Đạo diễn Việt Tú: Phải đến thời “tích lũy tài sản văn hóa”

24/10/2012 06:10 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH Cuối tuần) - Show Tùng Dương hát tình ca hết vé 1 tuần trước lúc mở màn, làm thêm đêm nữa, vé lại hết, chợ đen “quát” tới 7 triệu đồng cho một cặp vé trên lầu Nhà hát Lớn Hà Nội. Show Hồng Nhung - Có phải em mùa Thu Hà Nội, chợ đen cũng đòi 6 triệu đồng cho một vé hạng nhất giá gốc “chỉ” 2 triệu rưỡi. Bằng Kiều in concert 2012 cuối tháng này mới diễn ra nhưng vé đã sốt sình sịch….Trong lúc thị trường ca nhạc sôi sục như đang trở lại thời hoàng kim của 15-16 năm trước thì “đạo diễn của những show diễn đắt tiền” lại xách túi làm “event” ở TP.HCM. Câu chuyện cuối tuần với đạo diễn Việt Tú, ông chủ của Không gian âm nhạc, phù thủy của Chương trình của năm 2011 Hồ Ngọc Hà Concert, xoay quanh chuyện làm show thời khủng hoảng kinh tế.

Tận cùng của sang trọng, xa xỉ là giản dị

* Nghe nói anh vừa làm một show đặc biệt tại Việt Nam cho một thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới mà mỗi chiếc túi xách có giá hàng chục ngàn đô-la, một cái khăn choàng rẻ cũng cả ngàn Mỹ kim?

- Thành thật, tôi rất sợ cụm từ “sang trọng”, “xa xỉ”, vì những cụm từ này đang bị lạm dụng và làm cho méo mó. Những gì tôi vừa thực hiện cho khách hàng rất giản dị, giản dị nhất mà tôi đã từng thực hiện. Có một điều chắc chắn rằng quan điểm của họ về sự “sang trọng” và “xa xỉ” rất khác so với những gì mà chúng ta đang hình dung. Qua sự kiện này tôi đã học được rất nhiều điều từ họ, đó là phải làm đúng đã, đúng với bản thân mình, đúng với những gì mà mình phải như vậy, và quan trọng nhất là không được thỏa hiệp từ những chi tiết nhỏ nhất. Liên quan tới những chiếc khăn mà chị vừa nói, xin kể một ví dụ nhỏ thế này: họ gửi sang Việt Nam từ rất sớm những chiếc khăn lụa quý để chúng tôi làm… cờ trang trí cho cửa hàng. Và khi sang Việt Nam nghiệm thu, họ yêu cầu chúng tôi phải gỡ toàn bộ số cờ ra để làm lại (mặc dù đường may rất đẹp). Đơn giản rằng, văn hóa của họ là văn hóa nghệ nhân, làm mọi thứ thủ công, có nghĩa là chúng tôi sẽ phải tìm những nghệ nhân khâu tay giỏi nhất để có những đường khâu thẳng… như đường may, mặc dù nếu chỉ quan sát đơn thuần, khó ai trong những người tham dự sự kiện có thể phát hiện ra được sự khác biệt, ngoại trừ chính những người thực hiện. Đây không phải là lần đầu tiên tôi làm việc với họ, nhưng phải cho đến khi sự kiện kết thúc tôi mới hiểu rằng, tại sao với chỉ những thứ đơn giản như vậy, cả một ê-kíp phải tốn tới vài tháng để chuẩn bị.

* Làm những chương trình khách hàng như vậy có gì giống, khác với những show thời trang hay ca nhạc mà anh đạo diễn?

- Nó đơn giản là hoàn toàn không hề liên quan tới những gì mà tôi đã từng thực hiện và những công việc như thế này, vài năm mới xuất hiện một lần. Tôi muốn kể thêm với chị một ví dụ khác, chúng tôi in một tấm bưu thiếp để cài ảnh tặng những người tham dự sự kiện với vỏ màu đen, hoàn toàn đúng chất liệu được duyệt, nhưng khi cầm tấm thiệp thì phần màu đen đã để lại những dấu vân tay mà khi soi dưới ánh đèn tuýp (trong sự kiện chúng tôi không dùng loại ánh sáng này) sẽ thấy. Kết quả toàn bộ những tấm thiệp đó phải bỏ đi in lại. Ở Việt Nam, và với những con người chúng ta đang có, nếu bạn cố gắng áp đặt văn hóa làm việc được áp dụng vào trong sự kiện vừa rồi thì tôi tin không một nhà sản xuất hay đầu tư nào ở thị trường nội địa chịu nổi, vì vậy, khi bước ra khỏi sự kiện tôi lập tức phải bấm nút “refresh” lại toàn bộ quan điểm công việc của mình để tạm quên đi những trải nghiệm đó cho đến khi có một cơ hội tiếp theo.

* Từ lâu trong giới đã đồn Việt Tú là đạo diễn của những show xa xỉ. Chắc chắn đó cũng là những show tiền khủng. Anh từng nói khi làm show cái khó đầu tiên là tiền và cái khó sau cùng cũng là tiền. Vậy thì các show khách hàng thượng lưu kiểu này hai cái khó đều đã được giải quyết? Và anh được tự do bay bổng với sáng tạo?

- Lại thêm một điều nữa mà tôi rất sợ đó là những lời đồn đại, vì đa phần nó không có căn cứ, và không ai phải chịu trách nhiệm về những tin đồn ngoài chính “nạn nhân”. Tôi nghĩ nếu mình luôn được các thương hiệu (được coi là xa xỉ lựa chọn) vì họ tin rằng tôi hiểu văn hóa của họ, và đáp ứng được những yêu cầu khắt khe mà họ mong muốn ở đối tác của mình vì để làm được những sự kiện như vậy, bạn không chỉ phải biết làm như một người làm thuê với những kỹ năng công việc đơn thuần, mà cần phải đủ trải nghiệm để hiểu văn hóa và những giá trị họ mang lại dưới góc độ một người đã từng hưởng thụ sản phẩm của thương hiệu đó.

Không ai không thích những lời “đồn đại” nêu trên, nhưng trên thực tế đa phần các sự kiện tôi nhận thực hiện trong năm là vừa và nhỏ, có kinh phí hạn chế. Nếu trông vào những lời đồn đại và chờ đợi chỉ làm những sự kiện lớn, có lẽ tôi phải kiếm một việc khác làm thêm để duy trì cuộc sống hàng ngày. Như thương hiệu vừa rồi, 4 năm họ mới làm 1 sự kiện và hoàn toàn không như mọi người hình dung là muốn tiêu bao nhiêu tiền cũng được cho dù họ chưa bao giờ chịu thỏa hiệp với bất kỳ chi tiết nhỏ không hoàn hảo nào. Bất kỳ ai ở thị trường giải trí đều hiểu rằng, 2012 là một năm khó khăn, kén chọn sự kiện để thực hiện không phải là một sự lựa chọn thông minh để tồn tại và phát triển.

Hiện tại tôi đang chuẩn bị cho chương trình Những câu chuyện kể của tôi của nhạc sĩ Dương Thụ, một show mà có lẽ nếu chỉ quan tâm tới kinh phí thực hiện sẽ không mấy ai dám làm, nhưng điều làm tôi trân trọng lại là âm nhạc của con người này, sự không thỏa hiệp cũng như tinh thần cực đoan của ông trong nghệ thuật và quan trọng nhất tôi coi đây là câu trả lời cho những lời đồn đại bấy lâu nay rằng tôi chỉ có thể tạo ra những show diễn hay với một kinh phí khủng.

* Với những show sự kiện, anh thường nhận lời vì cái gì và ngược lại, khi nào từ chối?

- Tôi vốn là người thích hưởng thụ cuộc sống, những gì tôi thực hiện ở những sự kiện được thực hiện kỹ càng của những thương hiệu lớn giúp cho tôi học được trong cuộc sống nếu muốn trở thành một người có “gu”, có phong cách thì chỉ đồng tiền sẽ không giải quyết được vấn đề gì và nên áp dụng những điều hay đó để cuộc sống của bản thân mình thú vị hơn. Cách họ chuẩn bị cho sự kiện rất giản dị, nhưng hiệu quả là không thể phủ nhận. Trí tưởng tượng và tinh thần của họ là điều đáng để học hỏi.

Có một điều thú vị mà tôi cũng quan sát được, đó là có nhiều khách hàng được mời đến sự kiện có nói lại họ thấy mọi thứ quá đơn giản, thay vì theo hình dung của họ phải là một bữa tiệc xa hoa, cầu kỳ, hào nhoáng, và đặc biệt nó không hề có những màn người bay, quả nổ, pháo bông... Thậm chí việc tôi muốn tập cho con ngựa đi sao cho thẳng đường, đến điểm dừng đúng thời gian cũng được khuyên rằng hãy để mọi việc diễn ra như lẽ tự nhiên của nó thay vì dàn xếp và gò nó vào những khuôn mẫu cứng nhắc. Chính chi tiết này có thể giải thích cho câu trả lời của tôi ở phía trên của sự khác nhau trong quan điểm về sự “sang trọng” và “xa xỉ” giữa chúng ta và những người chủ sở hữu thương hiệu đó. Họ chỉ đơn giản đã trải qua tất cả những gì gọi là “xa xỉ” nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng, nên họ tìm đến những thứ “giản dị” nhất có thể, để tạo ra một tinh thần gần với tự nhiên nhất, còn chúng ta có lẽ vẫn còn đang trên đường tìm kiếm cái mà họ đã đi qua từ lâu nên khi tiếp cận với những gì thương hiệu này mang tới, chúng ta đã chưa thực sự hiểu triết lý của họ.

Còn việc nhận lời hay từ chối một sự kiện chỉ đơn giản phụ thuộc vào quỹ thời gian mà tôi có, với những dạng công việc như vậy nếu không có thời gian thì sẽ rất khó để thực hiện vì nó tỉ mỉ và chi tiết. Tôi luôn hiểu rằng, với những gì mọi người trông đợi vào mình, tôi không được phép để khách hàng thất vọng.

Không gian âm nhạc tạm đóng cửa sau 9 live show

Thị trường ca nhạc vẫn thời vụ

* Show Tùng Dương hết sạch vé, phải diễn thêm, show Hồng Nhung vé chợ đen chót vót, show Bằng Kiều còn 2 tuần nữa mới diễn mà vé cũng đã khan hiếm rồi. Nhìn vào sự sôi động và đắt giá của các show ca nhạc, có người lạc quan (tếu) rằng: Khủng hoảng kinh tế khiến người ta đầu tư cho nghệ thuật! Anh nghĩ thế nào? Liệu thị trường ca nhạc Việt Nam có đang trở lại thời kỳ hoàng kim của 15-16 năm trước?

- Tôi nghĩ chúng ta không nên nhìn vào hiện tượng để đánh giá cả một thị trường. Mấy chương trình mà chị nói phải đặt trên bao nhiêu chương trình ca nhạc diễn ra trong năm. Muốn biết có phải thị trường ca nhạc đang hồi phục hay không, cần 3-4 năm mới có thể đánh giá được. Những chương trình sốt vé như chị nói, tôi cho rằng vẫn mới chỉ là một vài chương trình nhỏ lẻ trên một mặt bằng đìu hiu. Và còn mang nhiều tính thời vụ. Chương trình Bằng Kiều chẳng hạn, vì là chương trình đầu tiên của Bằng Kiều, được chờ đợi từ lâu. Nhưng nếu như Bằng Kiều về nước diễn liên tục, “giã” mỗi tháng một show, thì lúc đó chúng ta mới thấy được thực sự sức sống của thị trường như thế nào. Một ví dụ có thể thấy rõ là Chế Linh đã làm một “vệt” show thành công ở phía Bắc, nhưng bây giờ trở lại đã thấy khác rồi. Showbiz Việt vẫn còn bám vào một số yếu tố ăn khách thời vụ. Bởi vậy một vài chương trình thắng lợi không phản ánh sự ổn định của thị trường. Tuy vậy, đó cũng là những tín hiệu tốt, dù còn mong manh.

* Bằng chứng của sự thiếu ổn định và mong manh ấy là mặc dù đã làm được tới 9 live show trong năm 2011 nhưng Không gian âm nhạc vẫn không thể trụ vững vì không có tài trợ? Vé bán tới 2 triệu đồng, tương đương với giá vé xem những vở Broadway ăn khách tại Mỹ, mà vẫn không mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất. Theo anh đó có phải là nghịch lý trong tổ chức biểu diễn ở Việt Nam hay không?

- Theo tôi, sự so sánh này là không phù hợp, vì thị trường Việt Nam thì không phải là thị trường Mỹ, khán giả Việt Nam cũng vậy. Broadway được diễn ra hàng ngày, và được xây dựng bởi cả một nền công nghiệp lâu đời, khổng lồ, chưa kể nó diễn ra ở một trung tâm của du lịch, giải trí thế giới (thành phố New York). Nhưng ngay cả Broadway cũng không tránh được những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu dẫn đến cuộc đình công cách đây vài năm gây rất nhiều thiệt hại cho nền công nghiệp du lịch của thành phố New York do các vở diễn bị đình đốn trong một thời gian chứ không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra thuận lợi như chúng ta tưởng. Còn Không gian âm nhạc bán vé 2 triệu nhưng khán phòng Ngụy Như Kon Tum chỉ hơn 200 chỗ ngồi thì chắc chắn không thể thực hiện được những chương trình thực sự có chất lượng về nghệ thuật như đã cam kết từ đầu nếu không có tài trợ.

* Anh luôn là người “đầu têu” trong showbiz Việt nhưng lại cũng là người không đi được đến cùng: là người mở Con đường âm nhạc - chương trình tác giả - tác phẩm trên VTV3 và ra đi sau 5 số đầu tiên; là người mở Không gian âm nhạc - chương trình ca nhạc dạng series và khép cửa sau 9 live show, để rồi phía sau anh người ta thấy Âm nhạc trên tầng cao, In The Spotlight, sắp tới đây là Việt Nam Concert và Cửa sổ âm nhạc. Anh có khi nào tự hỏi: Vì sao mình đi trước nhưng lại giữa đường đứt gánh thế không? Và anh có suy nghĩ đến cách thay đổi “định mệnh” này?

- Nếu nói vậy chắc sẽ không ai còn dám “đầu têu” ra những chương trình đàng hoàng nữa. Tôi nghĩ, sứ mệnh của những nghệ sĩ là luôn phải tiên phong trong việc tạo ra những chương trình nghệ thuật có chất lượng và mang lại cảm xúc cho khán giả đó mới là điều quan trọng nhất. Những việc còn lại chắc phải nhờ đến sự giúp đỡ của cả một mặt bằng xã hội mà nếu chỉ riêng lẻ sẽ không có ai đủ sức “thay đổi định mệnh” đó cả. Ở thời điểm này mục đích quan trọng nhất của tôi không phải là chạy theo những giá trị ảo mà là duy trì cho không chỉ bản thân mà cả một ê-kíp của mình một cuộc sống tốt nhất để có thể tránh xa mọi cuộc khủng hoảng. Người làm nghệ thuật mà cứ phải lo cơm áo, gạo tiền thì sao có thể yên tâm tạo ra những sản phẩm tốt, có giá trị được.

Khi chúng ta có một nền kinh tế ổn định thì sẽ có những Mạnh Thường Quân ổn định cho nghệ thuật, “ông” mua tranh, “ông” tài trợ cho chương trình biểu diễn…, một kiểu có thể gọi là “tích lũy tài sản văn hóa”. Ở các nước văn minh người ta đã làm thế từ lâu rồi, bây giờ số đông chúng ta vẫn còn đang lo “tích lũy tài sản vật chất”, chỉ một số không nhiều bắt đầu thay đổi.

P.T.T.T(thực hiện)
Ảnh: Jundat & Triều Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm