09/07/2011 13:32 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - “Tôi đã sống mười năm ở khu ổ chuột, tôi hiểu người sống trong khu ổ chuột như thế nào, cuộc sống ngày thường của họ ra sao. Ngày đó thì vất vả, nghĩ lại cũng thấy sợ, thế nhưng chúng lại tốt cho tôi sau này. Tôi làm phim về người nghèo tốt hơn người giàu”.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng trò chuyện cùng TT&VH, ngay sau khi bộ phim nhựa mới nhất của anh, Hotboy nổi loạn hoàn thành, dự tính ra mắt vào 14/10 tới.
Biết yêu mình mới biết cách yêu người
* Anh từng nói “tôi yêu nhất bản thân mình” trước báo chí, không dễ để nói ra câu đó...
- Sau khi nói câu ấy, tôi nhận phản ứng từ nhiều người, họ nói, tôi ích kỷ. Ở Việt Nam mình, thông thường, mọi người thường yêu thương người khác hơn bản thân mình. Bố mẹ yêu thương con cái hơn bản thân mình nên họ vạch sẵn con đường cho con cái đi mà họ nghĩ là hạnh phúc nhất. Con cái cũng được dạy phải yêu bố mẹ hơn bản thân mình và nhiệm vụ của họ là làm cho bố mẹ hài lòng bằng cách phải nghe lời bố mẹ và quên đi mong muốn thực sự của bản thân họ là gì?
Với tôi, nếu biết yêu bản thân nhất, biết làm cho mình hạnh phúc, thì mình cũng sẽ biết cách yêu người khác và làm cho họ hạnh phúc.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng (phải) và diễn viên trong phim Hotboy nổi loạn
* Vậy khi đã biết tự yêu bản thân và làm cho mình hạnh phúc, anh đã biết cách để yêu ai đó và làm cho họ hạnh phúc chưa?
- Khi mình biết yêu bản thân mình thì biết những gì mình làm cho mình vui, mình khó chịu thì mình sẽ làm hoặc tránh làm cho người khác, nghĩa là mình tránh áp đặt suy nghĩ tình cảm của mình lên người khác. Như cháu của tôi khi thi đại học, tôi nói cháu hãy làm hết sức, nếu có thành công hay không thì đừng hối tiếc vì mình đã lựa chọn và rất cố gắng rồi.
Hoặc với ba mẹ tôi, tôi nói rằng nếu muốn thay đổi một con người thật là khó vì mỗi người đã là một thành trì vững chắc rồi và chính bản thân tôi cũng rất khó thay đổi, vì thế cần phải chấp nhận tất cả những gì con mình có mà bố mẹ cho rằng tốt hay chưa tốt.
* Với tư cách là một đạo diễn, anh có thay đổi diễn viên của mình để họ phù hợp với vai diễn trong phim của anh không?
- Một đạo diễn giỏi là người biết tìm diễn viên phù hợp với vai diễn hoặc có một kịch bản phù hợp với diễn viên mà mình muốn hợp tác. Ngoài ra còn có vấn đề casting.
Casting không phải để tìm ra người giỏi nhất mà là tìm được người phù hợp nhất với vai diễn. Tôi từng viết kịch bản phim cho Lương Mạnh Hải. Lúc đầu, tôi viết một vai diễn rất giống với Lương Mạnh Hải, các phim sau, tôi làm khác dần để tìm kiếm những thế mạnh của Lương Mạnh Hải. Còn với các diễn viên khác cũng vậy. Đó là lý do vì sao các diễn viên khi đóng phim của tôi thì rất nổi bật mà ở phim khác của đạo diễn khác thì lại đuối.
Phim truyện nhựa mới nhất của anh
* Hotboy nổi loạn, nhân vật Lam có đời sống gai góc, nhiều chuyển biến, nhiều bước ngoặt, khác hẳn với các chàng công tử khá giả, chải chuốt, khù khờ trước đó, việc chọn Lương Mạnh Hải thủ vai có là giải pháp tốt không?
- Ban đầu, vì gương mặt Lương Mạnh Hải thư sinh, ngây thơ, hiền lành, nên tôi muốn giao cho Hải nhân vật Khoa - một chàng trai chân chất từ tỉnh lẻ lần đầu lên Sài Gòn, nhưng Hải muốn làm mới mình, vì vậy Hải nói, hãy tin Hải, giao cho Hải vai Lam.
Tôi không nghĩ Hải có thể đóng được, nhưng Hải đã tỏ ra rất tự tin. Với tôi, ai mà tự tin thì tôi giao việc ngay, vì vậy tôi đổi vai Lam cho Hải, tôi trân trọng sự muốn làm mới của Hải. Khi Hải diễn vai Lam, Hải làm cho tôi rất ngạc nhiên. Khi bắt đầu quay những cảnh đầu tiên, tôi biết chắc ngay Hải sẽ thực hiện tốt vai diễn của mình. Đây đúng là sự lột xác của Hải. Đến thời điểm này mà Hải không biết tự làm mới mình, thì sau phim này, khán giả sẽ không còn quan tâm đến một Lương Mạnh Hải nữa.
Cảnh trong phim Hotboy nổi loạn.
Đến bây giờ tôi vẫn ngốc nghếch
* Trong tất cả các phim, anh có gửi gắm chính con người thật của anh ngoài đời vào từng nhân vật không?
- Tất cả các nhân vật chính của tôi từ trước tới nay, trừ phim Ngôi nhà hạnh phúc ra, đều mang bóng dáng của tôi, kể cả nhân vật nữ hay nam, nhân vật xấu hay tốt.
* Kể cả các nhân vật ngốc nghếch trong phim, vì anh từng nhận anh là người ngốc nghếch?
- Đến bây giờ tôi vẫn ngốc nghếch. Tôi là người làm nghề có duyên thôi. Chưa có phim nào tôi làm, tôi lại cho rằng mình giỏi về nghề. Trong cuộc sống tôi cũng không thông minh, khéo léo, kiếm tiền giỏi. Tôi gặp thời, ăn may nhiều cộng thêm một chút “láu cá”. Cái may của tôi có chính là sự chân thành, người khác nhìn thấy và họ đầu tư cho tôi.
* Để giúp độc giả của TT&VH hiểu hơn về anh, anh có thể nói rõ hơn về một Vũ Ngọc Đãng - đời thường và một Vũ Ngọc Đãng - đạo diễn?
- Trong cuộc sống đời thường thì tôi không phải là người quyết liệt, cũng không mạnh mẽ, dữ dội. Tôi là người chiều bản thân mình, để cho bản thân mình cảm thấy thoải mái nhất.
Tôi không phải là người ưa làm dáng hình thức, không mê xe, không mê điện thoại hay bất cứ thứ vật chất khác. Cuộc sống của mình bình yên là được.
Nhưng trong quá trình làm phim, tôi thành con người khác. Với tôi, công việc là công việc. Tôi có nguyên tắc là trong đoàn làm phim không được ai đi trễ, nên trong đoàn làm phim của tôi có câu nói: “Tất cả mọi lỗi lầm đều được tha thứ, trừ đi trễ”!
Mọi mục tiêu đặt ra phải đạt được. Với một bộ phim, tôi đặt ra làm 30 ngày thì bộ phim phải xong trong 30 ngày, chi phí năm tỷ thì phải ở trong mức năm tỷ. Tôi muốn làm phim với chi phí càng rẻ càng tốt.
Chưa bao giờ bi quan
* Cũng chính vì sự cẩn thận, nghiêm túc và thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, nên anh trở thành một trong số ít đạo diễn thành công ở dòng phim thương mại hiện nay?
- Người khác đánh giá tôi thành công hay không chẳng quan trọng. Mà cái chính là sự đánh giá từ nhà sản xuất, đối với họ, một bộ phim làm ra là phải có lãi, vừa lấy được tiền đầu tư lại có tiền tái đầu tư cho bộ phim khác. Một bộ phim mà tôi cho là thành công trước hết phải làm tôi hài lòng, dù đó không phải là xuất sắc. Điều làm tôi vui là những khán giả tôi gặp ngoài đường, họ nói “Tôi thích phim của Đãng làm, chúng trong sáng, dễ thương” hoặc làm cho ba mẹ tôi hài lòng chứ không phải là tôi kiếm được bao nhiêu tiền qua bộ phim đó, mặc dù tôi đã kiếm được nhiều tiền từ phim, tất cả những gì tôi có hiện nay đều từ phim mang lại.
Với tôi, quan trọng nhất là được làm nghề, thực hiện những bộ phim mình thích mà không có sự can thiệp, ép buộc từ người khác và nhà sản xuất thì luôn muốn làm việc tiếp với mình. Ngoài ra, các nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên, quay phim sau khi làm phim cùng tôi đều nổi tiếng hơn và tăng cát-xê, đó cũng là một thành công.
* Theo tôi, thành công của anh cũng chính ở việc mỗi khán giả khi xem phim của anh, họ thích thú vì tìm thấy bản thân họ trong ấy. Ngoài ra, anh còn “ru” khán giả bằng những hình ảnh đẹp, lòng tốt, sự trong sáng ít thấy ngoài đời thực?
- Đúng vậy. Nhiều người ngạc nhiên khi tôi làm phim về người nghèo. Họ nghèo khổ nhưng không hèn, lúc nào cũng lung linh. Như nhà nhân vật Cười trong Hotboy nổi loạn, chỉ là một cái ghe xơ xác nằm bên bờ sông, nhưng phim khi được chiếu, tôi nghĩ sẽ có người chịu đổi nhà năm tỉ để lấy cái ghe đó, vì cái ghe lên phim đẹp lắm (cười).
Cái khó nhất của phim là nhân vật giả, câu chuyện giả, nhưng cảm xúc đưa đến cho khán giả phải là thật. Theo tôi, phim của tôi không thực hay từ kịch bản, câu chuyện, đến kết cấu. Cái mà khán giả thích ở phim của tôi là sự trong trẻo, đáng yêu, tinh thần bộ phim. Có lẽ có được cái nhìn đẹp trong phim là do cách nhìn của tôi trong cuộc sống. Tôi là người chưa bao giờ bi quan. Và tôi cũng luôn tin cuộc sống còn tốt đẹp hơn cả những bộ phim tôi đã làm.
* Cũng chính vì lạc quan, nên dù kết quả học tập không tốt lắm, và sau đó còn có một thời gian dài thu vỏ chai, làm bồi bàn, đi chụp hình... anh vẫn vui vẻ để tận hưởng từng giây phút đang diễn ra, chấp nhận như một lẽ tự nhiên để từ đó đưa vào phim những hình ảnh chân thật, đẹp đẽ về cuộc sống của người dân lao động?
- Nhờ có thời gian như bạn nói nên tôi mới có thể đưa các cảnh lao động nghèo khổ vào phim của mình tốt hơn. Tôi đã sống mười năm ở khu ổ chuột, tôi hiểu người sống trong khu ổ chuột như thế nào, cuộc sống ngày thường của họ ra sao. Ngày đó thì vất vả, nghĩ lại cũng thấy sợ, thế nhưng chúng lại tốt cho tôi sau này. Tôi làm phim về người nghèo tốt hơn người giàu.
Lần chiếu Tuyết nhiệt đới, diễn viên Anh Thư gặp một phụ nữ chừng bốn mươi tuổi. Chị ấy ôm Anh Thư khóc quá trời, bảo, khi thấy nhân vật của Thư đạp xe ba-gác, ai cũng cười chỉ riêng chị khóc vì chị có thời gian từng đạp xe ba-gác. Hoặc cảnh Tăng Thanh Hà chở nước, ngày xưa, khi còn bán quán ở Tân Cảng, nhiệm vụ của tôi là đi chở nước, phải chở từng can.
Tôi chưa từng ước cuộc sống của mình trước đây khác đi, hay mình có gia đình khác hơn, vì bố mẹ của tôi là bộ đội chuyển ngành kinh tế không khá giả, tôi hài lòng về tất cả những gì trải qua. Giả sử tôi sinh ra trong một gia đình giàu có, thì phim tôi làm sẽ khác hoàn toàn.
* Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị này!
Việt Quỳnh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất