Cơ hội từ 'Kong: Skull Island' và uy tín của Jordan Vogt-Roberts

16/03/2017 19:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Phim Kong: Đảo Đầu Lâu (Kong: Skull Island), một trong những “bom tấn” của Hollywood với khoản đầu tư lên tới 185 triệu USD bắt đầu khởi chiếu khắp 65 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam là điểm nhấn từ góc độ phim trường. 

Ngay lập tức nó tạo ra một làn sóng truyền thông cực lớn cả trong và ngoài nước. Đính kèm theo đó là không ít lời ca tụng và những câu hỏi liên quan tới Việt Nam. Liệu ngành du lịch sẽ cầm cương con sóng cồn này để tăng trưởng bền vững, hay sẽ thụ động trôi theo đỉnh sóng nhất thời?


Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trao quyết định cho đạo diễn Jordan V-Roberts. Ảnh: thethaovanhoa

Thực tế không phải đến khi khởi chiếu, bộ phim mới tạo hiệu ứng quảng bá cho du lịch Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón 2,2 triệu khách quốc tế, tăng 33% so với 2 tháng cùng kì năm ngoái. Kong: Skull Island được kỳ vọng sẽ giúp du khách quốc tế đến Việt Nam tăng 30% khi công chiếu, theo dự báo của Tổng cục Du lịch.

Du lịch và điện ảnh – cặp bài trùng

Mối quan hệ cộng sinh giữa du lịch và điện ảnh là điều không cần phải nghi ngờ. Chúng đã được chứng minh là cặp đôi hoàn hảo qua thực tiễn. Điển hình phải kể đến siêu phẩm Chúa tể của những chiếc nhẫn (Lord of The Rings)The Hobbit của đạo diễn Peter Jackson quay ở New Zealand. Tạp chí Forbes dẫn lời chuyên gia du lịch Gregg Anderson của New Zealand, nói: “Kể từ khi phần đầu của Lord of the RingsThe Fellowship of the Ring được ra mắt năm 2001, lượng khách du lịch quốc tế tới New Zealand đã tăng lên đến 50%. 

Và sau đó, New Zealand đã giữ trường quay của phim The Hobbiton gần như nguyên trạng”. Nó thành thỏi nam châm với du khách. Du lịch đang là nền công nghiệp lớn thứ nhì của quốc gia này, chỉ sau bơ sữa.

Trong hai thập kỷ qua, kể từ khi đoàn làm phim Bond 18 rời Việt Nam sang Thái Lan cho tới gần đây nhất là Mechanic với ngôi sao Jason Statham, Thái Lan đón hàng nghìn đoàn làm phim nước ngoài, thu về nguồn lợi khổng lồ. Trang Pressreleasejet dẫn số liệu của Cục Điện ảnh Thái Lan cho biết nước này thu được 380 triệu USD từ hoạt động sản xuất của 4.470 bộ phim nước ngoài trong sáu năm kể từ 2010.

Chính Jordan Vogt-Roberts cũng tin rằng Kong: Skull Island sẽ có tác động tích cực lên du lịch, phim ảnh và hiểu biết chung về vẻ đẹp kỳ vĩ của Việt Nam. “Tôi hy vọng mọi người sẽ xem bộ phim này giống như cách họ đã xem Lord of The Rings, và tự hỏi, "Mấy cảnh này quay ở đâu thế nhỉ?". Và khán giả sẽ đi và khám phá Việt Nam, đem lòng yêu phong cảnh, con người, văn hóa và ẩm thực nơi đây”.


Cảnh quay phim Kong ở Ninh Bình (Ảnh: CGV)

Điện ảnh là một môn nghệ thuật có sức lan tỏa nhanh, mạnh và rộng lớn trên phạm vi toàn cầu. Nó truyền thông điệp qua nhiều kênh, hình ảnh, âm thanh, cảm xúc và tư duy, cho nên có thể lôi cuốn người xem mạnh mẽ. Sẽ là tối ưu nếu tận dụng được điện ảnh để quảng bá du lịch. Chẳng hạn, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ cũng tạo một làn sóng du lịch mạnh mẽ đến Phú Yên - nơi phim được quay, đặc biệt trong giới trẻ.

Kế hoạch hành động gắn với Kong: Skull Island

Trước Kong: Skull Island, ngành du lịch đã có những bước đi cụ thể để thu hút quốc tế. Năm 2014, Tổng cục Du lịch công bố slogan mới “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” thay vì “Việt Nam, vẻ đẹp tiềm ẩn”, nhằm giới thiệu những trải nghiệm mới, đa dạng và bất ngờ, tràn đầy năng lượng lạc quan, tự tin và cởi mở.

Năm 2015, Bộ Ngoại Giao chính thức ra mắt clip quảng bá Welcome to Vietnam bằng 9 ngôn ngữ tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật, và Ả Rập. Đây có thể nói là một trong những nỗ lực nhằm tạo ra những sản phẩm truyền thông chất lượng cao, đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Đoạn phim dài hơn bảy phút đã phần nào lột tả được vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, văn hoá và con người Việt Nam với nhiều di sản thiên nhiên và văn hoá thế giới. Năm 2016, Hà Nội quyết định chi hai triệu USD để quảng bá về thủ đô trong hai năm, từ 1/1/2017 đến 31/12/2018 trên kênh truyền hình Mỹ CNN. Và hai đoạn phim quảng bá trên vừa chính thức lên sóng.

Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ngành du lịch chỉ đạo các địa phương trọng điểm du lịch nói chung và các địa phương liên quan tới dự án phim Kong: Skull Island nói riêng chú trọng giữ gìn và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đồng thời đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ để thu hút và giữ chân du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.

Bên cạnh đó là những dự án bảo vệ khu vực phim trường, xây dựng các mô hình, hình ảnh 3D ngay tại và gần khu vực quay phim để thu hút sự quan tâm, tạo hứng thú cho du khách tới các địa danh này.

Các Sở Du lịch còn phối hợp với các công ty lữ hành xây dựng các tour “Hành trình của Kong”, “Quê hương của Kong” kết nối ba tỉnh Quảng Bình – Ninh Bình – Quảng Ninh để du khách có cơ hội trải nghiệm thiên nhiên Việt Nam như những gì họ thấy trên màn ảnh.

Ngành du lịch cũng thúc đẩy xây dựng clip giới thiệu các địa danh qua sử dụng hình ảnh thực tế kết hợp những hình ảnh trong phim để giới thiệu tại các hội thảo, sự kiện xúc tiến du lịch quốc tế, gửi tới các Đại sứ quán và cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Có thời địa phương sợ thắng cảnh bị tàn phá như trên phim

Có thời địa phương sợ thắng cảnh bị tàn phá như trên phim

Việt Nam với những di sản thiên nhiên lộng lẫy như một thế giới khác, thế giới mà các nhà làm phim sử thi luôn tìm kiếm. Song nhiều thập kỷ qua, số lượng phim quốc tế được ghi hình ở Việt Nam mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chúng tôi cũng sẽ đồng hành và hỗ trợ đạo diễn Jordan Vogt-Roberts thực hiện tốt vai trò Đại sứ Du lịch Việt Nam trong nhiệm kỳ 2017-2020. Bằng uy tín cá nhân và các sản phẩm điện ảnh của mình, Đại sứ Du lịch sẽ giúp làm lan tỏa, quảng bá cho du lịch và các giá trị cốt lõi khác của Việt Nam, ông Chung nói.

Phương Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm