05/08/2011 11:49 GMT+7 | Bóng đá Đức
(TT&VH)- Sau lưng các nhà tổ chức của Bundesliga là một thập kỷ thành công rực rỡ với những kế hoạch dài hạn mang tính cách mạng, và mùa giải đầu tiên của thập niên mới có thể là một bàn đạp nữa để người Đức đưa nền bóng đá của họ nói chung và Bundesliga nói riêng lên một tầm cao nữa?
Hãy bắt đầu từ thập kỷ 90, khi người Đức đứng trước ngã ba đường. Họ vô địch thế giới năm 1990, và đăng quang ở EURO 1996. Nhưng đến World Cup 1998, thì Đức bị loại ở tứ kết bởi Croatia, sau khi thua đến 3 bàn không gỡ. EURO 2000, họ thậm chí bị loại ngay từ vòng bảng, và đó là đỉnh điểm của sự thất vọng. Đó cũng là thời điểm đánh dấu sự cạn kiệt tài năng của bóng đá Đức, để rồi họ bắt đầu đi tìm nguyên nhân.
Mùa tới, những thay đổi hứa hẹn sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn nữa- Ảnh Getty
Người Đức nhanh chóng nhân ra rằng các chuyên gia bóng đá Đông Đức, những người đã đào tạo nên một thế hệ bách chiến bách thắng đầu thập kỷ 90, đã bắt đầu không thể bắt kịp với sự chuyển mình dữ dội của bóng đá thế giới (thời ấy, họ tôn thờ hệ thống 3 trung vệ, trong khi bóng đá hiện đại thường bố trí hàng thủ 4 người, và phòng ngự theo khu vực). Thời ấy, các CLB Bundesliga giàu lên nhanh chóng nhờ sự đầu tư của các hãng truyền hình, và để đánh bóng hình ảnh, họ cần các ngôi sao nước ngoài. Từ năm 1992 đến năm 1997, số lượng cầu thủ nước ngoài ở Bundesliga đã tăng từ 17% lên 34%. Gấp đôi chỉ trong 5 năm. Đến năm 2000, thì lượng cầu thủ nước ngoài đã chiếm đến 50%!
Sự sụp đổ đồng loạt của các hãng truyền hình trả tiền vào năm 2002 khiến hàng loạt các CLB Bundesliga thời điểm ấy đứng bên bờ vực phá sản, và bắt đầu từ đó, người Đức mới thay đổi. Chẳng có cách nào cứu vãn tình hình tài chính ngày một tồi tệ tốt hơn việc thay thế các ngôi sao nước ngoài bằng những cầu thủ trẻ, được đào tạo dựa trên một kế hoạch lâu dài vào bài bản.
Mùa 2003-2004, số cầu thủ nước ngoài giảm còn 44%. Mùa này, chỉ còn 38%. Với công tác quản trị, các CLB cam kết rằng sẽ không có một ông chủ duy nhất nào sở hữu quá 49% cổ phần của đội bóng, tránh khỏi sự lệ thuộc thụ đồng về mặt tài chính, điều có thể dẫn các CLB đến bên bờ vực.
Thay vào đó, người Đức đổ tiền cho công tác đào tạo trẻ. Một hệ thống bao gồm 121 trường dạy đá bóng cho cầu thủ từ 10-17 tuổi được xây dựng trên toàn quốc gia, với chi phí chừng 16 triệu USD trong 5 năm. Đồng thời, LĐBĐ Đức yêu cầu các CLB ở Bundeliga và Bundesliga II phải xây dựng học viện đào tạo trẻ. Một triết lý bóng đá khác được xây dựng nhất quán ở các học viện: Chú trọng kỹ thuật và khả năng tư duy, hơn là các phẩm chất về sức mạnh và sự rắn rỏi, giống những phẩm chất truyền thống của người Đức điển hình.
Thế là Bundesliga thay đổi, bóng đá Đức thay đổi, và ĐTQG cũng thay đổi, tất nhiên là theo một hướng mới mẻ, tích cực hơn. Trong hai thập kỷ qua, người Đức đã xây dựng một hình ảnh hoàn toàn khác về bản thân: ĐTQG của họ chơi một thứ bóng đá tấn công phóng khoáng, giải VĐQG của họ cũng ngày một hấp dẫn và thu hút khán giả hơn, với những cầu thủ trẻ, những ngôi sao người Đức. Gần gũi hơn, thu hút hơn.
Mùa tới, những thay đổi hứa hẹn sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn nữa. Một chặng đường thành công kéo dài hơn hai thập kỷ đã được đánh dấu xong, và bây giờ, mùa bóng đầu tiên của thập niên mới hứa hẹn sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho bóng đá Đức, nếu họ cứ phát triển đúng hướng và đầy sức sống như thế này.
Ban Cầm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất