9 USD tiền mặt.

Có một vài nguyên nhân chính về điều khoản “không cho rút vàng”:

- Chi phí lưu kho, bảo quản, vận chuyển… rất tốn kém.

- Tính thanh khoản đặc thù của vàng vật chất là rất kém so với tiền.

- Chính sách xuất nhập khẩu vàng chưa được tự do hóa, tức phải thông qua cơ chế cấp hạn ngạch (quota). Trong điều kiện đặc thù như thế, một khi chính sách chưa giải quyết quy luật cung-cầu vàng ở tầm vĩ mô, không có bên tham gia thị trường nào có thể tự xoay xở đầy đủ nguyên liệu vàng đầu vào để gia công, chế tác thành vàng vật chất cho nhà đầu tư.

Vào thời kỳ giữa những năm 1985, có trường hợp cá nhân và doanh nghiệp đã gửi tiền vào ngân hàng và không thể rút ra theo nhu cầu, nhưng không ai gọi đó là “tiền ảo”, vì người dân hiểu rằng trong từng điều kiện kinh tế đặc thù, việc điều hòa lưu lượng tiền mặt cho cả nền kinh tế đôi khi có những bất cập trong tác nghiệp.

Tương tự như thế, sự “không-được-rút-ra” đối với vàng không phải là ảo. Điều khoản này phản ánh một thỏa thuận tự nguyện ghi rõ trong hợp đồng giữa nhà đầu tư và đơn vị tổ chức sàn. Nếu thấy điều khoản này bất tiện, nhà đầu tư không nên ký hợp đồng. Nếu thực sự có nhu cầu sở hữu vàng vật chất, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tìm đến cách thức giao dịch ngoài sàn như từ trước đến nay. Với điều khoản “không cho rút vàng”, chỉ có thể nói đơn vị tổ chức sàn có sự bất cập trong việc quản lý thanh khoản vàng vật chất.

Thậm chí trong tương lai nếu Nhà nước cho phép tự do hóa luồng dịch chuyển vàng ra vào (free inflows and outflows of gold) trong đó có tự do hóa xuất nhập khẩu vàng như Thái Lan chẳng hạn, mà các đơn vị kinh doanh vàng vẫn áp dụng điều khoản “không cho rút vàng”, điều đó vẫn không phải là ảo.
 
Tóm lại, có thể kết luận rằng về bản chất các hình thức kinh doanh vàng đã nêu trong bài phân tích này đều là vàng thực, vì các nhà đầu tư đều kinh doanh trên một tài sản nền có thực.

Trong lúc trà dư tửu hậu ngoài xã hội, có thể nói vui “trong thực có hư, trong hư có thực, thực thực hư hư, hư hư thực thực”. Tuy nhiên, trong kinh doanh và quản lý kinh tế, không thể dung nạp các khái niệm nước đôi theo kiểu “vừa thực, vừa ảo” đan xen lẫn lộn.

Vì vậy:

- “Vàng tài khoản” không phải là ảo, vì đó là một hình thái thể hiện của vàng được ghi chép theo đúng bản chất của sổ sách kế toán.

- “Tỷ lệ ký quỹ thấp” không phải là ảo, vì đó là phần rủi ro tối đa mà nhà đầu tư đã xác định, đối ứng với hạn mức tín dụng mà ngân hàng xét duyệt.

- Điều khoản “không được rút vàng” không phải là ảo, vì điều đó vừa thể hiện một thỏa thuận tự nguyện giữa các bên tham gia ký kết hợp đồng, vừa phản ánh đúng bản chất về tính thanh khoản kém của thị trường vàng trong nước, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế khách quan.

Muốn viết đúng về thị trường vàng, việc trang bị kiến thức cơ bản và cơ sở lý luận là điều cần thiết. Để quản lý và phát triển thị trường vàng một cách minh bạch và hiệu quả, nên tiếp nhận nhiều ý kiến phản biện đa chiều được tích lũy từ những kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời đối chiếu với các loại sản phẩm/dịch vụ tiên tiến về vàng trên thế giới mà ta chưa áp dụng, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp đồng bộ để từng bước tiến tới việc thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển của thị trường vàng trong nước so với khu vực, phù hợp với xu thế mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng.

Không có con đường tắt nào vạch sẵn ở phía trước.
 
Theo Vneconomy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm