Đạo diễn Việt Tú: 'Không vì tiền mà bất chấp mọi giá'

10/07/2013 10:51 GMT+7 | Văn hoá

Từng bị coi như một sinh viên cá biệt của Nhạc viện Hà Nội, sự tuyệt vọng của cha mẹ trên con đường học hành nhưng giờ đây, cái tên Việt Tú đã đủ sức hút cho nhiều chương trình ca nhạc hoành tráng.

Có năm Việt Tú ẵm gần hết các giải thưởng danh giá trong lĩnh vực giải trí.

Đặt được một cái hẹn với Việt Tú quả thật khó... năm lần bảy lượt mới “tóm” anh được trong một sự kiện âm nhạc ở Hà thành. Quần xắn gấu, giày vải thêu thùa, Việt Tú chẳng lẫn vào ai.

Bị Trần Thu Hà chê dốt

* Trong làng giải trí người ta hay kháo nhau: “Sài Gòn có Dũng “khùng”, Hà Nội có Việt Tú”, bị đặt cạnh một người khác anh cảm giác thế nào?

- Dũng với tôi là một người bạn, người đồng nghiệp mà tôi tôn trọng. Nếu đặt tôi bên cạnh Dũng “khùng”, tôi thấy mình làm được tất cả việc mà Dũng đang làm trừ việc trở thành một đạo diễn phim giỏi.

* Giày vải thêu thùa, quần xắn gấu... kiểu thời trang hơi khác biệt đó phải chăng là cách để anh nổi bật trong giới chân dài?

- Tôi có thể đi giày tất cả màu mà một phụ nữ có thể đi. Việc một gã đàn ông đi giày đỏ thêu thùa không có gì khác thường cũng giống như một phụ nữ cắt tóc ngắn và đi giày đóng đinh thôi. Tôi yêu thời trang và việc ăn mặc thời trang là một sở thích hơn việc tạo ra sự nổi bật trước đám đông hay có một thâm ý gì đó thông qua phong cách thời trang của mình.

Đạo diễn Việt Tú (trái) trong vai trò đạo diễn một chương trình nghệ thuật. Ảnh do nhân vật cung cấp

* Nghe nói có lần anh bị ca sĩ Trần Thu Hà chê dốt?

- Đây là một câu truyện truyền kỳ, khi đó tôi đang là sinh viên thực tập ở Đài Truyền hình Việt Nam, một lần đi quay chương trình ca nhạc tổng hợp thì gặp Hà. Vừa thấy tôi ở chỗ ghi hình, Hà hỏi: “Mày làm gì ở đây?”, tôi trả lời sẽ làm đạo diễn quay clip ca nhạc cho Hà, vốn chẳng lạ gì “tài năng âm nhạc của tôi” nên cô ấy tương luôn: “Học dốt như mày mà cũng làm được clip ca nhạc á?”. Hà Trần với tôi là bạn học và không chỉ riêng cô ấy mới nghi ngờ về trường hợp của tôi mà tất cả ai đã từng biết tôi ở thời điểm đó đều có cùng quan điểm và sự nghi ngờ giống như Hà. Sau đó tôi và Hà cộng tác với nhau cũng là một sự tình cờ và thành công của Nhật thực 1 là sự may mắn của cả hai chúng tôi vì nếu không có chương trình đó thì cả tôi và Hà chưa chắc có được sự thừa nhận như ngày hôm nay.

Đạo diễn học thổi kèn

* Mà hình như bố của anh cũng nghi ngờ tài năng của anh nên mới cho anh đi học thổi kèn.

- Bố mẹ tôi không phải nghi ngờ mà là tuyệt vọng về khả năng của tôi trong lĩnh vực học hành. Khi đó ông bà đành suy luận theo phương pháp loại trừ logic, nghĩa là trông tôi có vẻ thích cái gì thì cố gắng cho đi học cái đó với hy vọng mọi chuyện tốt lên. Nhưng rồi cuối cùng những suy nghĩ đó cũng trở nên không logic cho lắm vì bố mẹ tôi đã nhầm giữa việc một người thích nghe nhạc với một người có khả năng trở thành nhạc công giỏi. Tất cả gia đình và người thân của tôi đều thống nhất rằng sự thành công của tôi ngày hôm nay mang nhiều yếu tố cơ duyên, may mắn. Còn tôi tin rằng nhờ sự tử tế của bố mẹ và ông bà để lại nên tôi mới có được phúc phận như vậy.

* Thời sinh viên ngoài việc bị coi là dốt ra, anh còn rất ngỗ nghịch thì phải?

- Đúng nhưng giờ nghĩ lại việc ngỗ nghịch của tôi ngày còn trẻ chứng tỏ tôi không được khôn ngoan và biết suy nghĩ như một số bạn cùng trang lứa. Vì trong lúc họ đàng hoàng ngồi trên ghế nhà trường và có được những thành công từ rất sớm làm bố mẹ tự hào thì lúc đó tôi còn đang chăm chú vào chuyện nghịch ngợm và làm bố mẹ lo lắng ngày đêm. Cũng may sự ngỗ nghịch đó chưa mang lại những hậu quả quá nghiêm trọng...

* Sự ngỗ nghịch của sinh viên Việt Tú ngày xưa có còn lưu đọng gì ở đạo diễn Việt Tú bây giờ?

- Có một vài đức tính ở thời kỳ đó đã ảnh hưởng lớn đến công việc của tôi sau này. Đó là sự dám làm, dám chịu, sự hết mình trong một cuộc chơi mà cách duy nhất để được tôn trọng đó chính là nói được, làm được. Ở thời điểm cách đây gần 20 năm thì đó là cách duy nhất để chúng tôi có thể được ở lại cuộc chơi của chính mình.

Bất chấp mọi thứ

* Mấy năm gần đây, kinh tế khó khăn người ta thắt hầu bao cho nhiều thứ chi tiêu nhưng có vẻ âm nhạc vẫn là “món” mà người ta không chịu bỏ. Chắc là Việt Tú cứ chạy chương trình nhiều thế thì cũng sống khỏe nhỉ?

- Khi buồn và thất vọng thì người ta thường có xu hướng tìm đến những món ăn tinh thần và đó có lẽ là may mắn của những người làm nghệ thuật, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận sự tác động của khủng hoảng kinh tế lên mọi ngành nghề, trong đó có công việc của chúng tôi. Nhờ công việc của mình tôi có một cuộc sống tốt, tôi yêu công việc của mình và hy vọng những thành công tôi đang có được sẽ không dừng lại ở thời điểm này.

* Anh từng nói có năm phải sống nhờ bằng tiền của vợ. Chắc đây là câu đùa cho vui chứ?


- Chuyện này là có thật và không có gì phải giấu giếm, chính thời gian này đã dạy cho tôi một điều chủ đạo rằng nếu một nghệ sĩ mà không sống và lo cho gia đình được thì có lẽ nên chuyển nghề. Vợ tôi là một khán giả rất khó tính, đồng thời là một nhà tư vấn luôn tạo cho tôi cảm giác rằng những gì tôi cố gắng là chưa đủ. Tôi không có thói quen để người khác can thiệp vào công việc của mình và vợ tôi tôn trọng điều này.

* Có tin đồn anh đã từ chối dựng chương trình cho một ca sĩ mặc dù anh ta đưa ra một cục tiền, lý do anh từ chối là gì?

- Thực ra đó là một ca sĩ nữ, việc tôi từ chối chỉ đơn giản là vì có làm cho cô ấy thành công hơn ở thời điểm đó cũng chẳng mang lại cho cô ấy thứ gì ngoài rủi ro, thị phi và tôi cũng vậy. Đồng tiền rất quan trọng nhưng không thể bất chấp mọi giá để có được đồng tiền.

* Liệu sự từ chối đó có đi ngược lại với nguyên tắc của một người làm nghề chuyên nghiệp?

- Việc từ chối chỉ vi phạm những nguyên tắc làm việc nếu một người chuyên nghiệp biết mình có thể làm được việc đó mà không làm chứ không phải bất chấp mọi giá để làm, bao gồm cả trách nhiệm với khách hàng của mình. Trong công việc, tôi có nguyên tắc có thể bất chấp mọi thứ trừ uy tín của mình và chất lượng sản phẩm cho khách hàng.

Sẽ gây dựng lại Không gian âm nhạc

* Cẩn trọng và nguyên tắc như thế anh đã từng gặp phải thất bại nào chưa?

- Nếu căn cứ vào những gì tôi đang có được ở thời điểm hiện tại thì khó có thể nói những va vấp xảy ra là thất bại. Về mặt duy tâm, tôi tin rằng những thử thách đó nếu có cơ hội làm lại, tôi vẫn sẽ làm như vậy vì nếu không có va vấp hay khó khăn thử thách thì con người ta sẽ không thể trưởng thành.

Trước đây, tôi sống trong một thế giới nhiều màu hồng, điều đó biến tôi trở thành một người thiếu thực tế và mang nhiều phần ích kỷ. Rồi thì một số biến cố lớn xuất hiện bắt buộc tôi phải tìm cách đối mặt và tìm cách thoát ra khỏi nó. Chính thời gian này đã làm tôi trở nên thay đổi và có được những thành công như ngày hôm nay.

* Vậy anh giải thích thế nào về việc chương trình Không gian âm nhạc của anh lại giữa đường đứt gánh?

- Với Không gian âm nhạc, khi đó tôi cần phải đứng trước lựa chọn giữa việc cần phải bỏ tiền túi của mình ra để duy trì một cuộc chơi nghệ thuật đúng nghĩa (không hề có lãi và chỉ đơn thuần thỏa mãn đam mê nghệ thuật của cá nhân và phục vụ khán giả) và điều này là vô cùng rủi ro với khả năng tài chính của cá nhân và công ty tôi với việc tạm thời đóng lại chương trình để chờ một mạnh thường quân đúng nghĩa xuất hiện trở lại. Và tôi đã chọn cách thứ hai cho dù nó tạo ra một số dư luận trước mắt. Nhưng suy cho cùng chỉ có tôi là người duy nhất đối mặt, chịu trách nhiệm với các vấn đề của mình và cá nhân tôi thì không muốn chỉ vì một chương trình cho xã hội mà tôi phải đổi tên công ty từ Studio của Những Giấc Mơ thành Ngôi nhà của Ác mộng.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Theo Hồ Viết Thịnh
Pháp Luật
TP HCM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm