Đất nước Mông Cổ – vùng đất của bầu trời xanh

25/08/2017 07:43 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Đất nước Mông Cổ không có biển. Cuộc sống của con người Mông Cổ gắn liền với bầu trời xanh bao la, những ngày tháng rong ruổi trên lưng ngựa giữa thảo nguyên vô tận hay sa mạc khô cằn.

Chỉ kỳ lạ một điều, giữa thời tiết khắc nghiệt ấy, người Mông Cổ vẫn nở nụ cười hồn hậu, những bản tình ca du mục vẫn vút cao giữa thảo nguyên nắng gió, và tiếng niệm Phật từ bi vẫn không dứt trong những tu viện, hang động ẩn tu kỳ bí…

Đặt chân tới Mông Cổ mà chưa tới sa mạc, chưa thăm thảo nguyên thì hẳn là chưa tính là đã đến.

1. Sa mạc Gobi

Gió ở sa mạc Gobi có thể thổi với tốc độ 140km/h, và nhiệt độ chênh lệch ngày đêm lên tới 80 độ C. Những cồn cát trắng chạy đến tận chân trời, xen lẫn các bãi đá tự nhiên ngổn ngang tựa như phế tích hoang tàn của một vương triều đã lùi vào dĩ vãng. Trong bóng hoàng hôn đỏ rực, người dân bản địa cùng những con lạc đà chở đầy hàng hóa nối đuôi nhau bước đi, đổ cái bóng dài lầm lũi lên triền cát vô tận.

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Du khách không chỉ tìm thấy ở sa mạc Gobi những cồn cát trắng xóa mênh mông, mà còn có thể chiêm ngưỡng đồng bằng sỏi kỳ thú và những dãy núi đá hùng vĩ sừng sững tạc vào nền trời tựa bức tranh thủy mặc ngàn năm. Vào mùa đông, nhiệt độ đôi khi rơi xuống -40 độ C, tuyết trắng bao phủ kín những đồi cát trải tận chân trời. Sương giá tạo nên lớp màn sa u tịch, mờ ảo, khiến du khách như lạc bước vào một thế giới khác, thanh tĩnh và hoang sơ.

Người dân trên sa mạc Gobi hiền lành và mến khách. Những túp lều di động luôn sẵn sàng đón tiếp khách phương xa dừng chân thăm thú, và những bữa tiệc thịt dê, thịt cừu trong ánh lửa trại bập bùng cùng điệu múa dân tộc xoay tròn hớp hồn du khách đến chếnh choáng, mê say.

2. Các tu viện Phật Giáo

Tại Mông Cổ, Phật Giáo là tôn giáo thịnh hành nhất, là cội nguồn của văn hóa và tín ngưỡng dân tộc. Người Mông Cổ coi đức Đạt Lai Lạt Ma như một vị lãnh tụ tinh thần kiệt xuất, và tôn sùng đạo Phật từ bi. Tu viện Erdene Zuu hay Gandan là nơi du khách có thể lựa chọn dừng chân, thăm quan kiến trúc xây dựng độc đáo hay khám phá những nét văn hóa đặc sắc chỉ có tại vùng đất của bầu trời xanh này. 

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Tu viện Erdene Zuu gồm 62 ngôi chùa bên trong thành và khoảng 700 ngôi chùa ngoài thành, là nơi cư trú của hàng ngàn tăng sĩ. Tường thành được kết nối bằng 108 tòa bảo tháp xây dựng trên những bệ đá vững chắc nằm giữa thảo nguyên Mông Cổ ngút ngàn, tựa như chốn tĩnh tu nơi đất trời hòa làm một. 

3. Thảo nguyên Mông Cổ

Cưỡi lạc đà trên sa mạc Gobi và cưỡi ngựa trên thảo nguyên Mông Cổ là hai trải nghiệm kỳ thú không thể bỏ qua trên mảnh đất đầy nắng gió này.

Mùa xuân, những thảm cỏ xanh mướt khoác cho thảo nguyên Mông Cổ tấm áo tràn đầy nhựa sống, những bóng ngựa chạy nước đại giữa thảo nguyên phóng khoáng, phiêu du và điệu dân ca thảo nguyên tình tứ kết thúc tất cả bộn bề cuộc sống.

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Mùa thu, thảo nguyên chuyển màu vàng u tịch, những cánh đại bàng tung mình dưới ánh hoàng hôn tựa như trầm ngâm hơn dưới bóng chiều tà dần tắt. Phải chăng đâu đó, tiếng vó ngựa quân chinh phạt từ những thế kỷ cũ vẫn vọng về?

4. Thành phố Ulaanbaatar

Nằm cạnh bờ sông Tuul, Ulaanbaatar là thủ đô và là thành phố lớn nhất Mông Cổ, cũng được xem là một trong những thành phố lạnh nhất thế giới. Dưới cái lạnh âm 15 độ C thường trực, những đàn chim bồ câu vẫn dập dìu bay lượn khắp quảng trường và những con người hối hả bước đi với nụ cười trên môi chưa bao giờ tắt.

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Trong thành phố có một quảng trường lớn tưởng niệm Thành Cát Tư Hãn, người sáng lập ra đế chế Mông Cổ với gót ngựa bành trướng 16% diện tích toàn cầu, vị vua của chinh phạt và chiến thắng. Những bức tượng binh sĩ Mông Cổ cưỡi ngựa oai hùng, người mặc áo giáp, tay giương cung tên tựa như vinh danh một thời quá khứ xa xăm, thời đại của những chiến binh anh hùng đã đi vào huyền thoại.

Thùy Dung

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm