Thể thao VN sau Olympic Bắc Kinh: Nhìn lại mình sau một hành trình

31/08/2008 07:23 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH Cuối tuần) - Bơi ra biển lớn Olympic 2008, đoàn TTVN đã thi đấu đầy nỗ lực và có được một tấm huy chương. Nhưng xét toàn cục, tấm HCB duy nhất của Hoàng Anh Tuấn chỉ là dấu son của câu chuyện "một niềm vui, nhiều nỗi buồn” của thể thao nước nhà.

* Những kỷ lục “không tưởng"

Với 17 ngày tranh tài, Olympic Bắc kinh đã tổ chức thi đấu 28 môn thể thao với 302 bộ huy chương (có 81 đoàn giành được HCV).

Trong 2 tuần lễ đua tranh các VĐV đã phá 46 kỷ lục thế giới, và 139 kỷ lục Olympic. Trong 46 kỷ lục thế giới các VĐV bơi phá 17 lần, điền kinh 8 lần, bắn súng 6 lần, cử tạ 5 lần… Đã có những con người sáng tạo nên những thành tích kỷ lục “không tưởng”. Đó là Michael Phelps với những điều kỳ diệu giành 8 HCV, phá 7 KLTG và 1 kỷ lục Olympic. Phelps đã vượt qua thành tích của VĐV Mark Spitz tồn tại 36 năm (Olympic Munich – 1972) với 7 HCV trong 1 kỳ Thế vận hội. Cộng với 6 HCV ở Thế vận hội Athen Michael, Phelps đã có 14 HCV trên đấu trường Olympic! Thành tích này chắc chắn sẽ khó có ai lặp lại được.
 
 Niềm vui của Hoàng Anh Tuấn
 
Vận động viên điền kinh Usain Bolt (Jamaica) đã giành 3 HCV và lập 3 KLTG mới (100m, 200m và 4x100m), thành tích của Phelps và các kỷ lục 9”69 (100m) và 19”30 (200m) mà Bolt thiết lập như muốn chứng minh 1 điều kỳ diệu: khoa học vẫn chưa xác định được giới hạn khả năng của con người. Còn nữa, Rebecca Adlington phá vỡ kỷ lục bơi 400m tự do nữ đã tồn tại 48 năm, Elina Isinbayeva (Nga) đã nên KLTG nhảy cao mới lên 5m05 (Ở Athen cô vượt qua 4m91!)…

Trong thi đấu thể thao sáng tạo, KLTG mới quan trọng và có giá trị hơn nhiều việc giành được HCV. Việc này đã thể hiện rõ tư tưởng của phong trào Olympic: khuyến khích con người luôn luôn cố gắng vượt qua chính mình để sáng tạo nên những giá trị, những khả năng này kỳ diệu của mình!

* Kỳ tích thể thao Trung Quốc

Trung Quốc vẫn thực hiện được điều mà họ đã đề ra trong một kế hoạch chiến lược “giành huy chương Olympic” với thành tích 51 HCV, 21 HCB, 28 HCĐ lần đầu tiên Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và Liên Xô – Nga ở một kỳ TVH. Trung Quốc không chỉ giành HCV ở những môn thể thao có truyền thống và ưu thế như TDDC (11 HCV), cử Tạ 8, nhảy cầu 7, bắn súng 5, bóng bàn 4… mà ngay cả những môn mới phát triển như đua Thuyền, hockey trên cỏ và boxing, họ đã giành được huy chương ở 25/28 môn thi đấu tại TVH.

Thành công của Trung Quốc chứng minh tinh thần quyết tâm của họ, kế hoạch chuẩn bị chu đáo và tập trung đầu tư cao độ đã mang lại thắng lợi (Theo ước tính, Trung Quốc đã chi ngân sách hàng năm cho TTTQ vào khoảng 400-500 triệu USD và chi hơn 40 tỷ USD cho việc chuẩn bị Olympic Bắc Kinh).

Người Mỹ vẫn có quyền tự hào về sức mạnh của mình tại TVH Bắc Kinh khi họ dẫn đầu về số lượng huy chương (110 HC so với 100 HC của Trung Quốc), Tuy thua Trung Quốc về số lượng HCV, nhưng người Mỹ vẫn dẫn đầu nhiều nội dung về bơi lội (với Michael, Phelp), điền kinh, bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ…, những môn thể thao cơ bản, truyền thống của Olympic.

Đoàn TT Nga đang trải qua những tháng năm khó khăn trên đấu trường Olympic. Dù vẫn đứng thứ ba như ở Athen 2004, nhưng số HCV (23) và tổng số HC (72) đã giảm sút (Athen là 27 và 92). Nga đã không thành công ở nhiều môn thi, nhất là môn có thế mạnh truyền thống thể dục dụng cụ, cử tạ, bắn súng, bóng chuyền, đua thuyền…
 
Thể thao Nga đang trong thời kỳ “chuyển dịch” từ cơ chế “bao cấp của nhà nước” sang con đường “xã hội hóa” của các Hiệp hội, Liên đoàn Thể thao. Nước Anh lâu nay vẫn được coi là chiếc nôi của thể thao hiện đại. Thể thao Anh đã ban hành đa số luật lệ của các môn thể thao, đã tạo nên nhiều liên đoàn thể thao quốc tế và xây dựng nhiều công trình thể thao Xứ sở sương mù cũng đã hai lần tổ chức Đại hội Thế vận hội Olympic (London – 1908 và 1948). Olympic 2012 Anh đã giành được quyền đăng cai. Vì vậy, thành tích đứng thứ 4 toàn đoàn với 19 HCV như một thông điệp đến toàn cầu rằng: ở Olympic London 2012 Thể thao Anh sẽ tranh đấu 3 vị trí hàng đầu.

Jamaica với 6 HCV Điền kinh, Kenya (5), Etiopia (4). Afganistan (1)… là những quốc gia nhỏ bé và kinh tề đầy khó khăn, nhưng họ lại giành được HCV và tạo nên những ấn tượng tốt đẹp.

* TT&VN: Thực tế gieo và gặt

Olympic Bắc Kinh đối với Thể thao VN nói như ông Hoàng Vĩnh Giang – Trưởng Đoàn TTVN là “Cũng khó có thể nói là thành công, nhưng cũng có thể coi là đạt chỉ tiêu”, hay như dư luận nhận định “Đoàn TTVN một niềm vui, nhưng nhiều nỗi buồn”.

Thông qua nhiều năm theo dõi TTVN, tôi cho rằng: Đoàn TTVN đã đạt được chỉ tiêu, đã hoàn thành được nhiệm vụ. Vì nhiệm vụ và chỉ tiêu trước lúc lên đường chỉ là cố gắng học hỏi và nếu có cơ hội thì phấn đấu có huy chương. TTVN đã giành được 1 HCB . Thế là đã vượt chỉ tiêu, đã là thành công.

Nhưng huy chương chỉ là một mặt, mặt được nổi lên trên, còn mặt khác quan trọng hơn là trình độ của thể thao nước nhà. Thành tích xuất sắc của Hoàng Anh Tuấn (cử tạ), sự cố gắng cao của Nguyễn Thị Thiết, Đoàn Kiến Quốc, Vũ Thị Hương, Tiến Minh và cả Ngọc Trúc, Hoài Thu, Văn Hùng...thì những người yêu mến thể thao cả nước đều đã biết qua truyền hình và báo chí.
 
Nỗi buồn thất trận của Hoài Thu
 
Nhưng có điều nhiều người chưa hiểu rõ: đó là TTVN chưa quan tâm đúng mức đến việc đầu tư công sức và tiền của cho việc chuẩn bị Olympic. Các nước chuẩn bị cho chu kỳ Olympic ít nhất là 4 năm, nhiều thì 8 – 10 năm, còn ở ta thì mới bắt đầu sau Tết Âm lịch Mậu Tý (cuối tháng 2/2008), nghĩa là quỹ thời gian chỉ có nửa năm! Cử tạ Hoàng Anh Tuấn được tập huấn ở Bulgari 3 tháng, Taekwondo tập huấn ở Hàn Quốc 2 tháng, ngoại tệ co hẹp, nội tệ trượt giá và lạm phát, ăn đói, thiếu HLV, thiếu dinh dưỡng và thuốc men mà thi đấu đạt được kết quả như Hoàng Anh Tuấn và các VĐV khác, kể cả Taekwondo, là rất đáng khen ngợi, đáng trân trọng.

Tôi không trách cứ các VĐV và chúng ta không nên đổ mọi yếu kém, lỗi lầm lên đầu họ (thể lực yếu, tâm lý yếu kém, thiếu hiểu biết, kể cả vụ dính doping của Ngân Thương cũng là sai lầm của VĐV), không nên quá kỳ vọng vào trình độ của VĐV vì họ và kết quả của họ chỉ là hậu quả của quá trình chỉ đạo của sự đầu tư dàn trải và chậm trễ của những người quản lý TTVN. Không nên né tránh, lấp liếm và bao biện, đừng đổ cho “cơ chế”, cho việc “thiếu kinh phí”, đừng tự ái và bực tức, cần tỉnh táo nhìn nhận lại 1 cách khách quan toàn bộ quá trình chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh. Đó là bài học cần thiết rút ra được từ Olympic lần này.

Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan vẫn dẫn đầu với 2 HCV, 2 HCB và Indonesia 1HCV, 1HCB, 3 HCĐ, Singapore và Malaysia mỗi nước 1 HCB như Việt Nam. Người Thái vẫn tập trung đầu tư cử tạ và boxing, người Indonesia thì cầu lông và cử tạ. Đó là những môn họ đã giành huy chương Olympic nhiều năm nay.
 
Thái Lan, Indonesia, Singapore giàu có hơn ta, xã hội hóa sớm hơn ta cũng chỉ dám tập trung đầu tư vài ba môn truyền thống. Thế mà TTVN ta cho đến tận bây giờ vẫn kêu gọi tiến tới tham dự Olympic – 2012 ở Lon don với 12 – 16 môn, kể cả bóng đá nữ. TTVN cần phải có chiến lược chuẩn bị cho Olympic một cách bài bản, khoa học, khách quan và thực tế. Những người yêu mến TT mong Chính phủ có những biện pháp tích cực để trợ giúp cho TTVN phát triển, để Olympic 4 năm sau ở Lon don – TTVN có thêm những niềm vui và bớt đi những nỗi buồn.
 
NGUYỄN HỒNG MINH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm